(CLO) Có thể khẳng định rằng chưa bao giờ mối quan hệ Việt Nam – Mỹ tốt đẹp như hiện tại. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Vì thế, ngay cả với sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump cùng khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, thì bên cạnh những thách thức, một thời cơ lớn cho Việt Nam cũng sẽ được gợi mở.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump
Trong nhiệm kỳ đầu tại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ duy nhất hai lần công du đến Việt Nam khi còn đương chức. Lần đầu tiên vào năm 2017 khi ông Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Lần thứ hai vào năm 2019 nhân cuộc họp thượng định Mỹ – Triều Tiên với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Cả hai lần đến Việt Nam đó, Tổng thống Donald Trump đều được đón tiếp trọng thị, cũng như nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Việt Nam. Năm 2019 tại Hà Nội, ông Trump từng ngạc nhiên với sự phát triển của Việt Nam với nhận xét “ấn tượng với tốc độ phát triển của đất nước các bạn trong 25 năm qua” (từ thời điểm Mỹ – Việt bình thường hóa quan hệ vào năm 1995).
Bốn năm trong quãng gián đoạn giữa hai nhiệm kỳ của ông Trump, Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ Joe Biden cũng đã đến thăm Việt Nam. Tại Hà Nội, mốc son mới trong quan hệ Việt – Mỹ đã được xác lập bằng sự kiện cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Biden chính thức ký kết nâng tầm quan hệ đôi bên lên Đối tác chiến lược toàn diện, cấp quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam. Tại tiệc chiêu đãi, Tổng thống Biden thậm chí còn nảy thơ Kiều, chứng tỏ mối quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Nhà Trắng đối với nước ta.
Đáp lại, gần đây các lãnh đạo Việt Nam cũng đã có những chuyến thăm làm việc tại Washington. Trong khuôn khổ họp thượng đỉnh tại Liên hợp quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có lịch trình làm việc bận rộn tại Mỹ hồi cuối tháng 9/2024. Ông cũng có bài phát biểu quan trọng thể hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Đại học danh tiếng Columbia. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có liên tiếp hai chuyến thăm Mỹ vào các năm 2022 và 2023. Các chuyến thăm đó của các lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.
Kết quả của những chuyến thăm cao cấp liên tiếp đó được cụ thể hóa bằng những thành tựu mang tính lịch sử. Ba năm liên tiếp gần đây, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Mỹ đều vượt mốc 100 tỷ USD, gấp gần 3 lần năm 2016 – năm đầu của nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump. Hoa Kỳ cũng đã cho khởi công xây dựng Đại sứ quán mới tại thủ đô Hà Nội với kinh phí hàng tỷ USD vào năm 2023. Chiều ngược lại, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng đã từng bước gắn tên trên bản đồ các quốc gia có doanh nghiệp đầu tư tại Hoa Kỳ như VinFast…
Triển vọng tăng cường mối quan hệ giữa hai nước
Trở lại Nhà Trắng tới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump được khẳng định vẫn theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết”, “mang việc làm trở lại nước Mỹ”… với mục tiêu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Nhiệm kỳ đầu, chính quyền ông Trump thực hiện lời hứa thông qua việc áp thuế cao nên các đối thủ cạnh tranh, rời bỏ các cam kết đa phương với lý do nước Mỹ chẳng được hưởng lợi gì, thậm chí ngay cả các đồng minh cũng bị ông Trump gây áp lực tài chính… Tuy nhiên, kim ngạch thương mại Việt – Mỹ giai đoạn này vẫn tăng trưởng tốt. Nếu năm 2016 còn chưa đến 40 tỷ USD thì năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đã tăng hơn gấp đôi lên vượt mốc 90 tỷ USD.
Ở góc độ kinh tế, 4 năm sau, chính quyền mới của ông Donald Trump có thể vẫn sẽ sử dụng công cụ đánh thuế cao để bảo hộ hàng hóa nội địa, theo đuổi chính sách giữ doanh nghiệp Mỹ ở lại trong nước và kéo doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư ở nước này. Ngoài ra viêc chọn nhà đầu tư mạo hiểm DJ Vance làm “phó tướng” hay liên minh với tỉ phú Elon Musk trong chiến dịch tranh cử là bước đi hoàn toàn có chủ đích của ông Trump.
Và đây có thể là thời cơ lớn dành cho Việt Nam. Cán cân thương mại Việt Nam đang xuất siêu, thậm chí Hoa Kỳ còn là một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng chủ yếu như dệt may, thủy sản, giày dép, hạt điều, cà phê, thủ công mỹ nghệ… đều thuộc công nghiệp chế biến, công nghiệp nhẹ. Chúng là hàng hóa thiết yếu, không thuộc danh mục chạy đua công nghệ đang diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc.
Những năm gần đây, các cấp lãnh đạo Việt Nam đã rất thành công trong điều hành vĩ mô. Bên cạnh duy trì sự ổn định chính trị, những đột phá trong kinh tế là rất ấn tượng. Các chính sách cắt giảm thủ tục hành chính, làm trong sạch môi trường kinh tế và đầu tư… liên tục được Đảng và Chính phủ ta nhắc đến. Đó cũng sẽ là cơ sở để tin các doanh nghiệp khó tính của Mỹ trong những năm tới dưới thời ông Trump sẽ ngày càng tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
Khi triển vọng trong mối quan hệ giữa hai nước được thúc đẩy, những tập đoàn hàng đầu Việt Nam càng có nhiều cơ hội đặt chân trên đất Mỹ. Sự kiện Vinfast ra mắt mẫu xe điện đầu tiên tại Mỹ năm 2021, khai trương hệ thống bán hàng năm 2022, lên sàn chứng khoán Nasdaq và khởi công nhà máy sản xuất cùng năm 2023 là những dấu mốc tính đột phá và có ý nghĩa biểu tượng. Và cùng với những tập đoàn công nghệ Việt lớn như FPT… vốn đang hợp tác nhiều lĩnh vực với Thung lũng silicon, nước ta đang từng bước ghi dấu ấn trong cuộc đua công nghệ cao, xu thế phát triển kinh tế được khẳng định sẽ định hình tương lai của thế giới.
Huy Nam
Nguồn: https://www.congluan.vn/quan-he-viet-nam–my-nhung-trien-vong-phat-trien-khi-ong-donald-trump-tro-lai-nha-trang-post320877.html