Một tiết mục biểu diễn trong khuôn khổ “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia”. (Ảnh TTXVN)
Quan hệ chính trị giữa hai nước thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao và các cấp hai nước duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc và trao đổi. Các cơ chế hợp tác quan trọng tiếp tục phát huy hiệu quả, đưa hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng đi vào chiều sâu. Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng nhận định, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, cũng như đối ngoại, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để hai nước phát triển.
Việt Nam có đường biên giới đất liền với Campuchia dài 1.258 km và có 10 tỉnh giáp biên giới với chín tỉnh của đất nước Chùa Tháp. Trên cơ sở các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai bên, các cơ quan chức năng, chính quyền và nhân dân các địa phương có chung đường biên giới hai nước đã tích cực phối hợp triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền. Năm 2019, hai bên đã ký hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% đường biên giới trên đất liền. Nhằm tiếp tục xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, hai bên đang nỗ lực thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc 16% đường biên giới trên bộ còn lại.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia và là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia trong ASEAN. Với dấu hiệu khởi sắc trở lại, kim ngạch thương mại song phương bốn tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay, Việt Nam có 205 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia, với tổng vốn đăng ký đạt 2,94 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong nhóm năm nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất. Trong khi đó, Campuchia đứng thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư. Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và sự phát triển thịnh vượng của đất nước Chùa Tháp.
Các lĩnh vực hợp tác, như giáo dục-đào tạo, giao thông-vận tải, văn hóa, y tế, viễn thông… được quan tâm, đẩy mạnh. Hằng năm, Việt Nam cấp hàng trăm suất học bổng dài hạn cho sinh viên Campuchia sang học tại Việt Nam. Trong khi đó, số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Campuchia cũng ngày càng nhiều. Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ tình nguyện sang khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân Campuchia. Các bệnh nhân Campuchia khi sang Việt Nam được hưởng mức lệ phí khám chữa bệnh như người Việt Nam.
Các hoạt động ngoại giao nhân dân của mặt trận, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, hội hữu nghị, tổ chức đoàn thể của Việt Nam và Campuchia diễn ra sôi nổi và rộng khắp. Hai bên thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhất là ở các địa phương giáp biên giới. Điều này góp phần nâng cao sự hiểu biết về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Hai nước phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế, khu vực và tiểu vùng, trong đó có Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế do Hiệp hội dẫn dắt, cũng như các cơ chế CLV, CLMV, ACMECS… Việc thúc đẩy hợp tác đa phương góp phần nâng cao uy tín và vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Dựa trên những thành tựu quan trọng đã đạt được, hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại-đầu tư đến khoa học-công nghệ, nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân… Điều này khẳng định sự coi trọng và mong muốn của hai bên trong việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia.
Nguồn: https://nhandan.vn/quan-he-viet-nam-campuchia-khong-ngung-duoc-cung-co-va-phat-trien-post818692.html