Trong gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện năm 2007, quan hệ Việt Nam-Brazil đã phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Quan hệ chính trị giữa hai nước đang trở nên gắn bó và tin cậy, trong khi quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hai nước vẫn còn nhiều dư địa để phát triển mối quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Đại sứ Brazil Marco Farani trình Quốc thư Ảnh Thống Nhất –TTXVN
Giới phân tích nhận định nền kinh tế Việt Nam và Brazil có rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm mang tính bổ trợ cao như năng lượng, hàng không, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, y tế, sinh học, khai khoáng… Không chỉ bổ sung cho nhau, Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh và Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), trong khi Việt Nam có thể trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, đã có hiệu lực từ tháng 1/2019.
Trong bài viết được đăng tải gần đây trên trang mạng reporteasia.com, tác giả Ricky Lau cho biết Việt Nam là đối tác thương mại chính của Brazil ở Đông Nam Á, và ngược lại, Brazil là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Đến năm 2001, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn còn ở mức chưa đáng kể. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức như tình hình toàn cầu hay đại dịch COVID-19, trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn không ngừng gia tăng. Năm 2022, tổng giá trị thương mại song phương đạt kỷ lục 6,78 tỷ USD, trong đó giá trị hàng hóa Brazil xuất khẩu sang Việt Nam đạt 4,55 tỷ USD và nhập khẩu đạt 2,23 tỷ USD. “Những con số này thể hiện mức tăng trưởng đáng kể và nổi bật trong thương mại song phương”, chuyên gia Ricky Lau viết.
Mặc dù vậy, tác giả Ricky Lau vẫn cho rằng thương mại hai chiều còn nhiều dư địa để phát triển, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cùng các nước thành viên MERCOSUR đang nghiên cứu khả năng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do MERCOSUR-Việt Nam. Việt Nam và Brazil có rất nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, an ninh lương thực, an ninh năng lượng toàn cầu, năng lượng tái tạo, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số và hợp tác trong khuôn khổ Nam-Nam.
Cùng chung quan điểm đó, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Brazil tại Việt Nam Marco Farani khẳng định: “Quan hệ giữa Brazil và Việt Nam có rất nhiều triển vọng mặc dù khoảng cách giữa hai nước rất xa nhau”.
Trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam gần đây, Đại sứ Farani cho biết mặc dù trao đổi thương mại giữa hai nước đã đạt mức gần 7 tỷ USD nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng to lớn cần được khai phá trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng xanh và quốc phòng. Ông nhấn mạnh: “Brazil lạc quan về sự tăng trưởng và năng động của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh, có thể trở thành nước có thu nhập trung bình trong 10 năm tới. Brazil có 220 triệu dân – dân số đông. Brazil giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng có nền nông nghiệp phát triển vượt bậc. Vì vậy, có rất nhiều lĩnh vực mà chúng ta có thể hợp tác cùng nhau”.
Đại sứ Farani cũng chỉ rõ năng lượng tái tạo là một lĩnh vực hợp tác triển vọng của hai nước. Theo ông Farani, Brazil là một ví dụ điển hình về phát triển nền kinh tế xanh. Khoảng 90% năng lượng của Brazil ngày nay là năng lượng tái tạo. Vì thế, ông nói: “Chúng tôi có thể chia sẻ hầu hết các kinh nghiệm này với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực ethanol để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.
Mặt khác, Đại sứ Farani cũng cho rằng Việt Nam và Brazil có nhiều triển vọng hợp tác về thương mại, du lịch, nông nghiệp, năng lượng và giáo dục. Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng hai nước sẽ có thêm sự liên kết chính trị, đối thoại chính trị. Đại sứ nói: “Cả hai nước đều nằm ở phía Nam Bán cầu. Hai nước cùng có chung những khát vọng và đều là những nước đi đầu và có tầm quan trọng đặc biệt trong khu vực. Vì vậy, điều rất quan trọng là hai nhà lãnh đạo của Việt Nam-Brazil gặp nhau và bắt đầu đối thoại với những vấn đề này”.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa thăm bang Goiás. Ảnh: TTXVN phát
Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Phạm Thị Kim Hoa nhấn mạnh đối với Việt Nam, Brazil là đối tác quan trọng số 1 ở khu vực Nam Mỹ. Với vị trí địa lý rộng lớn thứ 5 trên thế giới và dân số trên 211 triệu người, Brazil thực sự là một thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, Brazil là cửa ngõ để Việt Nam đi vào các thị trường khu vực Mỹ Latinh, ngược lại Việt Nam là cánh cửa để các doanh nghiệp Brazil thâm nhập vào vào thị trường ASEAN và các nước châu Á khác.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Đại sứ Phạm Thị Kim Hoa nói: “Việt Nam và Brazil có thế mạnh và tiềm năng riêng về kinh tế, thương mại và công nghệ mà hợp tác với nhau sẽ tạo nên hiệu ứng cộng hưởng thiết thực phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế ở từng nước”.
Bà cũng đưa ra đề xuất khá thú vị khi cho rằng Việt Nam và Brazil đều là những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê, trong đó Brazil có thế mạnh về cà phê Arabica còn Việt Nam nổi tiếng với cà phê Robusta. Sẽ rất thú vị nếu trong tương lai chúng ta có thể kết hợp hai loại cà phê trên để cho ra đời một dòng cà phê mới mang hương vị đặc sắc”.
Trong khi đó, Tiến sĩ kinh tế học Ruvislei González Saez, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách quốc tế của Cuba, cho rằng Brazil và Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ nhất và thứ hai trên thế giới. Hai nước là đối thủ cạnh tranh trong ngành hàng này, nhưng lại có sự bổ sung cho nhau trong các lĩnh vực khác, đặc biệt nhờ năng lực xuất khẩu thiết bị công nghệ của Việt Nam và nông sản của Brazil. Mặt khác, Việt Nam đang bắt đầu tăng cường đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực ô tô và năng lượng tái tạo, đây có thể là cơ hội cho các công ty của Việt Nam như VINFAST thâm nhập thị trường Brazil.
Tiến sĩ González Saez nhận định nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) của Brazil vào năm 2024 trùng với dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ song phương sẽ là “thời điểm vàng” để nâng tầm quan hệ lâu dài (giữa Việt Nam và Brazil) cả từ góc độ chính trị-ngoại giao cũng như kinh tế-thương mại./.
Thu Vân