Ai Cập là một trong những đối tác thương mại quan trọng và là thị trường tiềm năng của Việt Nam tại châu Phi. Những năm gần đây, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19, quan hệ kinh tế giữa Ai Cập và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa mối quan hệ này.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong giai đoạn 2020-2022, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập đã liên tục tăng, từ 87,1 triệu USD năm 2020 lên khoảng 600 triệu USD năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Ai Cập là hải sản, máy vi tính, linh kiện điện tử…; các mặt hàng nhập khẩu chính là hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, sợi các loại…
Tuy nhiên, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập phụ trách khu vực châu Á, Đại sứ Hazem El Tahry cho rằng Ai Cập và Việt Nam còn nhiều dư địa hợp tác to lớn. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Ai Cập (1963-2023) do Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập tổ chức ở thủ đô Cairo (Ai Cập) hồi cuối tháng 7/2023, ông Hazem El Tahry cho biết hai bên đang nỗ lực củng cố khuôn khổ pháp lý cho hợp tác song phương thông qua việc rà soát các văn kiện hiện có và hoàn thiện các thoả thuận mới để ký kết trong thời gian tới.
Ông El Tahry cũng cho rằng giao lưu văn hóa là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Ai Cập, đồng thời đề nghị hai nước cần đẩy mạnh hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Cùng chung quan điểm đó, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng nhận định Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, logistic, văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân…
Theo Đại sứ Nguyễn Huy Dũng, thị trường nội địa mỗi nước đều có hơn 100 triệu dân còn chưa được khai thác hết. Nếu các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam có thể chuyển đổi và khai thác thành công các sản phẩm Halal với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thì không chỉ Ai Cập mà cả các quốc gia Hồi giáo khác sẽ mở ra cho chúng ta một thị trường xấp xỉ 1,8 tỷ người trên khắp thế giới
Đại sứ Nguyễn Huy Dũng cũng nhấn mạnh cả Việt Nam và Ai Cập đều là những nước có ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nên có nhiều thế mạnh có thể trao đổi với nhau (ví dụ như phân bón, giống cây trồng/vật nuôi, chế biến nông sản/hải sản…).
Hiện nay, Ai Cập đang nhập khẩu số lượng lớn cá ngừ đóng hộp, tôm và cá basa đông lạnh có nguồn gốc từ Việt Nam. Đây là những mặt hàng hết sức tiềm năng. Ngoài ra, các loại hải sản khác mà Việt Nam có thế mạnh cũng rất được ưa chuộng ở thị trường này.
Bên cạnh đó, theo Đại sứ Nguyễn Huy Dũng, khai thác khí đốt tự nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt, năng lượng Mặt trời là những lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác mà hai nước có thể khai thác.
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn mở rộng đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia châu Phi, trong đó có Ai Cập. Việc thiết lập FTA sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh sang không chỉ Ai Cập mà còn có điều kiện tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi. Ở chiều ngược lại, nếu Ai Cập ký kết FTA với Việt Nam, hàng hóa của Ai Cập sẽ không chỉ có cơ hội tiếp cận với thị trường trên 100 triệu dân của Việt Nam mà thông qua Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận thị trường các nước khu vực ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn mà Việt Nam là thành viên.
Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, có thể thấy quan hệ hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp. Trong chặng đường sắp tới, Ai Cập và Việt Nam nhất trí tiếp tục cùng nhau xây đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt ngày càng tươi sáng hơn./.
Linh Anh
Xem thêm: Quan hệ Việt Nam-Ai Cập (Bài 1): Xây nền vững chắc cho quan hệ song phương