TRÒ CHUYỆN ĐẦU XUÂN VỚI LAO ĐỘNG, ĐẠI SỨ MỸ TẠI VIỆT NAM MARC KNAPPER KHẲNG ĐỊNH, VIỆC VIỆT NAM VÀ MỸ NÂNG CẤP QUAN HỆ “HAI BẬC” TRONG NĂM QUA LÀ MỘT ĐIỀU PHI THƯỜNG, NHƯNG CHẮC CHẮN KHÔNG PHẢI “PHÉP MÀU” MÀ LÀ NỖ LỰC KHÔNG MỆT MỎI CỦA CẢ HAI BÊN TRONG HÀNG CHỤC NĂM QUA.
Đại sứ Mỹ Marc Knapper điểm lại những dấu mốc trong quan hệ Việt – Mỹ. Video: Đại sứ quán Mỹ
Vào thời điểm năm 2020 khi Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ, cựu Đại sứ Daniel Kritenbrink đã nói đến “điều phi thường” và “phép màu không phải ngẫu nhiên” mà Việt Nam và Mỹ đạt được là từ cựu thù trở thành bạn bè và đối tác. Đến năm 2023, hai bên tiếp tục nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện và Đại sứ là người chứng kiến “phép màu” đó được viết tiếp trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden. Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc của mình?
– Việc nâng cấp quan hệ “hai bậc” trong năm nay, thẳng từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược Toàn diện chắc chắn là một điều phi thường. Điều đó rất quan trọng, nhưng tôi không chắc mình có thể gọi đó là một “phép màu” hay không, mà như bạn nói, đúng hơn là “phép màu không phải ngẫu nhiên”.
Một phép màu xảy ra khi không có bất kỳ hành động nào tác động vào, trong khi trên thực tế với chúng ta, tôi nghĩ tất cả đều biết rằng để nâng cấp được quan hệ như vậy đòi hỏi rất nhiều người phải làm việc không mệt mỏi trong rất nhiều năm, ở cả Việt Nam và Mỹ.
Đó là nhờ vào tầm nhìn mà hai bên đã chia sẻ từ trước khi nâng cấp, dù quan hệ thương mại và đầu tư, an ninh, các vấn đề liên quan đến khí hậu, năng lượng, hay từ giáo dục đến giao lưu nhân dân…
Nỗ lực của chúng ta trong nhiều năm đã đơm hoa kết trái, đồng thời cũng phản ánh tầm nhìn mà chúng ta hướng tới tương lai chung của hai nước. Đó là một tương lai mà chúng ta chia sẻ sự thịnh vượng, an ninh, với hy vọng có thể tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn cho con cháu và các thế hệ tương lai ở cả hai nước.
Việc nâng cấp quan hệ mở ra những cơ hội mới nào cho hợp tác song phương, bởi trước khi nâng cấp, Đại sứ từng nói, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã bao hàm tính chiến lược và toàn diện?
– Tôi chắc chắn rằng, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự tăng tốc các lĩnh vực hợp tác hiện có và mở rộng sang các lĩnh vực hợp tác mới.
Gần đây, Mỹ và các đối tác đã cam kết tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi năng lượng công bằng. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cam kết hợp tác với Việt Nam khi các bạn phát triển nền kinh tế công nghệ cao, tập trung vào tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho việc sản xuất chất bán dẫn và các hàng hóa công nghệ cao khác.
Tất nhiên, Việt Nam đã là một trong những nước đi đầu thế giới về lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói chất bán dẫn, nhưng chúng tôi muốn hợp tác để giúp Việt Nam nâng cao chuỗi giá trị chất bán dẫn để Việt Nam có thể thu hút đầu tư nhiều hơn nữa, thậm chí trong những lĩnh vực công nghệ cao hơn.
Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất trong Tuyên bố Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỉ USD, trong đó có sự tham gia của các ngân hàng Mỹ, công ty Mỹ, các quỹ và tổ chức của Mỹ.
Tất cả những điều này, dù là đầu tư công nghệ cao, phát triển lực lượng lao động, giáo dục đào tạo, chuyển đổi năng lượng sạch, sẽ góp phần vào nỗ lực mới nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ cao mà chúng tôi hy vọng sẽ mang lại sự thịnh vượng hơn nữa cho người dân Việt Nam.
Việc nâng cấp quan hệ không chỉ là lời nói suông mà gắn liền với một loạt thỏa thuận thương mại và hợp tác ở tầm mức mới, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao. Những thỏa thuận đó đã được triển khai như thế nào về phía Mỹ? Việt Nam từng tuyên bố sẽ “dọn tổ để đón đại bàng”, các “đại bàng Mỹ” đã có kế hoạch cụ thể gì chưa, thưa Đại sứ?
– Như tôi đã nói ở trên, lý do chúng tôi sử dụng từ “hệ sinh thái” là vì đó thực sự là tập hợp của những nỗ lực khác nhau, tất nhiên, nó sẽ bao gồm đầu tư từ các công ty Mỹ.
Một số công ty công nghệ cao và nổi tiếng nhất của Mỹ như Intel đã có mặt ở đây; Amkor đã khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn tại Việt Nam.
Chúng tôi cam kết sẽ hợp tác với Việt Nam để phát triển lực lượng lao động từ 50.000 đến 80.000 kỹ sư, nhà khoa học máy tính, nhân lực công nghệ cao mới.
Không lâu sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden và thông báo về việc nâng cấp quan hệ song phương, một phái đoàn lớn của Mỹ đã tham dự lễ khai trương Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, trong đó có đại diện của các công ty Mỹ, hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ. Chúng tôi muốn là một phần của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia – trung tâm đổi mới cho các ngành sản xuất công nghệ cao của Việt Nam.
Tương tự với Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, đây là một lĩnh vực khác mà bạn sẽ thấy Mỹ đang chú ý dành nguồn lực, khuyến khích các công ty Mỹ xem xét và đầu tư, hợp tác…
Đó chỉ là những ví dụ nhỏ cho thấy việc nâng cấp này không mang tính biểu tượng. Đó không chỉ là lời nói suông mà thực sự là công việc chúng tôi đang làm với Việt Nam, với mục tiêu chung là tạo ra sự thịnh vượng và giúp Việt Nam đóng một vai trò quan trọng toàn diện hơn trong hệ sinh thái bán dẫn và công nghệ cao, không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu.
Tháng 10 năm ngoái khi thăm Mỹ tôi có dịp đến Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam, cảm thấy rất xót xa. Bản thân những người thân của Đại sứ cũng đã từng trải qua cuộc chiến này. Xin Đại sứ chia sẻ thêm câu chuyện cá nhân của mình và bình luận của Đại sứ về câu chuyện hòa giải và lòng tin giữa hai nước.
Bức tường khắc tên những lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Ảnh: Vân Anh.
– Cảm ơn bạn đã dành thời gian đến thăm Đài tưởng niệm, đó là một cử chỉ rất có ý nghĩa. Đúng, là cha tôi từng là một người lính chiến đấu ở Việt Nam năm 1966-1967, ông có vài tháng ở phía nam Đà Nẵng, sau đó là 10 tháng ở Quảng Trị.
Khi tôi lớn lên, ông thường nói với tôi về quãng thời gian với ký ức khó khăn đó, nhưng ông cũng thường nói về mong muốn một ngày nào đó có thể trở lại đất nước này.
Thực tế tôi đã ba lần đón ông đến thăm lại Việt Nam. Lần đầu tiên vào năm 2004 khi tôi chỉ mới sang Việt Nam được vài tháng cho nhiệm vụ tham tán tại Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, tôi đã đón ông tới đây và tôi nghĩ ông đã rất hài lòng và bất ngờ. Bất ngờ không chỉ vì nhận được sự chào đón nồng nhiệt mà còn tận mắt chứng kiến Việt Nam đã thực sự trở thành một quốc gia thịnh vượng, hòa bình và thân thiện với Mỹ như thế nào.
Vì vậy, dù quãng thời gian trong chiến tranh là khoảng thời gian khó khăn với ông cũng như với các cựu chiến binh khác, và tất nhiên, đó là thời điểm khó khăn đối với đất nước và người dân Việt Nam, nhưng tôi nghĩ những chuyến thăm của các cựu binh Mỹ như cha tôi, vẫn luôn được xem là một phần trong tiến trình hòa giải của cả hai nước, cũng như xây dựng thiện chí, hiểu biết lẫn nhau và tăng cường niềm tin.
Năm 2023, Việt Nam và Mỹ cũng vừa kỷ niệm 35 năm triển khai hoạt động hỗn hợp tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).
Gần đây, Mỹ cũng đã đưa ra một số sáng kiến hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm, xác định hài cốt liệt sĩ thông qua phân tích ADN. Chúng tôi cũng đã nhiều năm nỗ lực làm sạch ô nhiễm dioxin, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Những nỗ lực như vậy hoàn toàn xuất phát từ mục đích nhân đạo, là điều Mỹ cho rằng cần phải làm và không dựa trên những cân nhắc thiệt hơn chính trị nào khác, để giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh, thúc đẩy hòa giải, tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau.
Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.
Chuyến trở lại Mỹ của Đại sứ trong năm ngoái và gặp gỡ cộng đồng người Việt có ấn tượng nào đặc biệt? Đại sứ nhận xét gì về cộng đồng người Việt tại Mỹ?
– Tôi đã đến Los Angeles và Quận Cam để gặp gỡ các nhà lãnh đạo của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Bạn biết đấy, 2,4 triệu người Mỹ gốc Việt hiện đang ở Mỹ, thuộc mọi tầng lớp xã hội ở nhiều vùng khác nhau trên đất nước.
Trong số những người tôi gặp, tôi cảm nhận được sự háo hức và phấn khích trong họ, trước hết là về việc nâng cấp quan hệ giữa hai nước. Khi mối quan hệ trở nên bền chặt, vững chắc, lập tức sẽ có các cơ hội kinh tế tiềm năng.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt có rất nhiều doanh nhân tiềm năng trong các lĩnh vực, dù là y tế hay công nghệ cao, họ đang tìm cách thực sự đầu tư.
Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng những gì tôi cảm nhận được là rất nhiều sự hứng khởi, hào hứng về việc nâng cấp và ý nghĩa của nó đối với những mối quan hệ thậm chí còn chặt chẽ hơn, không chỉ giữa Mỹ và Việt Nam, mà còn giữa Việt Nam và cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, tôi rất ấn tượng với chia sẻ của nhiều quan chức chính phủ Mỹ rằng Mỹ không ép các nước chọn bên mà muốn đảm bảo để các nước có quyền lựa chọn. Ở chiều ngược lại, vì sao Mỹ “chọn” Việt Nam?
– Mỹ muốn đảm bảo rằng các quốc gia có quyền lựa chọn, tìm cách thúc đẩy an ninh, thịnh vượng của chính họ, được tự do đưa ra lựa chọn phát triển của riêng mình. Điều đó đúng với Việt Nam cũng như bất kỳ ai khác.
Việt Nam có những khát vọng riêng và chúng tôi hợp tác để giúp Việt Nam thực hiện những khát vọng đó. Cho dù đó là khát vọng trở thành một quốc gia NET ZERO vào năm 2050, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, có thêm 80.000 công nhân công nghệ cao vào năm 2030…
Mỹ tự hào được là đối tác với Việt Nam và chúng tôi hy vọng sẽ giúp Việt Nam tiếp tục vạch ra con đường để thực hiện khát vọng của mình.
Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.
Xin Đại sứ chia sẻ cảm xúc về Tết Việt?
– Đây là năm thứ ba tôi đón Tết ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là cuối tháng 1.2022 cũng vào dịp Tết, nhưng tôi bị lệch múi giờ nên không thực sự cảm nhận được nhiều. Tôi đã trải nghiệm Tết trọn vẹn hơn vào năm ngoái, và năm nay là năm thứ ba. Tôi thực sự rất thích hương vị Tết Việt và đã có những kỷ niệm đẹp đẽ, niềm vui ấm áp khi cùng gia đình và bạn bè đón Tết.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Laodong.vn