Ngày 26.6, bác sĩ Vũ Đức Công, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health (TP.HCM), cho biết bệnh nhân có chia sẻ mặc dù quan hệ tình dục đều đặn 2-4 lần/tuần nhưng đã 2 năm kết hôn vẫn chưa có “quả ngọt”. Điều đó thôi thúc anh quyết định đi khám nam khoa.
Khi cầm kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ, anh H. không thể tin là trong mẫu tinh dịch không có một con tinh trùng nào. Vì anh nghĩ “cậu nhỏ” vẫn cương cứng và có khả năng quan hệ bình thường thì khả năng sinh sản sẽ tốt.
“Bệnh nhân bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo rằng hai tinh hoàn của anh bị teo nhỏ, kích thước chỉ bằng tinh hoàn của một đứa bé”, bác sĩ Công chia sẻ.
Bác sĩ Công cho biết kết quả các xét nghiệm tầm soát cho thấy tinh hoàn của bệnh nhân đang bị tổn thương khá nặng nên khả năng tìm thấy tinh trùng bằng xuất tinh tự nhiên là rất thấp. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật vi phẫu tìm tinh trùng (MicroTESE) nhằm trích tinh trùng từ những ống sinh tinh chưa bị tổn thương.
“Trước khi phẫu thuật, anh H. được bác sĩ điều trị thuốc để tăng khả năng tìm thấy tinh trùng trong 6 tháng trước mổ. Cuối cùng, nhờ sự kiên trì, may mắn đã mỉm cười với vợ chồng anh H. sau 2 giờ phẫu thuật. Số lượng tinh binh đủ để làm thụ tinh trong ống nghiệm” bác sĩ Công cho biết.
Tinh hoàn bình thường sẽ có thể tích thế nào?
Theo bác sĩ Công, thống kê ở Việt Nam, thể tích tinh hoàn bình thường từ 12-25 ml. Những trường hợp tinh hoàn có thể tích dưới 12 ml được xem là tinh hoàn nhỏ. Vì tinh hoàn có dạng hình bầu dục nên nó sẽ được đo bằng một loại thước đặc biệt có tên là Prader.
Thước đo là những thỏi nhựa hình quả trứng có các cỡ khác nhau tương ứng với 1 – 2 – 3 – 5 – 6 – 8 – 10 – 12 – 15 – 20 – 25 – 30 ml. Với thước này bác sĩ có thể đo được thể tích tinh hoàn bằng con số cụ thể và chính xác nhất.
Theo anh H., trước đây tinh hoàn của anh cũng khá lớn. Nhưng khi trải qua đợt viêm tinh hoàn kéo dài 2 tuần thì anh thấy tinh hoàn của mình nhỏ dần. Ngoài sự thay đổi kích thước thì teo tinh hoàn không gây khó chịu cho người bệnh nên lâu dần anh H. cũng quên đi dấu hiệu này.
Viêm tinh hoàn khiến các cấu trúc bên trong tinh hoàn bị phá hủy. Vì vậy, thường sau giai đoạn sưng viêm thì tinh hoàn sẽ teo đi.
Những nguyên nhân gây teo tinh hoàn
Bác sĩ Công cho biết ngoài viêm tinh hoàn có rất nhiều nguyên nhân gây teo tinh hoàn khác như:
Bệnh lý di truyền: Đây là những trường hợp tinh hoàn không hề thay đổi kích thước từ lúc còn là trẻ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Ngoài biểu hiện ở tinh hoàn, bất thường về gien còn gây rối loạn dậy thì khiến người nam dù lớn tuổi nhưng vẫn không có nét trưởng thành.
Viêm tinh hoàn do quai bị: Viêm tinh hoàn do quai bị cũng có diễn biến tương tự. Tuy nhiên, mức độ phá hủy tinh hoàn của virus quai bị cao hơn so với các loại vi trùng thường, đặc biệt quai bị gây tiêu biến các tế bào sinh tinh, khiến mô tinh hoàn bị phá hủy trầm trọng. Vì vậy, biến chứng teo tinh hoàn sau quai bị là dấu hiệu cho thấy nguy cơ vô sinh cao.
Giãn tĩnh mạch tinh: Là một bệnh lý khá phổ biến ở nam giới, nếu không được khám và điều trị kịp thời có thể gây tổn thương và teo tinh hoàn. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến âm thầm và đôi khi không gây bất kỳ khó chịu gì cho người bệnh. Vì vậy, nam giới khi thấy tinh hoàn teo nhỏ thì nên tầm soát nguyên nhân này.
Hệ thống nội tiết sinh sản: Tinh hoàn teo nhỏ kèm giảm ham muốn, rối loạn cương, xuất tinh sớm là dấu hiệu cho thấy hệ thống nội tiết tố của nam giới đang có bất thường. Vậy nên, xét nghiệm nội tiết sinh sản là một việc cần thiết ở những đối tượng này.
“Bệnh teo tinh hoàn có rất nhiều nguyên nhân gây ra, ứng với mỗi nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Bệnh nhân bị teo tinh hoàn nhưng chất lượng tinh trùng vẫn ổn định thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc uống. Ngược lại, những trường hợp tinh hoàn teo mà trong mẫu tinh dịch không có tinh trùng thì cần đánh giá mức độ tổn thương tinh hoàn, trước khi quyết định can thiệp phẫu thuật”, bác sĩ Công cho hay.