Cuộc gặp thượng đỉnh ngày 4/9 tại Sochi giữa lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp chủ nhà Vladimir Putin trong cuộc gặp tại Sochi, Nga ngày 4/9. (Nguồn: Reuters) |
Giành thế chủ động
Trước hết, với Nga, cuộc gặp tại Sochi một lần nữa chứng minh rằng xứ bạch dương không thể bị phương Tây cô lập hoàn toàn. Điều này đã nhiều lần được khẳng định, thông qua cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cuối tháng Ba, và Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi hồi tháng Bảy. Chuyến thăm được đồn đoán của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tới Vladivostok tháng Chín, cùng chuyến thăm Trung Quốc của ông Putin, có thể vào tháng Mười tới, tiếp tục củng cố điều này.
Ngoài ra, việc ông chủ Điện Kremlin trao đổi với lãnh đạo một nước thành viên thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là cách Nga khẳng định nước này luôn sẵn sàng đối thoại. Đây là cách xứ bạch dương đã cố gắng xây dựng hình ảnh từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Cuối cùng, cuộc gặp với Thổ Nhĩ Kỳ, một bên liên quan trong Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen là cơ hội để Tổng thống Nga nhắn gửi thông điệp tới phương Tây: “Chúng tôi sẵn sàng cân nhắc việc hồi sinh thỏa thuận ngũ cốc và tôi đã nói với ngài Tổng thống (Erdogan) một lần nữa trong ngày hôm nay: Chúng tôi sẽ làm điều này chừng nào mọi điều khoản về gỡ bỏ hạn chế đối với xuất khẩu nông sản của Nga được dỡ bỏ hoàn toàn”.
Tổng thống Putin phủ nhận thông tin Nga đã “khơi mào” cho khủng hoảng lương thực bằng cách ngừng tham gia thỏa thuận ngũ cốc, bởi giá cả không tăng do quyết định của xứ bạch dương. Ông nhấn mạnh: “Chính phương Tây đã liên tục tìm cách ngăn chặn nguồn cung ngũ cốc và phân bón Nga tiếp cận các thị trường trên thế giới”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Nga nhắc lại kế hoạch cung cấp 1 triệu tấn lúa mạch với mức giá ưu đãi để xử lý tại Thổ Nhĩ Kỳ và vận chuyển tới các quốc gia khác. Ông cho biết, xứ bạch dương “đến rất gần” thỏa thuận cung cấp lúa mạch miễn phí cho sáu nước châu Phi gồm Burkina Faso, Zimbabwe, Mali, Somalia, Cộng hòa Trung Phi và Eritrea, với khối lượng 50.000 tấn/nước. Nói cách khác, Nga muốn thể hiện rằng nước này đang đóng góp vào bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, song Ukraine và phương Tây đang cản trở các nỗ lực như vậy.
Khẳng định vị thế
Vậy Thổ Nhĩ Kỳ thì sao?
Thứ nhất, cuộc gặp một lần nữa phản ánh lập trường tiếp tục duy trì quan hệ cân bằng với cả Nga và Ukraine, bảo đảm lợi ích quốc gia. Ankara và Moscow đang tiến gần tới thỏa thuận đưa một triệu tấn ngũ cốc Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ để xử lý và xuất khẩu. Tại cuộc gặp, ông Putin và ông Erdogan tiếp tục thảo luận về xây dựng một “trung tâm xuất khẩu khí đốt” từ xứ bạch dương.
Trong khi đó, Ankara tiếp tục duy trì quan hệ tốt với Kiev. Hồi tháng Bảy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm đầu tiên tới Ankara kể khi xung đột với Nga bùng phát. Tuy nhiên, trước đó, ông đã nhiều lần điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về các nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Chính Ankara cũng ủng hộ Kiev sớm trở thành thành viên của NATO.
Đáng chú ý, mối quan hệ này thể hiện rõ trên thực địa. Máy bay không người lái (UAV) Bayrakhtar TB-2 do công ty Baykar (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất đã đóng vai trò quan trọng với Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) giai đoạn đầu xung đột. Vào lúc cao điểm, Ukraine sở hữu tới 50 chiếc. Baykar dự kiến hoàn tất xây dựng nhà máy ở Ukraine cuối năm 2024, tiến tới cung cấp mẫu Bayrakhtar TB3 cải tiến với khả năng xuất phát tốt hơn trên nhiều loại địa hình.
Thứ hai, với mối quan hệ tốt với cả Moscow và Kiev, Ankara đứng ở thế thuận lợi để làm trung gian hòa giải cho xung đột Nga – Ukraine. Đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa thể thành công vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kịp ghi dấu ấn của mình khi cùng Liên hợp quốc, Nga và Ukraine xây dựng Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Thỏa thuận tạm thời giải quyết “cơn khát” lương thực toàn cầu do nguồn cung bị gián đoạn bởi các hoạt động quân sự.
Với cuộc gặp vừa qua, Ankara chứng tỏ rõ nét vai trò “cầu nối” giữa Moscow với Kiev và phương Tây, điều mà đến giờ, không nhiều nước làm được.
Thứ ba, việc Thổ Nhĩ Kỳ tích cực nối lại thỏa thuận giúp nước này được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế. Phát biểu ngay sau cuộc gặp với ông Putin, ông Erdogan cho biết nước này đang liên hệ chặt chẽ với Liên hợp quốc để nối lại thỏa thuận. Ngay sau đó, điện đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Hakan Fidan cũng đề cập thỏa thuận quan trọng nêu trên.
Phát biểu ngày 4/9, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhận định: “Nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đưa thỏa thuận trở lại đúng hướng là quan trọng”. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Chúng tôi hoan nghênh nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước trong thuyết phục Nga trở lại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen. Chúng tôi đang hợp tác với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để khôi phục sáng kiến này”.
Sự ghi nhận về đóng góp quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh lương thực, là quan trọng trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và phương Tây còn nhiều trắc trở, với Ankara vẫn đứng ngoài Liên minh châu Âu (EU).
Như vậy, cuộc gặp tại Sochi góp phần thể hiện lập trường của Nga, đồng thời củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong tình hình biến động hiện nay.