Theo các chuyên gia bình luận trên tờ National Interest, đối với Nga, xung đột với Ukraine không chỉ là về mối quan hệ song phương Nga-Ukraine, mà còn là về mối quan hệ giữa Nga và Ukraine với toàn bộ liên minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Dù cuộc chiến ở Ukraine kết thúc như thế nào, những căng thẳng giữa Nga với tổ chức này có thể sẽ không chấm dứt trong tương lai gần.
Đầu tiên, nếu cuộc chiến kết thúc mà Nga không đạt được mục tiêu về lãnh thổ, hay Ukraine gia nhập NATO hoặc nhận sự hỗ trợ mạnh mẽ từ NATO, Nga sẽ tiếp tục coi NATO là đối địch. Mặt khác, nếu các mục tiêu về lãnh thổ đạt được phần nào, hay Nga ít nhất nhận được sự chấp thuận từ phương Tây và Ukraine đối với việc sáp nhập các khu vực mà Moskva tuyên bố là một phần của Nga, cùng với đó Mỹ và các thành viên khác đồng ý không kết nạp Ukraine vào NATO, thì Nga có thể tiếp tục mong muốn làm suy yếu NATO hoặc thực hiện các mục tiêu khác.
Như vậy mối quan hệ Nga-NATO về cơ bản dường như vẫn sẽ thù địch, và thậm chí có thể là xung đột nếu không có diễn biến địa chính trị lớn nào khác tác động đến Nga.
Ngoài ra, mối quan hệ Nga-Trung Quốc cũng được cho là có thể tác động đến các diễn biến này. Sự căng thẳng giữa Nga đối với NATO có thể xung đột với mong muốn cải thiện quan hệ với châu Âu và cố gắng đưa châu Âu xa khỏi Mỹ của Bắc Kinh.
Cũng cần lưu ý rằng rạn nứt Trung-Xô bắt đầu trong thời kỳ căng thẳng Xô-Mỹ lên đến đỉnh điểm trong Chiến tranh Lạnh, và trở nên trầm trọng hơn vào cuối những năm 1960 và 1970 khi Mỹ dường như suy yếu. Điều này làm dấy lên khả năng rằng nếu chiến tranh ở Ukraine kết thúc trong hoàn cảnh khiến Nga có vẻ mạnh hơn và Mỹ và NATO yếu hơn, thì lợi ích của Nga và Trung Quốc có thể bắt đầu khác biệt nhiều hơn.
Bên cạnh đó, theo RAND, cuộc chiến ở Ukraine khôi phục phần nào sức mạnh của NATO nhưng cũng khiến tổ chức này bộc lộ những điểm yếu. Các vấn đề an ninh một lần nữa trở nên quan trọng đối với các thành viên NATO. Thụy Điển và Phần Lan từ bỏ hàng thập kỷ – hoặc trong trường hợp của Thụy Điển là hàng thế kỷ – trung lập và muốn gia nhập liên minh, điều không thể tưởng tượng được trước tháng 2/2022.
Cuộc chiến ở Ukraine phơi bày những đường đứt gãy của liên minh này. Do những sự thù địch trong lịch sử, sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga,… Hungary, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và thậm chí, ở một mức độ nào đó, Romania đều đóng vai trò thận trọng hơn, thậm chí là mơ hồ trong việc ứng phó với xung đột Nga – Ukraine.
Một số trong nhóm này thậm chí còn lợi dụng cuộc xung đột để cố gắng giành được sự nhượng bộ từ các đồng minh. Hy Lạp trong khi đó dù không ủng hộ tham gia vào các cuộc can thiệp quân sự ở nước ngoài, đã nhanh chóng tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Một điều nữa là cuộc chiến biến Ba Lan thành một bên tham gia quan trọng với tư cách là nhà cung cấp vũ khí và là tuyến đường tiếp tế vào Ukraine, cũng như cung cấp nơi ở cho khoảng 1,5 triệu người tị nạn Ukraine. Từ những hành động này, Ba Lan nổi lên như một bên gây ảnh hưởng chính trong khối.
Như vậy, những mảnh ghép này cũng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Nga-NATO nói chung, ngay cả khi cuộc chiến kết thúc.
Nguồn: https://vtcnews.vn/quan-he-nga-nato-tiep-tuc-di-ve-dau-khi-chien-su-ukraine-ket-thuc-ar904580.html