MAI QUYÊN (Theo Al Jazeera)
Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel vốn là một tồn tại đặc biệt ở Trung Đông kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, nhưng gần đây, giới quan sát đánh giá mối quan hệ chiến lược này đang trở nên “kỳ lạ” khi Washington tìm cách thích nghi phản ứng “hất hủi” công khai từ Nhà nước Do Thái.
Khói bốc lên trong cuộc đột kích của Israel vào Bờ Tây. Ảnh: Reuters
Cuối tuần rồi, đại sứ Mỹ tại Israel Tom Nides đăng trên Twitter đoạn video quay cảnh ông và các binh sĩ Israel ở biên giới giáp Lebanon, trong đó mọi người cùng hô câu chúc an lành. Việc quan chức Mỹ thể hiện hình ảnh sát cánh bên cạnh lực lượng vũ trang Israel bị cho có chút bất thường, đặc biệt giữa lúc hoạt động quân sự Nhà nước Do Thái tiến hành đang khiến khu vực và cộng đồng quốc tế lo ngại.
Đại sứ Nides không phải quan chức Mỹ duy nhất có màn thể hiện “ngoại giao nguy hiểm” khi Washington đối mặt chủ nghĩa hoài nghi và bất mãn từ Chính phủ Israel. Theo giới quan sát, các quan chức Israel gần đây nhiều lần thách thức lập trường chính thức của Mỹ ủng hộ tư cách nhà nước Palestine. Không chỉ tỏ thái độ lạnh nhạt với chính quyền Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn công khai phớt lờ cảnh báo của Washington về việc thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Trước đó, ông Netanyahu thậm chí cáo buộc nhà lãnh đạo Mỹ “can thiệp” công việc nội bộ của Israel sau khi Tổng thống Biden đưa ra bình luận về tiến trình cải cách tư pháp gây tranh cãi tại quốc gia đồng minh.
Trong động thái làm dịu, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến công du Trung Đông tháng rồi đã nỗ lực vận động Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ với Israel, bất chấp việc nước này tiếp tục mở rộng các khu định cư bất hợp pháp và gia tăng bạo lực chống lại người Palestine khiến Washington cùng những đối tác mới ở vùng Vịnh không hài lòng. Quốc hội Mỹ trước đó còn mời Tổng thống Israel Isaac Herzog phát biểu trước lưỡng viện nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày độc lập Nhà nước Israel.
Vinh dự trên từng được trao cho Thủ tướng Netanyahu 3 lần, lần cuối là vào năm 2015 khi ông Netanyahu kích động giới lập pháp Mỹ chống lại chính quyền Tổng thống khi đó là Barack Obama vì ký thỏa thuận hạt nhân với Iran. Năm 2011, ông Netanyahu từng công khai làm bẽ mặt Tổng thống Obama tại Nhà Trắng nhưng điều này không ngăn Washington cam kết viện trợ quân sự trị giá 38 tỉ USD cho Tel Aviv trong 10 năm. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ còn công nhận việc Israel đơn phương sáp nhập Jerusalem và Cao nguyên Golan tranh chấp với Syria. Kể từ khi kế nhiệm vào năm 2021, Tổng thống Biden không đảo ngược bất kỳ nhượng bộ lớn nào, đồng thời mở rộng các cam kết quân sự với Israel trong bản ghi nhớ chiến lược mới.
Đằng sau nhượng bộ của Mỹ
Theo giới phân tích, sự ủng hộ “thái quá” hiện nay của Mỹ dành cho Israel một phần vì để ổn định tình hình chính trị trong nước. Với thế đa số mỏng manh của đảng Dân chủ tại Thượng viện, Tổng thống Biden muốn tránh mất đi sự ủng hộ của phe có truyền thống chủ trương ủng hộ Israel trong đảng.
Sự nhượng bộ này vốn cũng là truyền thống chính sách đối ngoại của Mỹ, xoay quanh việc đáp ứng nhu cầu của Israel để khuyến khích nước này tiết chế lập trường trong đàm phán hòa bình với người Palestine, đôi lúc sẽ đưa ra những “thỏa hiệp” cần thiết. Cuối cùng là tư duy chiến lược của Washington. Trong lịch sử, Mỹ duy trì quan hệ hợp tác chiến lược mạnh mẽ và nhất quán với Israel, coi nước này là đồng minh đáng tin cậy nhất ở Trung Đông bất chấp những thăng trầm về chính trị và ngoại giao. Nhưng với Israel thì ngược lại, giới phân tích nói rằng mục tiêu của Tel Aviv là khiến Mỹ “kẹt” ở Trung Đông để dọn dẹp trở ngại cho mình. Điều này từng được ông Netanyahu đề cập trước Quốc hội khi nói rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực có thể “không quá tệ” vì điều đó buộc Mỹ phải tiếp tục can dự.
Ngày 3-7, chính quyền Palestine quyết định ngừng mọi liên lạc, các cuộc gặp gỡ và hợp tác an ninh với Chính phủ Israel. Thông báo được đưa ra sau khi Tel Aviv tiến hành chiến dịch tấn công lớn nhất ở Bờ Tây trong 20 năm qua, nhắm vào các tay súng thuộc Lữ đoàn Jenin. Các vụ tấn công khiến ít nhất 8 người Palestine thiệt mạng và 100 người khác bị thương.