(HQ Online) – Với mục tiêu giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt, hiểu và chủ động tham gia các hoạt động hợp tác với cơ quan Hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan- doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024. Ông Phạm Xuân Trường, Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ Cải cách nghiệp vụ hải quan (Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan-Tổng cục Hải quan) trả lời phỏng vấn Tạp chí Hải quan về vấn đề này.
Ông Phạm Xuân Trường, Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ Cải cách nghiệp vụ hải quan (Ban Cải cách hiện đại hóa Hải quan-Tổng cục Hải quan). |
Xin ông cho biết thời gian qua việc phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp được ngành Hải quan triển khai như thế nào?
Phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp luôn được ngành Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: Tổng cục, Cục và Chi cục.
Tại cấp Tổng cục, hoạt động đối tác tập trung vào các vấn đề hoàn thiện, giải đáp chính sách, pháp luật, phương thức quản lý nhà nước về hải quan; cấp Cục hoạt động đối tác gắn với vấn đề tổ chức thực thi pháp luật; tại cấp Chi cục hoạt động đối tác gắn với các hoạt động thực tế, trực tiếp thường xuyên hàng ngày của đơn vị.
Các hoạt động đối tác thời gian qua đã được chuẩn hóa và triển khai theo hướng dẫn của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) trên 4 nhóm giải pháp lớn: thông tin, tham vấn, tham gia và hợp tác.
Thời gian qua, hoạt động phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho cả cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp, được Nhà nước và xã hội ghi nhận và đánh giá cao.
Lợi ích mà doanh nghiệp nhận được khi tham gia các hoạt động do cơ quan Hải quan triển khai để phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp là gì, thưa ông?
Trong phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp, ngành Hải quan luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Cơ quan Hải quan luôn coi mức độ hài lòng của doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả công việc, coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy để cân bằng giữa hai mặt quản lý và phục vụ, tạo điều kiện tốt cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan Hải quan trong bối cảnh khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan trong thực thi công vụ.
Doanh nghiệp khi tham gia các hoạt động do cơ quan Hải quan triển khai để phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp cũng nhận được nhiều lợi ích.
Đó là, được tiếp cận nhanh, đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về văn bản chính sách pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực hải quan.
Doanh nghiệp có thể tham gia góp ý phản biện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp vào quá trình xây dựng chính sách pháp luật hải quan. Doanh nghiệp được đóng góp ý kiến, trí tuệ của mình vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về hải quan, từ đó doanh nghiệp có hiểu biết cũng như chia sẻ với cơ quan Hải quan, đồng thuận với cơ quan Hải quan, tăng tính tuân thủ chấp hành pháp luật, thực hiện tốt pháp luật nhà nước về hải quan.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia vào các hoạt động hợp tác với cơ quan Hải quan, đề xuất các chương trình hợp tác chuyên đề với cơ quan Hải quan và tham gia giám sát thực thi pháp luật hải quan thông qua các cuộc khảo sát của cơ quan Hải quan.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2024. Trong Kế hoạch này có nội dung gì đáng chú ý, thưa ông?
Cũng như Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác hàng năm, nội dung của Kế hoạch xoay quanh 5 nội dung chính là: thông tin, hỗ trợ, tham vấn, hợp tác và giám sát. Tuy nhiên, năm 2024 được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của ngành Hải quan, là cơ sở quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh, theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, 5 hoạt động chính trong Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp cũng tập trung vào nội dung liên quan đến chuyển đổi số. Các hoạt động hỗ trợ, giải đáp vướng mắc, tiếp cận chính sách, pháp luật mới cũng luôn được Ngành chú trọng triển khai tới cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan-Doanh nghiệp, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần phải làm gì?
Mục tiêu về phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định 628/QĐ-TTg năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ) là: “Xây dựng quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với doanh nghiệp để hình thành chuỗi cung ứng tin cậy trên cơ sở nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình đối tác tin cậy với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu và các đối tác thương mại của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng”.
Thời gian tới, để công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan – Doanh nghiệp đi vào hiệu quả, thực chất, các cục hải quan tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động sau:
Thứ nhất, luôn gắn các hoạt động đối tác Hải quan – Doanh nghiệp vào hoạt động nghiệp vụ thường xuyên, hàng ngày của đơn vị, luôn đồng hành cùng doanh nghiêp, coi doanh nghiệp là đối tác tin cậy.
Thứ hai, luôn chủ động, đổi mới sáng tạo trong cách làm, cách thức tổ chức triển khai các hoạt động quan hệ đối tác phù hợp với tình hình, thực tế tại đơn vị. Làm mới các hoạt động đối thoại, hợp tác để lôi kéo cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng tham gia hợp tác cùng cơ quan Hải quan.
Thứ ba, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp trên địa bàn từ đó có các giải pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ động phân tích, lựa chọn các vấn đề mang tính thời sự mà doanh nghiệp quan tâm để hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.
Xin cảm ơn ông!