Mặc dù không phải là thành viên sáng lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhưng kể từ khi tham gia vào năm 1995, Việt Nam luôn chứng tỏ là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của khối này. Đáng chú ý, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc củng cố và nâng tầm quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản.
Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của đại gia đình ASEAN vào ngày 28/7/1995. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước ASEAN và là dấu mốc mới đánh dấu sự thay đổi cục diện ở Đông Nam Á, góp phần đẩy mạnh hợp tác ở Đông Nam Á, vì sự phồn vinh của mỗi nước và cả khu vực.
Vào thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, khối này mới có quan hệ đối tác đối thoại với Nhật Bản. Tuy nhiên, sau khi Việt Nam gia nhập, quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã không ngừng củng cố và phát triển. ASEAN và Nhật Bản đã ra “Tuyên bố Tokyo về Quan hệ Đối tác ASEAN-Nhật Bản: Năng động và Lâu dài”, xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên vào năm 2003; “Tuyên bố chung về Tăng cường Đối tác Chiến lược ASEAN-Nhật Bản vì thịnh vượng chung” vào năm 2011; và Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản vào tháng 9/2023.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: “Là một thành viên tích cực trong ASEAN, Việt Nam luôn chủ động, tích cực thúc đẩy củng cố và nâng tầm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, góp phần làm sâu sắc mối quan hệ và phát triển theo hướng hiệu quả, thực chất và cùng có lợi”.
Một trong những đóng góp nổi bật nhất của Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021 – thời điểm cả ASEAN và Nhật Bản đều đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự bùng phát của dịch COVID-19. Mặc dù vậy, Việt Nam đã triển khai công tác điều phối một cách sáng tạo, phù hợp với bối cảnh tình hình và nhu cầu hợp tác, mang lại lợi ích thực chất cho hai bên, đặc biệt là việc Nhật Bản tuyên bố hỗ trợ 50 triệu USD để thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED) vào năm 2020 – thời điểm Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN.
Khi Nhật Bản đưa ra đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Việt Nam đã sớm ủng hộ và luôn tham gia đóng góp tích cực, kịp thời để cụ thể hóa những đề xuất này, bảo đảm đúng lộ trình mà ASEAN-Nhật Bản đã đề ra từ đầu năm.
Chia sẻ với các phóng viên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói: “Ngay từ khi khởi xướng, Việt Nam đã luôn ủng hộ đề xuất của Nhật Bản về tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của hội nghị, cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự, cũng như trong phát biểu thảo luận tại hội nghị. Đặc biệt, các phát biểu sâu sắc, toàn diện vừa mang tính tổng hợp, đúc kết 50 năm quan hệ vừa mang tầm chiến lược trong đề xuất định hướng tương lai quan hệ được các nước đánh giá cao”.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, tại hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất ba phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển ở khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường hợp tác chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ, với ASEAN đóng vai trò trung tâm; khuyến khích Nhật Bản tiếp tục tích cực hỗ trợ các nước tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng nhấn mạnh nhu cầu đầu tư cho nhân tố con người, hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân trong khuôn khổ “đối tác từ trái tim đến trái tim” ASEAN-Nhật Bản và đề nghị cần cụ thể hóa thành các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế – thương mại, đầu tư coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN – Nhật Bản; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành sức sống mới cho hợp tác ASEAN-Nhật Bản; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Trên tinh thần lấy tin cậy chính trị làm nền tảng, hợp tác kinh tế làm động lực và lấy giao lưu nhân dân làm trung tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng con thuyền ASEAN-Nhật Bản sẽ vượt qua mọi thách thức, tiếp tục rẽ sóng vươn xa trong 50 năm tới và xa hơn nữa./.
Trọng Kiên
Đọc thêm: Quan hệ ASEAN-Nhật Bản (Bài 1): Năm thập kỷ đồng hành