50 năm đã trôi qua kể từ khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản thiết lập quan hệ đối tác đối thoại. Trong nửa thập kỷ đồng hành, ASEAN và Nhật Bản đã chứng tỏ họ là những đối tác không thể thiếu của nhau. Hiện nay, hai bên đang nỗ lực để có “bước tiến mới hướng tới 50 năm tới” theo ba trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
“Từ trái tim tới trái tim”
ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967. Ban đầu, ASEAN chỉ có 5 nước thành viên, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Sau đó, ASEAN lần lượt kết nạp thêm 5 quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, gồm Brunei (năm 1984), Việt Nam (năm 1995), Lào và Myanmar (năm 1997), và Campuchia (năm 1999).
ASEAN bắt đầu thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với Nhật Bản vào năm 1973. Năm 1977, Thủ tướng Takeo Fukuda là vị thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ hai ở Kuala Lumpur (Malaysia). Cùng năm đó, trong chuyến công du Philippines, Thủ tướng Fukuda đã công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, vạch ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN. Kể từ đó, chính sách ngoại giao “từ trái tim đến trái tim” của ông đã trở thành “điểm tựa” cho mối quan hệ ASEAN – Nhật Bản.
Tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản ở Tokyo vào tháng 12/2003, hai bên đã ra “Tuyên bố Tokyo về Quan hệ Đối tác ASEAN-Nhật Bản: Năng động và Lâu dài”, xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản.
Tại hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 14 ở Bali, Indonesia, vào tháng 11/2011, ASEAN và Nhật Bản đã thông qua “Tuyên bố chung về Tăng cường Đối tác Chiến lược ASEAN-Nhật Bản vì thịnh vượng chung và Kế hoạch Hành động Đối tác Chiến lược ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2011-2015”.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 ở Indonesia vào tháng 9/2023, hai bên thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản, đánh dấu mốc phát triển mới nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ.
Trải qua nửa thế kỷ đồng hành, ASEAN và Nhật Bản đã xây dựng mối quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, an ninh và quốc phòng tới kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển. Có thể khẳng định, ASEAN và Nhật Bản đã trở thành những đối tác không thể thiếu của nhau, và mối quan hệ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cả hai bên.
Cụ thể, theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, trong lĩnh vực kinh tế, từ lâu, Nhật Bản đã là một trong những đối tác kinh tế “đáng tin cậy nhất” của ASEAN. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN. Ngoài quan hệ kinh tế, Nhật Bản còn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác tài chính với các nước trong hiệp hội. Thông qua khuôn khổ ASEAN+3 được thành lập năm 1999, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN trong thời kỳ khó khăn của cuộc khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở châu Á.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, Nhật Bản và ASEAN phát triển mối quan hệ không chỉ với tư cách là đối tác thương mại và đầu tư lớn, mà còn là những người bạn thực sự với mối quan hệ “từ trái tim đến trái tim” được xây dựng thông qua nhiều hoạt động giao lưu nhân dân.
Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết hiện nay, tổng số thành viên của Hiệp hội Cựu lưu học sinh các nước Đông Nam Á tại Nhật Bản (ASCOJA) là hơn 50.000 người. Kể từ năm 2007, Chương trình Giao lưu Thanh niên Nhật Bản – Đông Á (JENESYS) cũng đã mời khoảng 47.000 lượt học sinh, sinh viên khu vực Đông Nam Á sang Nhật Bản, cả trực tiếp và trực tuyến, để tham quan, học tập và ngược lại. Ngoài ra, Quỹ Nhật Bản đã thực hiện khoảng 2.500 dự án trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước ASEAN.
Ba trụ cột của đối tác chiến lược toàn diện
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang biến động phức tạp và khó lường, tại Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, các nhà lãnh đạo hai bên đã nhất trí đưa quan hệ phát triển thực chất, hiệu quả, tương xứng với tầm vóc của Đối tác Chiến lược Toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trong đó, hai bên nhất trí sẽ nỗ lực duy trì và thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi sản xuất và cung ứng tại khu vực, tạo thuận lợi hơn cho hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau. Mặt khác, ASEAN và Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, quản lý thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh biển, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia…
Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh Nhật Bản coi ASEAN là một trong ưu tiên chính sách đối ngoại nói chung và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (FOIP) của Nhật Bản nói riêng; cam kết tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm trong khu vực.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn”, làm cơ sở để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản thời gian tới. Trong tuyên bố trên, hai bên khẳng định “dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, ASEAN và Nhật Bản sẽ tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi trên ba trụ cột”, gồm: các đối tác “từ trái tim tới trái tim” qua các thế hệ; các đối tác đồng kiến tạo kinh tế và xã hội tương lai; và các đối tác hòa bình và ổn định.
Đánh giá về kết quả của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN – Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho rằng hội nghị này “đã thành công tốt đẹp với những kết quả đáng chú ý”.
Theo Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt, thứ nhất, ASEAN và Nhật Bản đã cùng đề cao vai trò và giá trị của mối quan hệ hai bên; thống nhất tăng cường phối hợp trong xây dựng một cấu trúc khu vực mở dựa trên luật lệ để đóng góp vào việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực.
Thứ hai, ASEAN và Nhật Bản đạt nhất trí cao về các biện pháp hợp tác “đồng kiến tạo” kinh tế và xã hội tương lai, đẩy mạnh thương mại và đầu tư đi đôi với củng cố các chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường của nhau, thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới nổi, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Phía Nhật Bản cũng cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp ở khu vực tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.
Hai bên cũng nhất trí sẽ dành ưu tiên cao hơn cho hợp tác văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân; tăng cường trao đổi giáo dục, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên… ASEAN đánh giá cao việc Nhật Bản công bố khoản hỗ trợ 40 tỷ yen (276 triệu USD) cho các chương trình giao lưu nhân dân trong 10 năm tới, 15 tỷ yen (103 triệu USD) cho chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu và nghiên cứu quốc tế chung và cam kết sẽ huy động 35 tỷ USD trong vòng 5 năm tới từ các quỹ công – tư để thúc đẩy hợp tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu…
Thứ ba, lãnh đạo hai bên thống nhất làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị-an ninh, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế nhằm chung tay ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Trong đó, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của tôn trọng luật pháp quốc tế, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhật Bản khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982./.
Trọng Kiên