Bí thư chi bộ tổ dân phố 11 (phường Mộ Lao) Nguyễn Hồng Hải Ba cho biết, ngay sau khi phường thành lập Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân, chi bộ đã họp và tổ chức phân công công việc cho từng thành viên. Trên tinh thần rất khẩn trương, tranh thủ mọi thời gian, các tổ xin ý kiến nhân dân bắt đầu thực hiện từ đầu giờ chiều 19-4.
Theo số liệu dân cư, tổ dân phố phải lấy ý kiến của hơn 500 đại diện cử tri hộ gia đình. Kế hoạch của chi bộ là đến 19h30 hôm nay phải có số liệu tổng hợp để gửi UBND phường.
Là người trực tiếp đến từng hộ dân xin ý kiến, Tổ trưởng tổ dân phố 11 phường Mộ Lao Trần Trung Sỹ chia sẻ, địa bàn tổ dân phố có 7 khu vực, được chia thành 7 tổ xin ý kiến. Vì thời gian thực hiện không có nhiều nên các thành viên đều ý thức được phần việc, trách nhiệm của mình, mỗi người mỗi việc, người trực tiếp đến hộ dân, người ở hội trường tổng hợp số liệu.
Để hoàn thành nhiệm vụ, các thành viên làm xuyên chiều, xuyên tối, thậm chí đêm 19-4, chỉ khi các hộ dân đóng cửa nghỉ thì các thành viên mới ra về. Sáng nay, các tổ lại bắt đầu công việc từ 6h30 để tranh thủ lúc người dân còn ở nhà.
Theo chân Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6 xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Trần Văn Quang, phóng viên Báo Hànộimới trực tiếp chứng kiến sự vất vả của các thành viên tổ xin ý kiến nhân dân.
Là khu vực có 2 tổ dân phố số 5, 6 và một phần tổ dân phố số 2 (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) sáp nhập về đơn vị hành chính Hà Đông (thuộc quận Hà Đông hiện nay), nên các thành viên trong tổ phải giải thích rất kỹ cho các hộ dân về việc địa giới hành chính mới, về tên gọi của đơn vị hành chính mới.

Anh Nguyễn Minh Đức (phòng 12B14 CT2 Chung cư 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) khi được lấy ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình ủng hộ cả về tên gọi đơn vị hành chính mới và việc khu vực tổ dân phố nơi anh đang ở được sáp nhập về đơn vị hành chính mới mang tên Hà Đông.
“Theo cá nhân tôi, việc điều chỉnh này là hợp lý bởi đã tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, trong công tác quản lý nhà nước về mọi mặt”, anh Đức nói.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hương (phòng 1413, chung cư 103) cũng phấn khởi nhận xét: "Việc điều chuyển địa giới về đơn vị hành chính Hà Đông đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu học sinh sinh sống ở khu chung cư này. Đây là điều người dân rất vui, đồng tình, ủng hộ cao".
Theo Bí thư chi bộ tổ dân phố 6, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Trần Văn Quang, số phiếu các tổ xin ý kiến là 796 phiếu, tính đến 9h ngày 20-4 các tổ đã lấy được khoảng 600 phiếu. Dù công việc vất vả, đến từng nhà, giải thích kỹ..., nhưng các thành viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để công việc chung được hoàn thành đúng tiến độ cấp trên giao.

Là đơn vị hành chính cấp xã dự kiến sau sắp xếp có diện tích tự nhiên và dân số lớn nhất quận Hà Đông (13,38km2, 91.453 người), các tổ lấy ý kiến nhân dân ở phường Yên Nghĩa cũng khẩn trương bắt tay vào việc từ sớm.
Chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa Nguyễn Bá Tiến cho biết, nhiều tổ xin ý kiến đã thực hiện ngay trong tối 19-4, tiến độ công việc được các tổ báo cáo theo các khung giờ: 9h, 14h, 17h và 21h. 10h ngày mai (21-4) sẽ chốt số liệu. Các thành viên của tổ xin ý kiến nhân dân giải thích rất rõ với đại diện các hộ gia đình về chủ trương của Đảng, Nhà nước và các hộ dân đón nhận thông tin với tinh thần đồng tình, nhất trí rất cao.
Tổng quan trên địa bàn toàn quận, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hà Đông Nguyễn Văn Trường, khẳng định, công việc lấy ý kiến nhân dân hiện được thực hiện đúng kế hoạch và các mốc thời gian đã định. Quận ủy tiếp tục đôn đốc các cấp chính quyền triển khai khẩn trương, tranh thủ mọi thời gian và kịp thời ghi nhận ý kiến của nhân dân. Đến thời điểm này, dự kiến các phần việc được thực hiện đúng quy định và sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/quan-ha-dong-xin-y-kien-nhan-dan-dung-tien-do-va-ke-hoach-de-ra-699686.html
Bình luận (0)