Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. 80 năm qua, bên cạnh những chiến công hiển hách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, quân đội ta còn là đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, xung kích, đi đầu trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.
Năm 2024, người dân chứng kiến nhiều thiên tai khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề về người và của trên nhiều vùng đất nước. Trong những thời điểm ấy, Bộ đội Cụ Hồ luôn là chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho nhân dân. Họ không quản hiểm nguy, gian khổ, sẵn sàng vào những nơi khó khăn nhất, làm những việc nặng nhọc nhất.
Xông pha nơi khó khăn, hiểm nguy nhất
Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2 chia sẻ: Danh xưng Bộ đội Cụ Hồ nhắc nhở mỗi người lính rằng, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ không chỉ dừng lại ở sẵn sàng chiến đấu mà còn là phát huy tinh thần trách nhiệm với đồng đội, nhân dân và Tổ quốc. Những chuyến hành quân để tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai… khích lệ mỗi chiến sĩ trở thành tấm gương cho người dân, không chỉ trong các hoạt động chính trị, mà ngay ở những việc làm thiết thực, bình dị nhất. Những chương trình giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa, hay các hoạt động hướng tới nhân dân, đều thể hiện rõ nét hình ảnh bộ đội Cụ Hồ luôn vì dân, vì nước.
Đại úy Nguyễn Văn Triệu là một trong hàng trăm chiến sĩ của Quân khu 2 đã nhiều ngày dầm mình trong nước lũ, bùn lầy, đối mặt với nguy cơ sạt lở thêm đất đá bất cứ lúc nào, để tìm kiếm dân làng mất tích trong trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) vào ngày 10/9. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng Quân khu 2, Biên phòng, Công an và dân quân địa phương đã huy động 650 người tham gia tìm kiếm, cứu hộ người dân Làng Nủ. Tổng số người thiệt mạng lên 60 người, còn 7 người vẫn đang mất tích đến nay chưa được tìm thấy.
Sau 15 ngày thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đã rời thôn Làng Nủ. Những chiến sĩ dầm mình trong bùn đất, cẩn thận lật từng hốc cây, kẽ đá để tìm kiếm nạn nhân mất tích, chia sẻ khó khăn với người dân sẽ là những hình ảnh mà người dân Làng Nủ ghi nhớ mãi. Lễ chia tay tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ, ngay từ sớm, người dân thôn Làng Nủ và đông đảo người dân xã Phúc Khánh đã có mặt, xếp thành hàng dài. Trên tay mỗi người là những món quà như hoa quả, bánh chưng, xôi… đã chuẩn bị sẵn để gửi tặng những người lính. Trên đường những người lính hành quân từ nhà văn hóa thôn ra ô tô phía ngoài, hàng trăm người dân đã đi theo với tình cảm lưu luyến. Người dân khóc, bộ đội khóc trong tình cảm quân dân gắn bó.
Còn tại Hà Nội, hai tuần sau khi cơn bão số 3 quét qua, nhiều khu vực vẫn bị thiệt hại nặng nề. Các chiến sĩ luôn sát cánh cùng người dân đã làm ấm lòng người dân. Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 102, Sư đoàn Bộ binh 308 (Quân đoàn 12), Trung đoàn 64, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không Không quân) với tinh thần làm việc khẩn trương, không quản ngại điều kiện thời tiết, chỉ trong 2 ngày (23-24/9) đã giúp nhân dân xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thu hoạch lúa, vận chuyển về tận nhà, hỗ trợ phơi sấy.
Chiến sĩ Ngụy Hoàng Tuấn, Trung đoàn Bộ binh cơ giới 102, Sư đoàn 308, Quân đoàn 12 (đóng ở huyện Quốc Oai) cho biết, anh cùng đồng đội không ngại dầm mình trong nước lũ, làm việc không ngưng nghỉ, cố gắng để có thể giảm bớt thiệt hại nặng nề cho nhân dân. Bà Phùng Thị Nấm, thôn Mỹ Lương xúc động: “Nhìn bộ đội vất vả gặt lúa giúp dân, tôi thương như con cháu mình vậy”. Nhìn những ánh mắt, nụ cười và những giọt mồ hôi trên gương mặt non tơ của người lính trẻ, cho thấy sức sống mãnh liệt và nghĩa tình quân dân gắn bó bền chặt muôn đời không bao giờ nhạt phai.
Ở Phú Thọ, vụ sập cầu Phong Châu tại Km18+300 Quốc lộ 32C (kết nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao) xảy ra khoảng 10 giờ ngày 9/9, đã cuốn trôi 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu, 8 người mất tích. Rất nhanh chóng, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 chủ trì, phối hợp với các lực lượng, binh chủng Công binh, tỉnh Phú Thọ khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân và khắc phục sự cố. Sau 20 ngày xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao (Phú Thọ), Lữ đoàn 249 (Binh chủng Công binh) đã tiến hành bắc cầu phao PMP 60 tấn, cách cầu Phong Châu khoảng 400m về phía hạ lưu sông Hồng. Lữ đoàn đã huy động trên 200 cán bộ, chiến sĩ và gần 90 phương tiện các loại tham gia thực hiện nhiệm vụ; đồng thời xác định sử dụng 26 đốt khơi, 2 đốt mố để khớp nối, lắp ghép các đốt khơi lại và cố định để tạo thành chiếc cầu phao hoàn chỉnh.
Trong đợt nắng nóng, hạn mặn khốc liệt diễn ra vào tháng 4-5/2024 tại Nam Bộ, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tiền Giang tổ chức vận chuyển nước, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng hạn mặn thiếu nước sạch sinh hoạt hàng ngày ở các xã Tân Thành và Tân Điền.
Thiếu tá Lê Văn Nhựt, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thành cho biết: Với tinh thần chia sẻ trong lúc khó khăn, cán bộ, chiến sĩ đã phối hợp với chính quyền địa phương cung cấp và vận chuyển trên 700m3 nước sạch, gần 700 can loại 30 lít chứa nước và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 600 bình nước lọc loại 20 lít để chuyển đến cho người dân sử dụng tạm thời, cùng vượt qua giai đoạn khó khăn do hạn mặn, thiếu nước ngọt. Đối với những gia đình chính sách, người cao tuổi neo đơn, tàn tật…, không có người và phương tiện vận chuyển, đơn vị phân công cán bộ, chiến sĩ phối hợp lực lượng đoàn viên thanh niên, dân quân của địa phương đưa nước đến tận nhà.
Còn tại tỉnh Bình Phước, hằng ngày, cả thứ Bảy, Chủ nhật, tại xã biên giới Bù Gia Mập, những chiếc xe bồn của các lực lượng liên tục vận chuyển cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân, đặc biệt là cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số, thôn ấp đặc biệt khó khăn. Người dân vô cùng vui mừng trước sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng địa phương, quân đội… Việc cấp nước miễn phí giúp người dân tạm thời giải quyết nhu cầu sinh hoạt, ổn định đời sống trong mùa nắng hạn kéo dài…
Mạch nguồn cuộn chảy
Nghĩa tình quân dân là mạch nguồn cuộn chảy kể từ khi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nghĩa tình quân dân càng sâu sắc hơn trong những lúc gian khó và thử thách.
Trong bài viết, “Quân đội nhân dân Việt Nam – niềm tự hào dân tộc”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và làm công tác dân vận đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân – dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc”. “Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội của dân, do dân và vì dân; dựa vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân; ngoài lợi ích của Tổ quốc và lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”. “Quân đội phải “hiếu với dân”, có trách nhiệm “phụng sự Nhân dân”, “phục vụ Tổ quốc”, tôn trọng Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân, đồng cam, cộng khổ với mọi khó khăn, gian khổ của Nhân dân, sẵn sàng hy sinh để cứu dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đi dân nhớ, ở dân thương”.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã gửi thư tới cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Trong thư, Đại tướng khẳng định: Với tinh thần “tính mạng con người là trên hết, trước hết”, “ở đâu có khó khăn, hiểm nguy, ở đó có bộ đội” và phương châm “4 tại chỗ” các đồng chí vừa duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu vừa tổ chức lực lượng, phương tiện, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, xung kích đi đầu trong phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Hành động của các đồng chí đã nêu tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí, lòng dũng cảm “vì nhân dân quên mình” của Quân đội nhân dân. Tiêu biểu là Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3 đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giúp nhân dân phòng, chống bão số 3 tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, đồng đội, niềm cảm phục trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội và nhân dân.
Từ những bát cơm nấu vội, tấm áo rách vai được những người mẹ, người bà vá lại cho những người con – chiến sĩ, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ… đến những túi hoa quả, nắm xôi, của người dân Làng Nủ dúi vội vào tay những chiến sĩ trẻ lúc sắp chia tay… cho thấy, 80 năm trôi qua, nghĩa tình quân dân của dân tộc ta vẫn vẹn nguyên, được trao truyền, tiếp bước.
Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 bày tỏ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Chính sự gắn bó khăng khít, máu thịt ấy đã tạo tiền đề cho sự ra đời của danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Điều đó đã được chứng minh ngay từ trong tên gọi. Danh hiệu cao quý ấy có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển cùng lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự Việt Nam. Đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã được hình thành, hun đúc trong suốt một quá trình lâu dài, trường kỳ gian khổ, trải dài suốt lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Việc phát huy phẩm chất đó niềm khát khao, mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Mỗi người dân trên dài đất hình chữ S ngày càng thêm tự hào khi Đảng ta, dân tộc ta, Bác Hồ và nhân dân đã sản sinh, nuôi dưỡng nên lớp lớp các thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ” – tạo nên bản sắc độc đáo, riêng có của đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
Nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/quan-doi-nhan-dan-viet-nam-tu-nhan-dan-ma-ra-vi-nhan-dan-ma-chien-dau-20241220071453397.htm