Nỗ lực bám trụ
10h sáng chủ nhật, thay vì tăng ca như thông lệ trước nay, anh Bùi Văn Tân (37 tuổi, ở Hà Nội) nằm dài ở phòng trọ xem điện thoại. Dù đã chuẩn bị trước tâm lý nhưng đến khi công ty ít việc, cắt giảm giờ làm, anh vẫn không khỏi hoang mang, lo lắng.
“Giờ một tuần tôi chỉ đi làm 3-4 ngày, còn lại là ở nhà. 3 tháng qua như vậy rồi”, anh Tân thở dài.
Là quản lý xưởng tại một công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội, anh Tân không nghĩ ở vị trí như anh cũng bị cắt giảm giờ làm. Việc ít, thu nhập của anh cũng giảm đáng kể.
“Bình thường tăng ca đầy đủ, thu nhập của tôi có tháng tới 15-17 triệu đồng. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay mỗi tuần tôi chỉ làm 3-4 ngày, ngày làm 8 tiếng. Ngày nào đi làm đủ 8 tiếng thì nhận đủ lương, ngày nghỉ ở nhà, công ty trả 70% lương. Thu nhập mỗi tháng giờ chỉ còn 7 triệu đồng”, anh Tân cho biết.
Trong căn phòng trọ rộng hơn 10m2, chị Hiền (vợ anh Tân) cho biết, hai vợ chồng thuê phòng trọ này với giá 600.000 đồng/tháng để tiết kiệm chi phí, chỉ gọi là “có chỗ chui ra chui vào”.
Phòng trọ chật chội, đôi vợ chồng công nhân chỉ kê một chiếc giường gấp cá nhân, diện tích còn lại để làm nơi sinh hoạt. Tối đến, hai vợ chồng thay phiên nhau người trên giường, người dưới đất.
“Chồng làm công nhân còn tôi đi buôn bán đồng nát. Con còn nhỏ, nhà xa nên vợ chồng tôi bàn với nhau phải có một người làm tự do để nhỡ có việc gì còn tiện xử lý”, chị Hiền nói.
Chị ngồi tính các khoản chi phí nuôi con nhỏ, tiền phòng trọ, điện nước… tổng số vừa đúng bằng thu nhập của chồng. Hụt thu nhập, khoản tiền ăn của hai vợ chồng đành thắt chặt.
“Trước đây, khi chồng còn tăng ca, lương cao, thêm thu nhập của tôi nữa thì hai vợ chồng ăn tiêu thoải mái vẫn có dư tiền gửi về quê nhờ ông bà nuôi con.
Giờ thu nhập giảm đi một nửa, chúng tôi buộc phải thắt chặt mọi khoản chi. Có ngày, hai vợ chồng chỉ 30.000-40.000 tiền ăn, bữa cơm chỉ bìa đậu phụ, mớ rau cho xong”, chị Hiền chia sẻ.
Theo anh Tân, dù thu nhập hiện tại giảm hơn nửa so với trước nhưng so với mặt bằng chung, mức lương 7 triệu đồng/tháng vẫn cao hơn nhiều lao động ở công ty khác trong khu công nghiệp.
Đầu tuần vừa rồi, công ty anh thông báo dự kiến đơn hàng sẽ về dịp cuối năm, công nhân sẽ được tăng ca trở lại. Đó là tin vui nhất đối với anh và người lao động lúc này.
Nam quản đốc chia sẻ, trong khi nhiều người nhảy việc tìm kiếm nơi có thu nhập cao hơn, anh vẫn lựa chọn ở lại với hi vọng công ty sớm vượt qua khó khăn.
“Trước lúc gặp khó khăn, chế độ đãi ngộ của công ty đối với công nhân rất tốt nên giờ có khó khăn tôi cũng sẵn sàng ở lại. Rất may vừa rồi công ty thông báo đang trong quá trình đàm phán để đưa về 3 đơn hàng dịp cuối năm. Công nhân chúng tôi rất trông chờ được tăng ca trở lại”, anh Tân nói.
“Được tăng ca là may mắn”
Ở phòng trọ đối diện, chị Phạm Minh Hằng (32 tuổi) đang nấu vội bữa trưa để kịp giờ đi làm ca chiều. Chị Hằng hiện là công nhân công ty sản xuất linh kiện điện tử SEI, trong khu công nghiệp Thăng Long.
Đây là công ty chị mới chuyển sang làm được hơn 2 tháng. Chị Hằng thở phào, nói như trút gánh nặng khi tìm được việc ở nơi vẫn tăng ca đều, làm cả ngày cuối tuần.
Mừng hơn nữa là chồng chị cũng vừa tìm được công việc mới để gia đình có thêm tiền để trang trải cuộc sống.
“Lúc trước, hai vợ chồng tôi xin vào làm cùng công ty nhưng khác xưởng. Xưởng bên tôi nhiều việc còn chỗ chồng ít việc hơn, không có tăng ca, tháng chỉ nhận lương cơ bản. Vì thế, làm được hai tháng, anh bỏ ra ngoài chạy xe ôm công nghệ”, chị nói.
Chị Hằng kể, từ khi sang công ty mới, vợ chồng chị không còn phải vất vả, tính toán chi ly, cân nhắc từng bữa ăn như trước, mâm cơm mỗi ngày đầy đủ hơn. Bữa trưa hôm nay, chị đãi chồng và hàng xóm món cá chép om dưa.
So với những người cùng xóm trọ phải nghỉ nằm nhà vì ít việc, chị Hằng vẫn đều đặn tăng ca cả tuần. Giữa lúc khó khăn, chị bảo, tìm được công ty có việc đã khó, được tăng ca như chị là một sự may mắn.
“So với công ty cũ, công việc của tôi ở chỗ làm mới vất vả hơn, phải đứng nhiều hơn nhưng đổi lại việc nhiều, tăng ca đều nên thu nhập cũng hơn hẳn. Cùng công ty với chồng nhưng thu nhập của tôi tháng 9 triệu đồng, còn anh chỉ nhận lương cứng chưa đến 5 triệu”, chị Hằng so sánh.
Theo số liệu thu thập của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự kiến nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới của các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ có biến động.
Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp đã đăng ký tuyển mới khoảng 60.000-80.000 lao động, tập trung ở các nhóm lĩnh vực chính như thương mại – dịch vụ (thường chiếm trên 90% tổng nhu cầu). Tiếp theo là nhóm công nghiệp – xây dựng; nông, lâm nghiệp và thủy sản…
Trong đó, ở lĩnh vực thương mại – dịch vụ, các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng nhân viên kế toán, nhân viên nghiên cứu thị trường, nhân viên quản lý chất lượng. Nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, tuyển nhiều nhân sự ở vị trí nhân viên bán hàng, nhân viên thu ngân, nhân viên kinh doanh…
Với nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động ở vị trí công nhân sản xuất, công nhân lắp ráp linh kiện, kỹ sư cơ khí chế tạo máy.
Còn với nhóm ngành xây dựng, các vị trí nhân viên giám sát kỹ thuật, kiến trúc sư, nhân viên kỹ thuật dự án… sẽ có nhu cầu lớn.