Chiếc bàn bào “huyền thoại”
Quán đá bào của ông Thi Đồng (tên thường gọi là ông Tám, 77 tuổi, ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ) nằm trên đường Ngô Quyền, đoạn cuối chợ Cái Răng. Khác biệt với những mái tường xung quanh, quán vẫn giữ nhiều nét chân quê, kết cấu nhà sàn bằng gỗ đã nhuốm màu cũ kỹ.
Tuy vị trí không thuận lợi nhưng nhiều người vẫn thường xuyên ghé vào chợ để ủng hộ quán nước gần 50 năm ở miền Tây. Thức uống ông bán không phải độc nhất vô nhị, mà bởi ly đá bào dễ khiến người ta gợi nhớ kỷ niệm, đặc biệt là những ai thuộc thế hệ 8X, 9X.
Hiện, quán bán rau má, chè đậu, đá bào siro, dừa tươi và nhiều loại nước đóng chai khác. Trong đó, chè đậu và đá bào siro được xem là “thương hiệu” gia truyền của quán, giá 12.000 – 15.000 đồng/ly. Với chè đậu, từ 5 giờ sáng, ông Tám đã thức để lựa đậu, ngâm mềm rồi hấp chín. Ông tự nạo dừa, vắt nước cốt. Ly chè gồm có đậu xanh, đậu đỏ, đậu tây, bột bán, đậu phộng rang giòn rụm.
Ông Tám kể, quán được cha mẹ giao lại từ trước 1975. Mấy chục năm qua đã nhiều lần đổi chỗ, khi thì dời vào nhà lồng chợ, lúc chuyển xuống cầu tàu và bây giờ là cập mé một nhánh sông Cần Thơ. Dù trải qua nhiều giai đoạn, ông vẫn sử dụng chiếc bàn bào gỗ “huyền thoại”. Bàn bào này bị mài mòn, ông thuê làm cái khác chứ nhất quyết nói không với đá xay. Vì vậy, mỗi khi có khách, quán lại vang lên tiếng bào đá rèn rẹt quen thuộc.
“Mặc ai chê quê mùa, tôi vẫn giữ chiếc bàn bào gỗ. Bào tay cho người ta uống mới thấy vui, vì nó chứa công sức và tình cảm của mình. Đặc biệt, bào đá khiến tôi cảm như thấy giãn gân giãn cốt, khỏi tập thể dục. Hồi trước, cha mẹ tôi cũng bào nước đá bằng tay nên tôi muốn nối nghề gia truyền”, ông Tám vui vẻ nói.
Thi thoảng, ông Tám chạnh lòng nhớ lại thời đá đậu, đá bào siro là thức uống “thời thượng” của học trò ngày xưa. Đó là khoảng những năm 1980, khách đến quán nườm nượp hai buổi sáng, chiều. Có ngày, ông chuẩn bị đến 5 kg đậu mà vẫn không đủ bán. Nhờ vậy, gia đình có của ăn của để, việc mưu sinh không quá đỗi nhọc nhằn. Nhưng hiện giờ, mỗi ngày ông bán chưa tới 1 kg đậu, đá bào siro cũng không đáng kể là bao.
Biết đủ sẽ thấy vui
Ông Tám khá trầm tính, kiệm lời nên không dễ bày tỏ tình cảm ra cho người khác hiểu. Nhưng cách ông chăm chút cho từng cái ly, vị trí quầy nước, chiếc bàn bào sạch bóng có thể nói lên ông yêu nghề thế nào. Có lẽ vì vậy mà dù ngày càng lớn tuổi, khách ngày một vắng nhưng hễ ai khuyên dọn quán về dưỡng già là ông liền xua tay. “Bây giờ quán xá nhiều, đồ uống đủ loại nên đá bào siro, đá đậu không còn đắt nữa nhưng thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống. Với tôi như vậy là được rồi, thăng trầm nhưng biết đủ sẽ thấy vui”, ông Tám trải lòng.
Ông Tám có một người con gái, hiện làm công nhân trong một xí nghiệp. Theo ông, càng gắn bó với nghề càng khó buông bỏ, càng lớn tuổi càng muốn tự nuôi mình chứ không làm gánh nặng cho con. “Công việc không vất vả mấy, chịu cố gắng sẽ làm được. Vả lại, tôi có niềm vui là thường gặp lại khách quen đã từng uống nước ở đây nhiều năm. Chúng tôi gặp nhau thì hay nhắc chuyện cũ, chuyện vui nên tôi không nỡ về vườn”, ông Tám chia sẻ.
So với nhiều loại thức uống thịnh hành hiện nay, ly đá bào siro hay ly chè đậu của ông Tám có phần đơn giản, không thêm topping, không phối màu bắt mắt. Tưởng chừng đều đó lạc hậu, thua kém nhưng chính cái nguyên bản mộc mạc, giản đơn đó lại khiến nhiều người cảm thấy thương, thấy nhớ về đặc trưng ẩm thực của thời thơ ấu.
Trước nhà, dù xe hàng lui tới thường xuyên nhưng có dịp đi chợ Cái Răng là bà Chín (59 tuổi, ngụ P.Phú Thứ, Q.Cái Răng) nhất quyết phải ghé vào quán đá bào của ông Tám. Bà Chín bộc bạch: “Hơn 30 năm trước, tôi bán đồ rẫy ở đây nên biết quán này. Không hiểu sao thấy anh Tám lui cui bên bàn bào tay thì kỷ niệm mưu sinh lúc trẻ của tôi chợt ùa về. Bây giờ có mấy ai còn tha thiết bán đá bào nữa đâu. Riết chắc mọi người lãng quên cái nghề này luôn quá”.
Quán đá bào của ông Tám khá nhỏ, phía trước chỉ để được một cái bàn, bên trong bố trí thêm vài cái bàn nhỏ. Nhiều khi khách đến không đủ chỗ ngồi nhưng vẫn chịu khó chờ để ủng hộ ông chủ già. “Mỗi lần thấy nghề xưa nào đó ít phổ biến chiếu trên tivi là lòng mình thấy tiếc nuối và bồi hồi. Đối với tôi, quán đá bào bình dân của chú Tám cũng là một điểm nhấn thú vị cho khu chợ sầm uất này. Tôi mong chú sẽ có thật nhiều sức khỏe để duy trì quán lâu dài”, chị Nguyễn Thị Bích Phượng (31 tuổi, ngụ P.An Khánh, Q.Ninh Kiều) chia sẻ.