NATO đã cảnh báo các thành viên rằng quá nhiều thủ tục của các nước đang cản trở việc liên minh di chuyển quân khắp châu Âu, một vấn đề có thể gây ra sự chậm trễ nghiêm trọng nếu kịch bản xung đột với Nga nổ ra.
“Chúng ta đang cạn thời gian. Thứ chúng ta không hoàn thành trong thời bình sẽ không trong tình trạng sẵn sàng nếu xung đột hoặc khủng hoảng xảy ra”, người đứng đầu bộ chỉ huy hậu cần của NATO, Trung tướng Alexander Sollfrank, nói với Reuters hôm 23/11.
Bộ chỉ huy hậu cần của NATO (JSEC) có trụ sở tại thị trấn Ulm phía nam nước Đức bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Nhiệm vụ của cơ quan này là điều phối việc di chuyển nhanh chóng của quân đội và xe tăng trên khắp lục địa cũng như các hoạt động hậu cần như tích trữ đạn dược trên các căn cứ của liên minh sườn phía đông.
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, sự ra đời của JSEC cho thấy NATO dường như có động thái chuẩn bị cho kịch bản xung đột ở châu Âu có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, việc nhanh chóng triển khai lực lượng lên tới quy mô một sư đoàn với khoảng 20.000 quân, cũng như chuẩn bị sẵn đạn dược, nhiên liệu, phụ tùng và vật tư dự phòng đã trở nên khó khăn với NATO hơn kể từ Chiến tranh Lạnh.
NATO và khối Hiệp ước Warsaw đối đầu nhau trước đây chủ yếu ở Đức. Sau hàng chục năm, NATO đã mở rộng khoảng 1.000km về phía đông, tăng chiều dài sườn đông của khối lên tổng cộng khoảng 4.000 km.
Ông Sollfrank giải thích, mặc dù JSEC được thành lập vào năm 2021 để đơn giản hóa việc chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng với Nga, nhưng hoạt động của bộ phận này vẫn bị cản trở bởi các quy định cấp quốc gia.
Ông cho biết thêm, việc vận chuyển đạn dược qua biên giới châu Âu thường cần có giấy phép đặc biệt, trong khi việc vận chuyển số lượng lớn quân đội hoặc thiết bị có thể phải thông báo trước.
Ông Sollfrank đề nghị các nước châu Âu nên thành lập khu vực “Schengen quân sự” để khắc phục những vấn đề này. Thuật ngữ này ám chỉ đến thỏa thuận Schengen cho phép người dân đi lại trong hầu hết các nước châu Âu.
Ông Sollfrank không phải là quan chức quân sự đầu tiên lên tiếng về vấn đề hậu cần của NATO.
Ben Hodges, người chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu cho đến năm 2017, nói với Reuters: “Chúng ta không có đủ năng lực vận tải hoặc cơ sở hạ tầng cho phép lực lượng NATO di chuyển nhanh chóng trên khắp châu Âu”.
Ví dụ, ông Hodges chỉ ra rằng các quốc gia khác nhau có kích cỡ đường sắt khác nhau, khiến việc vận chuyển trên khu vực rộng lớn và kéo dài trở nên thách thức.
Di chuyển bằng đường bộ để vận chuyển hàng tiếp viện trong khối liên minh cũng tồn tại vấn đề. Năm ngoái, một nhóm xe tăng Pháp đi qua Đức đến Romania để tập trận đã bị dừng lại vì trọng lượng của chúng vượt quá quy định giao thông đường bộ của Đức.
Theo một báo cáo riêng của Breaking Defense, ngay cả khi những chiếc xe tăng này được phép đi qua Đức, chúng cũng không thể đi qua Ba Lan do chất lượng xây dựng cầu ở nước này không đủ đáp ứng.
Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu ủy ban quân sự của NATO, cảnh báo: “Chúng ta có rất nhiều quy định, nhưng có một thứ chúng ta không có là thời gian. Cuộc chiến Nga – Ukraine đã được chứng minh rằng một cuộc chiến tiêu hao là một trận chiến về hậu cần”.