Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý I/2024, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt những tín hiệu khả quan khi đón hơn 4,6 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, khách Trung Quốc xấp xỉ 900.000 lượt, tăng mạnh hơn 600% so với cùng kỳ năm trước.
Bán sản phẩm có thông tin bịa đặt
Riêng cửa khẩu quốc tế Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) có ngày lên tới cả vạn du khách Trung Quốc, tương đương những ngày cao điểm trước đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng khách Trung Quốc, nhiều cửa hàng chuyên đón khách Trung Quốc hoạt động theo hình thức “tour 0 đồng” đã xuất hiện trở lại.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, sau khi làm thủ tục nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Móng Cái, toàn bộ du khách Trung Quốc (hầu hết là người cao tuổi) sẽ lên các xe khách 45 chỗ để đi tham quan ở những cửa hàng đã định sẵn bán đồ lưu niệm, thực phẩm chức năng, đồ ăn, bánh kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chỉ riêng đại lộ Hòa Bình, TP Móng Cái đã có khoảng 10 cửa hàng như vậy phục vụ khách Trung Quốc. “Luật bất thành văn” là người Việt Nam sẽ không bao giờ được bước chân vào những cửa hàng này.
Để vào bên trong các cửa hàng này, khách du lịch Trung Quốc được phát cho một chiếc thẻ đeo cổ, những người không có thẻ sẽ bị mời ra ngoài. Sau khi kết thúc chuyến “tham quan”, những chiếc thẻ này nhanh chóng được nhân viên thu lại.
Ngoài tấm thẻ nói trên, khách Trung Quốc còn đeo trên cổ một thiết bị thuyết minh. Các công ty lữ hành soạn sẵn nội dung để khi khách đi đến đâu, họ sẽ phát lời thuyết minh và âm thanh được truyền riêng đến tai du khách. Với cách làm này, lời thuyết minh của hướng dẫn viên sẽ không gây ồn và cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát nội dung.
Đáng chú ý, để lôi kéo được khách du lịch Trung Quốc theo “tour 0 đồng” vào mua sắm, các cửa hàng này thường đưa ra nhiều sản phẩm có thông tin không đúng sự thật. Như tại cửa hàng mua sắm Hùng Cường (phường Hải Hòa, TP Móng Cái), chuyên bán các mặt hàng liên quan đến dầu cá, sụn vi cá mập…, khi lực lượng chức năng kiểm tra đã phát hiện cửa hàng treo bảng thông tin bịa đặt về việc sử dụng dầu cá giúp người già sinh sống tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đều có tuổi thọ trên 100.
Sau khi nhiều du khách bỏ tiền mua hàng, đoàn khách lại lên ô tô để di chuyển tới những cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ, trang sức. Những tour du lịch này diễn ra chỉ trong ngày. Đặc biệt, khi các trung tâm mua sắm hoành tránh, chợ thương mại ở vùng biên Móng Cái vắng bóng người thì các cửa hàng dạng này lại đón cả ngàn du khách mỗi ngày.
Trước thực trạng này, lực lượng chức năng TP Móng Cái đã ráo riết vào cuộc, triển khai các biện pháp ngăn chặn, đình chỉ nhiều cửa hàng hoạt động nuôi “tour 0 đồng”.
Gần đây nhất, ngày 28-3, đoàn kiểm tra liên ngành TP Móng Cái bất ngờ kiểm tra đại lý cửa hàng Đại Dương Quốc tế tại số 31 đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú, TP Móng Cái, chuyên kinh doanh dược phẩm, trang sức, hàng tạp hóa…, mỗi ngày đón cả ngàn lượt khách Trung Quốc.
Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện chủ cửa hàng đã sử dụng lao động là người Trung Quốc nhưng không có giấy phép; chưa bảo đảm các quy định về quảng cáo; một số mặt hàng chưa rõ xuất xứ hàng hóa, chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn PCCC. Ngoài ra, nhiều mặt hàng niêm yết giá không rõ ràng.
Cần quản lý chặt
Ông Hồ Quang Huy, Chủ tịch UBND TP Móng Cái, cho biết trước tình trạng “tour 0 đồng” đang có dấu hiệu “hồi sinh”, thành phố đã yêu cầu các lực lượng chức năng vào cuộc nghiêm túc nhằm quản lý tốt hoạt động của các cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, văn minh, đặc biệt sắp đến cao điểm mùa du lịch năm 2024.
Theo đó, các đơn vị, địa phương liên quan sẽ giám sát chặt chẽ các cơ sở vừa bị tạm dừng hoạt động; chỉ cho phép hoạt động trở lại khi khắc phục toàn bộ các vi phạm và bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định.
TP Móng Cái cũng thành lập đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố, trong đó chú trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, giá, phí, lệ phí và hóa đơn, ngoại hối, biển hiệu, quảng cáo, sử dụng lao động… Tăng cường các biện pháp kiểm tra hành chính để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng hướng dẫn viên nước ngoài hoặc người lao động nước ngoài làm việc trái phép trên địa bàn.
Thực hiện tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở; phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Đông Hưng (Trung Quốc) để triển khai thiết thực, hiệu quả các thỏa thuận đã thống nhất.
Dưới góc độ những người làm du lịch, một số doanh nghiệp cho rằng dù đi “tour 0 đồng” nhưng du khách Trung Quốc vẫn phải ăn uống, chi tiêu, mua sắm tại Việt Nam. Do đó, mấu chốt là vẫn đón khách nhưng kiểm soát để tránh phát sinh tiêu cực. Chẳng hạn, cơ quan quản lý Việt Nam nếu phát hiện công ty nào tổ chức “tour 0 đồng” ở phía Trung Quốc có thể đưa vào “danh sách đen” và không cho khai thác khách đến Việt Nam.
“Vai trò của cơ quan quản lý trong vấn đề này rất quan trọng, cơ quan quản lý thị trường, cơ quan xuất nhập cảnh… cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nói không với đơn vị tổ chức “tour 0 đồng”. Những điểm mua bán hàng hóa dịch vụ mà không thanh toán bằng VNĐ cần phải thanh – kiểm tra và rút giấy phép” – đại diện một doanh nghiệp nói.
Cần có chiến lược hút khách Trung Quốc
Các doanh nghiệp du lịch cho rằng trong bối cảnh nhu cầu khách quốc tế từ các thị trường xa như châu Âu, Nga, Mỹ, Úc chưa phục hồi mạnh, Trung Quốc sẽ là thị trường khách quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, để đón khách Trung Quốc, cần chiến lược bài bản và bền vững.
Theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt, nếu có chiến lược tốt về sản phẩm dịch vụ, chính sách visa thông thoáng, xây dựng các sản phẩm đa dạng, tiếp cận khách Trung Quốc bằng đường sắt, đường thủy, bên cạnh đường hàng không…, cơ hội đón khách sẽ rất lớn.