Nằm giữa con phố Văn Miếu (Q.Đống Đa) đắt đỏ, một quán cà phê nhỏ “khoác” lên mình với màu đen huyền bí. Cánh cửa mở ra, mùi thơm của hạt cà phê tỏa ra khiến nhiều người mê đắm.
Trả tiền ở chiếc hộp “tùy tâm trạng”
Diện tích quán khoảng 20m2, chỉ bày được một quầy bar vỏn vẹn 8 chỗ ngồi. Tông màu đen huyền bí, cách pha cà phê của chủ quán và cách khách trả tiền theo tâm trạng thu hút sự tò mò của nhiều người khi lần đầu đến đây.
Anh Tú pha cà phê cho khách |
dương lan |
Khi thưởng thức cà phê xong và muốn trả tiền, khách được chủ quán trả lời nhẹ nhàng: “Ở đằng kia có chiếc hộp, tùy tâm trạng, bạn muốn trả bao nhiêu cũng được, quán rất thoải mái”.
Anh Vũ Đình Tú (30 tuổi) là chủ quán cà phê đặc biệt này. Trước đây, anh Tú làm nhân viên văn phòng, ngày nào cũng uống nhiều cà phê đề đầu óc tỉnh táo, tập trung. Anh thường chọn những quán pha cà phê ngon, không ngại đi xa để thưởng thức.
Khách xem từng công đoạn pha cà phê ở quán anh Tú |
dương lan |
Tháng 3.2020, dịch Covid-19 bùng phát, vì giãn cách nên anh đành ở nhà tự pha cà phê. Lúc đầu chưa ngon như ngoài hàng, anh tìm cách học hỏi, muốn đào sâu tìm hiểu về cà phê để có sự ưng ý nhất. Từ đó, anh nảy ra ý định đi học về cà phê để pha cho mình và bạn bè.
“Tôi có tham gia một cuộc thi trải nghiệm và được đến các vườn cà phê, tự hái hạt, tự sơ chế, tự rang, tự pha. Tôi xác định làm rang cà phê vì nó có nhiều tương đồng với công việc tài chính trước kia về các con số, đồ thị, cách đo lường, sự chính xác. Rang cà phê chắc hẳn là một thứ dành cho tôi”, anh Tú nói.
Anh Tú dành đến 80 – 90% thời gian để pha cà phê khi mở quán |
dương lan |
Trở về từ khóa học với chuyên gia nước ngoài và các chuyến thăm vườn cà phê nhưng anh chưa kịp mua máy rang hạt nên được một người bạn cho mượn. Anh dùng phòng ngủ của mình làm địa điểm, lấy hạt cà phê ở vùng Tây Nguyên về rang, pha thử cho mọi người uống.
Đợt đó, anh gửi cho khoảng 300 – 400 người ở Hà Nội, các tỉnh khác và kể cả ở nước ngoài để mọi người uống thử, điều chỉnh dần dần cho phù hợp.
Tháng 3.2021, anh tìm được địa điểm nên quyết định mở quán cà phê này. Mọi thứ đến với anh rất tình cờ, đó là nơi để anh rang hạt, chỉ dẫn mọi người cách pha, có chỗ để trải nghiệm.
Khách đến uống cà phê và trò chuyện |
dương lan |
“Tôi cứ mở quán cho mọi người có chỗ đến chơi, lúc đầu không tính tiền sau ai cũng ngỏ ý trả nên tôi dùng một cái phin để ở góc, ai thích gửi bao nhiều thì gửi. Cái hộp “tùy tâm trạng” là được một anh họa sĩ tặng, anh ấy là khách quen. Thấy cái phin bất tiện vì phải mở ra mở vào, anh làm tặng quán cái hộp có khoét lỗ, như vậy cũng tiện và tinh tế hơn. Những người đến lần đầu rất bỡ ngỡ nhưng cứ tùy cảm nhận, họ đặt bao nhiêu cũng được”, anh Tú nói.
Chiếc hộp “tùy tâm trạng” khách trả bao nhiêu cũng được |
dương lan |
Cũng theo lời anh Tú, khi tập trung, gửi gắm mọi tâm huyết vào cốc cà phê, anh không còn nghĩ quá nhiều đến chuyện lời lãi. “Làm ra cốc cà phê ngon nhất gửi đến mọi người đã chiếm 80 – 90% thời gian của tôi nên tôi không muốn đau đầu vào chuyện khác. Quán cũng chỉ mở đến 6 giờ chiều vì cà phê uống buổi tối dễ mất ngủ và tôi có thêm thời gian để học, nghiên cứu sâu hơn về cà phê”, anh Tú nói.
Hình thức kinh doanh “bạn đến chơi nhà!”
Lúc đầu, quán cà phê của anh Tú không có menu, chỉ có hai món đen và nâu. Sau đó có một vị khách cầm sữa tươi qua, nhờ anh làm và đặt món tên là Tuesday (món thứ ba). Sau nữa có một khách thích kem béo và sữa đặc nên tự đặt món thứ tư là cà phê Văn Miếu. Anh Tú cũng làm các món cà phê khác theo yêu cầu của khách.
Khách quét mã thanh toán tại chiếc hộp “tùy tâm trạng” |
dương lan |
“Tôi muốn mọi người trải nghiệm về cà phê một cách đầy đủ và rõ nét nhất vì công sức để làm ra hạt cà phê rất khó khăn và vất vả. Thay vì gọi đồ uống với nhân viên rồi ra bàn ngồi đợi, khách sẽ rất phí khoảnh khắc xem từng cốc cà phê được pha như thế nào. Quán nhỏ để tôi và khách được tương tác nhiều hơn, giúp mọi người biết hơn về cà phê, mô hình này giống kiểu “bạn đến chơi nhà”, anh Tú cho hay.
Mỗi ngày anh phải uống đến 10 – 15 cốc cà phê, dần dần điều chỉnh để thức uống trở nên hoàn hảo. Anh có thêm niềm vui trong cuộc sống, quen được nhiều bạn mới. Bạn nhỏ tuổi nhất với anh năm nay 15 tuổi nhưng có những người ngoài 80 tuổi vẫn lặn lội đến quán, trò chuyện và thưởng thức cà phê.
Lúc đầu quán anh không có menu, chỉ mỗi hai món đen và nâu nhưng dần dần anh bổ sung thêm các món để mọi người dễ lựa chọn |
dương lan |
Chị Vũ Thu Trang (24 tuổi, ở quận Cầu Giấy) đến quán để thưởng thức cà phê và tìm cho mình cảm giác mới lạ, thư thái. Được trò chuyện với chủ quán khi uống cà phê chị hiểu hơn về cách làm, sự tâm huyết của người pha khi làm món đồ uống này.
“Tôi thấy phong cách quán khá hay, thú vị. Khi trả tiền tùy theo cảm xúc của mình, tùy theo cảm nhận về đồ uống sẽ đặt số tiền tương xứng vào đó, chủ quán cũng rất vui vẻ, thoải mái”, chị nói.
Quán của anh Tú khá nhỏ |
dương lan |
Cùng cảm nhận, chị Đoàn Hương Giang (31 tuổi, ở Q.Thanh Xuân) chia sẻ: “Trước tôi đi với bạn thấy quán rất hay nên giờ quay lại. Anh chủ ở đây nhiệt tình, khi pha cũng trò chuyện với khách về cà phê, sau tôi mới biết tự trả cho quán, không có giá muốn trả bao nhiêu tùy tâm trạng. Mô hình kinh doanh này rất đặc biệt và tôi rất thích kiểu tiếp cận cà phê khi uống”.
Chị Giang đến mua cà phê vì thích phong cách của quán |
dương lan |