10:46, 17/03/2023
BHG – Những năm qua, huyện Quản Bạ tập trung phát huy lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ thâm canh, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, gắn với đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới (NTM). Qua đó, nâng cao tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả ở thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám. |
Là huyện vùng cao biên giới, cửa ngõ của Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Huyện Quản Bạ có dân số trên 57.000 nhân khẩu, 16 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm 60%, Dao 14%, Tày 11%… sinh sống trải khắp 12 xã, thị trấn. Với lợi thế diện tích tự nhiên lớn, nhiều tiềm năng về phát triển nông, lâm nghiệp, phát triển cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, người dân có truyền thống đoàn kết, chịu khó, năng động trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, được Trung ương và tỉnh quan tâm có nhiều chính sách đối với miền núi, biên giới, vùng dân tộc đặc biệt khó khăn là những điều kiện thuận lợi để huyện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển theo hướng tập trung hàng hóa và đầu tư nguồn lực xây dựng hạ tầng khu vực nông thôn. Với hướng đi đúng đắn, phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế, ngành Nông nghiệp huyện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là hình thành các mô hình sản xuất tập trung; tạo được các hoạt động liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện sản xuất gắn với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ngày càng được đẩy mạnh.
Toàn huyện đã triển khai diện tích gieo trồng 16.255 ha, các cây trồng chủ yếu vẫn là ngô, lúa, rau màu, cây dược liệu, cây ăn quả, cây công nghiệp…tập trung tại các xã Quyết Tiến, Tả Ván, Tùng Vài, Cán Tỷ, Nghĩa Thuận…
Nhân dân tích cực gieo trồng vụ Xuân – Hè tại thôn Thượng Sơn, thị trấn Tam Sơn. |
Trong đó huyện tập trung vào Đề án Cải tạo vườn tạp phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Năm 2022 tổng số hộ thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ là 285 hộ với diện tích vườn cây ăn quả là 194.777 m2; các loại rau, củ, cây ngắn ngày 58.083 m2; cây dược liệu 560 m2. Năng suất cây lương thực tăng dần theo từng năm. Tổng sản lượng lương thực thu hoạch cả năm đạt 30.945 tấn. Tập quán chăn nuôi của người dân đã dần thay đổi theo hướng chuyển từ thả rông sang có kiểm soát, với tổng đàn gia súc trên 77.000 con (trong đó: trâu 7.280 con, bò 19.795 con, dê 4610 con, ngựa 402 con, lợn 45.100 con); đàn gia cầm ước đạt 287.000 con, diện tích nuôi thủy sản 56,3 ha.
Xác định phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng NTM là việc làm cần thực hiện tốt, đạt kết quả. Qua đó, nâng cao hiệu quả đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM được cả hệ thống chính trị; đặc biệt là nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng sâu rộng, lan tỏa khắp các vùng nông thôn. Vai trò chủ thể của người dân ngày càng phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng tham gia hiến đất, công sức, trí tuệ để xây dựng NTM. Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM (Quyết Tiến, Đông Hà, Quản Bạ). 12/12 xã có đường ô tô đến trung tâm.
Triển khai thực hiện khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, đã được huyện đặc biệt quan tâm, xem đây là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng NTM, điển hình một số địa phương thực hiện tốt như: Khu dân cư thôn Séo Lùng II (Thái An); thôn Đầu Cầu II (Cán Tỷ); thôn Thượng Sơn (thị trấn Tam Sơn); thôn Nặm Đăm (Quản Bạ ) và thôn Cao Mã (Cao Mã Pờ). Nhân dân đã có nhiều cách làm thiết thực góp phần xây dựng khu dân cư kiểu mẫu như chỉnh trang khuôn viên nhà ở sạch đẹp, trồng hoa, hàng rào xanh, cải tạo vườn, xây dựng, di chuyển chuồng trại ra xa nhà đảm bảo vệ sinh, đóng góp kinh phí lắp đặt điện chiếu sáng khu dân cư cũng như hiến đất làm đường ngõ xóm…
Đồng chí Sèn Thăng Long, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các doanh nghiệp đến khảo sát, đầu tư các dự án, tăng cường sản phẩm liên kết tiềm năng trên địa bàn. Đặc biệt tập trung vào các sản phẩm trong năm vừa qua đã được đánh giá là những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây hệ thống thắp sáng đường quê, lắp đặt camera an ninh, tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu kinh tế giao cho ngân sách, tích cực vận động, tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu để huyện ngày một phát triển, văn minh hơn.”
Phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển ngành Nông nghiệp bền vững, kết hợp với xây dựng NTM giúp kinh tế – xã hội huyện Quản Bạ, đặc biệt là vùng nông thôn ngày thêm khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng cao nhờ sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm từng bước giảm, tạo đà trong xây dựng NTM.
Bài, ảnh: Nguyễn Dịu