Sau nhiều ngày ăn Tết, gia đình anh Nguyễn Phi Hùng (Ba Đình, Hà Nội) đã xuống phố đổi khẩu vị bữa sáng để “giải ngấy”.
“Những ngày qua ăn nhiều bánh chưng, nem, giò nên tôi dẫn gia đình đi ăn bún riêu cho đỡ ngán” – anh Hùng nói.
Sáng mùng 3 Tết, bạn Trần Ngọc Minh (20 tuổi, Tây Hồ) chọn một quán cà phê ngoài mặt đường để ngắm phố phường và tán gẫu với bạn bè.
“Năm nay, mình định đi cà phê để thư giãn, gặp mặt bạn bè nhưng lượng khách đông khiến mình phải đợi khoảng 10 phút mới có chỗ ngồi” – Ngọc Minh cho hay.
Chị Nguyễn Thị Thu, nhân viên một quán bún riêu cho biết, giờ cao điểm của quán rơi vào 9h-10h sáng và 12h-1h trưa. Những khoảng thời gian này, quán có 4 nhân viên làm việc hết năng suất để phục vụ các thực khách.
“Có lúc đông khách, chúng tôi phải bê đồ, lau dọn và xếp chỗ cho khách liên tục” – chị Thu chia sẻ.
Chị Thu cho hay, lượng khách dịp Tết Nguyên đán tăng khoảng 10-20% so với ngày thường.
Nhân viên tại một quán ăn gần phủ Tây Hồ cho hay, dù quán đã tăng cường người phục vụ dịp Tết nhưng vào những lúc đông khách, tất cả nhân viên vẫn phải làm việc hết năng suất.
“Lượng người đi lễ tại phủ Tây Hồ sau đó ghé quán ăn rất đông, thường gọi số lượng lớn nên chúng tôi phải làm liên tục để kịp phục vụ” – nhân viên này nói.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động vào sáng mùng 3 Tết Nguyên đán, nhiều quán ăn, quán cà phê tại những quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình,… đã mở cửa trở lại đón khách. Những hàng quán này luôn trong tình trạng đông kín khách, thậm chí có thời điểm quá tải khách hàng.
Nhiều xe máy của thực khách xếp tràn xuống dưới lòng đường. Có quán đã tận dụng không gian rộng rãi tại những vỉa hè để kê bàn, ghế cho khách ngồi.
Nhiều hàng quán thông báo không tăng giá những ngày này. Bên cạnh đó, có những quán ăn tăng nhẹ từ 10-20%.