Từng quyết liệt phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine, ông Johnson đảo ngược quan điểm khi tin rằng giúp Kiev là vì lợi ích của chính Washington.
Hạ viện Mỹ ngày 20/4 thông qua dự luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine với tỷ lệ 311 phiếu thuận và 112 phiếu chống. Động thái phản ánh sự chia rẽ nội bộ đảng Cộng hòa, khi 112 nghị sĩ phản đối dự luật, còn 101 người đứng về phía phe Dân chủ để thúc đẩy gói viện trợ được thông qua. Dự luật dự kiến được Thượng viện bỏ phiếu ngày 23/4 và Tổng thống Joe Biden ký ban hành trong tuần này.
Đây là bước thay đổi quan điểm hoàn toàn của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, người từng cương quyết tuyên bố sẽ không bao giờ đưa dự luật ra bỏ phiếu tại Hạ viện cho đến khi các yêu cầu của đảng Cộng hòa liên quan an ninh biên giới Mỹ được đáp ứng.
“Tôi tin ông Johnson đã dần dần bị thuyết phục rằng Mỹ phải hỗ trợ Ukraine vì lợi ích của chính mình và phe cực hữu trong đảng Cộng hòa đang phạm sai lầm khi muốn làm ngược lại”, Larry Sabato, nhà khoa học chính trị tại Đại học Virginia, bang Virginia, nhận định.
Johnson, 52 tuổi, nhậm chức Chủ tịch Hạ viện tháng 10/2023 sau khi đảng Cộng hòa tại cơ quan này rơi vào hỗn loạn vì Kevin McCarthy bị các nghị sĩ cực hữu trong đảng phế truất.
Ông Johnson trước đó là nghị sĩ bang Louisiana không mấy nổi bật, chưa nghe báo cáo tình báo cấp cao hay gặp Tổng thống Biden, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, lãnh đạo thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell. Ông cũng không có liên hệ với lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries.
Ngay sau ngày nhậm chức, ông Johnson đã gặp ông Biden cùng ba thành viên ủy ban Hạ viện về an ninh quốc gia để trao đổi về các mối đe dọa trên thế giới, chủ yếu đề cập vấn đề Ukraine. Là người chưa có nhiều kinh nghiệm về đối ngoại, Johnson lúc này phản đối mọi nỗ lực nhằm viện trợ cho Ukraine.
Trong những tháng sau đó, ông đến Nhà Trắng hai lần, tiếp tục nghe Tổng thống Biden, ông McConnell và ông Schumer nói về tính lịch sử của xung đột Ukraine. Ông tiếp đó gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky khi lãnh đạo Ukraine đến Washington tháng 12/2023.
Quan điểm của ông Johnson về viện trợ Ukraine bắt đầu mềm mỏng hơn. “Đột nhiên, ông ấy nhận ra thế giới đang phụ thuộc vào việc này”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul nói. “Đây không phải trò chơi chính trị nhỏ nhặt tại Hạ viện”.
Nhưng vấn đề này lại gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Cộng hòa. Phe cực hữu ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump ngày càng có tiếng nói và cứng rắn hơn trong việc cắt viện trợ cho Kiev, trong khi phe ủng hộ Ukraine trầm lặng, thất vọng và mất kiên nhẫn. Các nghị sĩ cực hữu cảnh báo sẽ phế truất Johnson nếu ông dám hành động vì Ukraine trước khi đảm bảo an ninh biên giới Mỹ.
Theo các nguồn thạo tin, cuộc gặp có tác động lớn nhất tới ông Johnson diễn ra tại Nhà Trắng hồi tháng 2, khi các lãnh đạo quốc hội Mỹ và ông Biden thảo luận dự luật ngân sách chính phủ và viện trợ Ukraine. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) William Burns cùng các quan chức an ninh quốc gia tìm cách khiến ông Johnson chú ý đến việc Ukraine đang cạn kiệt đạn dược nhanh thế nào và hậu quả thảm khốc nếu Washington không còn hỗ trợ cho Kiev.
Ông Johnson sau đó nhiều lần mời các nghị sĩ Cộng hòa cực hữu dự các cuộc họp tại Đồi Capitol và tiếp nhận những thông tin tương tự, kỳ vọng có thể thay đổi quan điểm của họ.
Thượng viện Mỹ lúc đó đã thông qua dự luật hơn 95 tỷ USD, viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trước sức ép lớn từ phe cực hữu trong đảng Cộng hòa cùng cựu tổng thống Trump, ông Johnson từ chối đưa dự luật này ra bỏ phiếu ở Hạ viện.
Một số nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ Ukraine đã thể hiện nỗi thất vọng và dọa đứng về phía Dân chủ để kích hoạt “kiến nghị vượt quyền” nhằm đưa dự luật ra bỏ phiếu mà không cần sự chấp thuận của Chủ tịch Hạ viện.
Bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa tiếp tục gia tăng. Nhiều nghị sĩ bác bỏ thông tin hoặc từ chối tham dự các buổi báo cáo tình báo. Những người Cơ Đốc giáo tìm cách thuyết phục ông Johnson, một tín hữu Baptist sùng đạo, về tính cấp thiết của gói viện trợ để hỗ trợ những người Công giáo ở Ukraine.
“Đức tin định hướng mọi quyết định quan trọng ông ấy đưa ra”, một nghị sĩ Cộng hòa nói với Washington Post.
Kết quả thăm dò do American Action Network, tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ đảng Cộng hòa, cho thấy đa số cử tri tại các bang chiến trường trong bầu cử Mỹ ủng hộ viện trợ cho Ukraine. Viện trợ Ukraine cũng không phải yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn của cử tri Cộng hòa phổ thông. Dữ liệu này giúp trấn an ông Johnson về rủi ro chính trị và có cơ sở để thuyết phục các đồng nghiệp.
Tháng 3, ông Zelensky tiếp tục gọi điện cho ông Johnson, giải thích “tầm quan trọng của việc quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua viện trợ cho Ukraine”. Chủ tịch Hạ viện bắt đầu thảo luận với Nhà Trắng, xem liệu chính quyền ông Biden có chấp nhận các đề nghị từ phe Cộng hòa, bao gồm viện trợ Ukraine dưới hình thức cho vay và tịch thu tài sản Nga, hay không. Tuy nhiên, Nhà Trắng giữ quan điểm ưu tiên dự luật đã được Thượng viện thông qua.
Ông Johnson tiếp tục nhận một báo cáo mật từ giám đốc CIA Burns về tình hình Ukraine. Hàng loạt lãnh đạo và bộ trưởng các nước châu Âu tiếp cận Chủ tịch Hạ viện Mỹ, kêu gọi ông “bật đèn xanh” cho viện trợ Ukraine.
Ngày 14/4, một ngày sau khi Iran tập kích UAV, tên lửa vào Israel, ông Johnson đã trao đổi với lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Jeffries qua điện thoại. Chủ tịch Hạ viện nói ông đã sẵn sàng hành động về vấn đề viện trợ nước ngoài, bất chấp điều này có thể khiến phe cực hữu trong đảng Cộng hòa phẫn nộ và phế truất ông, một nguồn tin nói với CNN.
Jeffries đã hỏi Johnson xem liệu Chủ tịch Hạ viện có thể thuyết phục được bao nhiêu nghĩ sĩ Cộng hòa ủng hộ viện trợ Ukraine, trong khi phe Dân chủ sẽ đảm bảo phần còn lại. Phe Cộng hòa đang chiếm thế đa số tại Hạ viện, nhưng chênh lệch chỉ vài ghế.
Ngày 15/4, ông Johnson thông báo sẽ trình ba dự luật riêng biệt về viện trợ cho Ukraine, Israel và Ấn Độ – Thái Bình Dương, tổng giá trị tương đương dự luật của Thượng viện, ra bỏ phiếu tại Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện hiểu phe cực hữu sẽ lập tức kích hoạt quy trình phế truất nếu ông không đề cập yêu cầu của họ về an ninh biên giới.
Johnson ngày 16/4 ngồi trong văn phòng, các hạ nghị sĩ liên tục đến gặp ông để phàn nàn hoặc đưa ra các yêu cầu. Đêm cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện vẫn chưa tìm được phương án. “Ông ấy giằng xé giữa giữ ghế và làm điều đúng đắn”, ông McCaul, ở cùng ông Johnson tối 16/4, nói. “Ông ấy đã cầu nguyện”.
Chủ tịch Hạ viện ngày 17/4 tin chắc ông đang đi đúng hướng khi tiến hành bỏ phiếu về dự luật viện trợ nước ngoài. Đỉnh điểm của căng thẳng là cảnh các phe trong đảng Cộng hòa công kích lẫn nhau ngay tại Hạ viện.
“Biến đi, tên lùn”, nghị sĩ Derrick Van Orden nói với Matt Gaetz khi nghị sĩ Cộng hòa này tìm cách cản trở kế hoạch của ông Johnson. Gaetz chính là người từng kích hoạt quy trình phế truất, khiến ông McCarthy mất chức.
“Triết lý của tôi là làm điều đúng đắn, bất chấp tương lai ra sao. Nếu lo sợ bị phế truất, tôi sẽ không bao giờ có thể đảm đương được công việc của mình. Lịch sử sẽ phán xét những gì chúng ta làm”, ông Johnson tuyên bố. “Tôi có thể ra quyết định ích kỷ, làm khác đi, nhưng tôi tin mình đang làm điều đúng đắn. Tôi cho rằng viện trợ cho Ukraine lúc này là điều vô cùng quan trọng”.
4 dự luật do ông Johnson đề xuất đều đã về đích ngày 20/4.
Ngoài viện trợ Ukraine, Hạ viện còn thông qua viện trợ 26,38 tỷ USD cho Israel, 8,12 tỷ USD cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và dự luật thứ tư cho phép bán tài sản của các tài phiệt Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine, buộc công ty ByteDance của Trung Quốc phải bán nền tảng TikTok hoặc bị cấm ở Mỹ và tăng trừng phạt Nga, Trung Quốc, Iran.
“Tôi biết có người chỉ trích dự luật. Đây chưa phải một dự luật hoàn hảo. Chúng ta không thể đảm bảo điều đó khi chính phủ còn chia rẽ, nhiều ý kiến khác nhau”, Johnson nói ngày 20/4. “Nhưng chắc chắn là dự luật tại Hạ viện đã có những chỉnh sửa tốt hơn so với phiên bản của Thượng viện”.
Dù vậy, động thái vẫn khiến phe Cộng hòa cực hữu phẫn nộ. Hạ nghị sĩ bang Georgie Marjorie Taylor Greene, người đã trình kiến nghị phế truất ông Johnson từ cuối tháng 3 nhưng chưa kích hoạt yêu cầu Hạ viện bỏ phiếu, tin rằng sẽ có thêm nghị sĩ ủng hộ nỗ lực của bà.
“Đây là lần thứ ba Johnson phản bội”, bà Greene nói, nhắc đến việc Hạ viện thông qua dự luật ngân sách chính phủ và gia hạn đạo luật giám sát FISA. “Thật không thể tin được. Một gói chi tiêu cho chiến sự bên ngoài mà không giúp ích gì cho Mỹ ư? Tôi thấy biết ơn bởi nước Mỹ bắt đầu nhận ra ông ấy là người thế nào”.
Nhiều hạ nghị sĩ Dân chủ đã tuyên bố sẵn sàng bảo vệ ông Johnson trước nguy cơ bị phế truất. Ngay cả khi không bị mất ghế, một số nghị sĩ Cộng hòa cảnh báo Johnson cũng khó giữ vị trí này nếu ông được phe Dân chủ ủng hộ.
“Có sự đồng thuận rằng ông ấy sẽ không là Chủ tịch Hạ viện tại quốc hội khóa tiếp theo”, hạ nghị sĩ bang Ohio Warren Davidson, thành viên nhóm Freedom Caucus, gồm hơn 30 nghị sĩ Cộng hòa theo đường lối cứng rắn, nói.
Như Tâm (Theo CNN, Washington Post)