Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư (Chỉ thị 05) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Tỉnh ủy quyết liệt chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động để phát triển kinh tế – xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ đối với công tác giảm nghèo bền vững. Từng bước nâng cao đời sống nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nông thôn mới nâng cao xã Hải Quang (Hải Hậu). |
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững theo tinh thần Chỉ thị 05, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề – được xem là các khâu “đột phá” trong công tác lãnh đạo như: Nghị quyết số 04-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05-NQ/TU về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; xác định đây là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.
Nam Định được Trung ương đánh giá là tỉnh trong tốp dẫn đầu toàn quốc về hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh từ 1,74% (cuối năm 2021) giảm xuống còn 1,32% (cuối năm 2022); dự kiến đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm 0,6%. Để đạt kết quả trên, căn cứ điều kiện địa phương, tỉnh chỉ đạo linh hoạt lồng ghép các nguồn lực triển khai đồng bộ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình MTQG xây dựng NTM. Thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo lồng ghép với các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo với các chính sách phát triển kinh tế – xã hội và giảm nghèo của tỉnh ban hành. Thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội lồng ghép trong các nội dung xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để phát huy hiệu quả của các hoạt động đầu tư phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 188/204 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao và 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt mục tiêu Nghị quyết 06-NQ/TU). Tổng vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ tháng 7-2021 đến 31-5-2023 trên địa bàn tỉnh đạt trên 18 nghìn tỷ đồng.
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn những năm qua đã góp phần quan trọng tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân ở nông thôn. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 134,7 triệu đồng và đất nuôi trồng thủy sản đạt 412,5 triệu đồng. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm trồng trọt; nông nghiệp chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Công nghiệp chế biến nông sản có bước phát triển mới, có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại… góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đạt 71,6%. Thu nhập thực tế bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt khoảng 70 triệu đồng.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế vùng ven biển; đến nay vùng kinh tế biển của tỉnh đang được hình thành với không gian phát triển mới; hàng năm đóng góp trên 26% tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tỉnh. Công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được quan tâm, ngày càng hoàn thiện. Tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2023; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng); CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy); CCN làng nghề Hải Vân (Hải Hậu); CCN Giao Thiện (Giao Thủy),… Thu hút các dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân để phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của vùng kinh tế ven biển, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Từ năm 2021 đến hết tháng 5-2023, đã có 21 dự án được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn khoảng 100.092 tỷ đồng và gần 17 triệu USD (bao gồm 17 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án đầu tư nước ngoài) đầu tư vào 3 huyện ven biển; trong đó có những dự án có vốn đầu tư “kỷ lục” như dự án Nhà máy thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định với tổng vốn đầu tư 88 nghìn tỷ đồng; Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng với tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng; Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định tại huyện Nghĩa Hưng với tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh công tác vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững; phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là vận động quyên góp xây dựng “Quỹ vì người nghèo” tạo nguồn lực vật chất để cùng với Nhà nước thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững. Đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp tích cực với các tổ chức đoàn thể đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người nghèo, hộ khó khăn ở các địa phương để đầu tư phát triển sinh kế, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. Phát động các phong trào xã hội, từ thiện để hỗ trợ giảm khó khăn cho các hoàn cảnh đặc biệt, không có khả năng lao động, làm kinh tế. Trong hơn hai năm qua đã có hàng trăm tỷ đồng được MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị huy động, quyên góp tặng người nghèo, đặc biệt trong các dịp lễ, tết, vừa giúp chia sẻ khó khăn, vừa động viên các gia đình, thể hiện đạo lý truyền thống của dân tộc đùm bọc “tương thân tương ái”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Phát huy kết quả đã đạt được, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn hộ nghèo (trừ những hộ nghèo không có khả năng lao động). Đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đáp ứng nhu cầu vay vốn đối với 100% các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. 100% hộ nghèo có nhu cầu và có sức lao động đều được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Để thực hiện mục tiêu trên, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05 của Ban Bí thư gắn với thực hiện nghiêm Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực về con người, để xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững, tạo nhiều cơ hội, sinh kế cho mọi người dân tự vươn lên thoát nghèo, hướng tới làm giàu, chống tái nghèo./.
Bài và ảnh: Việt Thắng