Thực trạng này đang báo động tại nhiều địa phương và mới đây, với gần 50 cuộc thi trong năm 2023, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phải ra văn bản yêu cầu cắt giảm tối đa.
Liên tiếp thông báo về các cuộc thi trên website của Trường tiểu học Gia Thượng (Hà Nội)
Ồ ẠT VÔ SỐ CUỘC THI QUỐC TẾ
Phụ huynh Trường tiểu học Gia Thượng (Q.Long Biên, Hà Nội) phàn nàn vì có quá nhiều cuộc thi được nhà trường và giáo viên chủ nhiệm thông tin tới phụ huynh để đăng ký cho con tham gia. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trường này dành hẳn một mục nổi bật trên trang chủ website của nhà trường, liên tục giới thiệu, dẫn link đăng ký cho hàng chục cuộc thi khác nhau.
Theo giới thiệu của Trường tiểu học Gia Thượng, năm 2023 vừa qua, riêng tiếng Anh đã có cả chục cuộc thi như: kỳ thi Olympic đánh vần tiếng Anh quốc tế mùa đông năm 2023; kỳ thi Olympic Anh ngữ quốc tế Teeneagle 2023; thi trải nghiệm cuộc thi tiếng Anh quốc tế TOEFL Challenge; Em học giỏi tiếng Anh lần thứ 9; thi Olympic tiếng Anh toàn cầu KGL contest; Olympic tiếng Anh quốc tế CEO; cuộc thi Em học giỏi tiếng Anh (BME); cuộc thi tiếng Anh quốc tế Kangaroo…
Các cuộc thi toán, khoa học cũng nhiều không kém như: Olympic toán học thế giới Pangea; thi toán quốc tế TIMO; Olympic toán học quốc tế HKIMO; kỳ thi Khoa học quốc tế Kangaroo IKSC; Olympic khoa học máy tính Đông Nam Á SEACSO; Olympic khoa học quốc tế HKISO; Olympic tin học quốc tế HKICO; cuộc thi Tài năng tin học quốc tế TP.Hà Nội; Olympic khoa học quốc tế CSO; Olympic toán học quốc tế Big Bay Bei (BBB)… Ngoài ra còn hàng loạt cuộc thi nghệ thuật, thể thao được trường này thông báo, mở đăng ký đến học sinh (HS).
LỆ PHÍ TỪ VÀI TRĂM NGHÌN ĐẾN VÀI CHỤC TRIỆU ĐỒNG
Rất nhiều cuộc thi thu phí hàng trăm nghìn đồng ngay từ vòng đầu tiên. Đơn cử cuộc thi Olympic Anh ngữ quốc tế Teeneagle, vòng trực tuyến là 20 bảng Anh/thí sinh (khoảng 560.000 đồng/thí sinh); vòng trực tiếp dự kiến khoảng 1.200 – 1.400 bảng Anh/thí sinh (khoảng 34,68 – 40,46 triệu đồng/thí sinh). Cuộc thi Olympic đọc sách quốc tế mùa đông GRO 2023 dù được quảng bá là nhằm mục đích “phát triển thói quen đọc sách, nâng cao kiến thức…” nhưng lại có mức lệ phí dự thi lên tới 500.000 đồng/thí sinh. “Ban tổ chức khuyến khích các thí sinh đăng ký theo đơn vị trường”, thông báo của kỳ thi này lưu ý.
Trong công bố về thành tích tập thể, cá nhân năm học 2022 – 2023, trường này dành hẳn một mục quan trọng để vinh danh thành tích của HS trong các cuộc thi, sân chơi trí tuệ, liệt kê số huy chương mà cá nhân, tập thể đạt được như một hình thức khuyến khích tham gia.
Thực tế cho thấy đang có sự lập lờ về các kỳ thi quốc tế. Nhiều quận của Hà Nội mang danh nghĩa đưa HS đi thi quốc tế có huy chương về tuyên dương lấy thành tích của phòng, của trường nhưng kinh phí do phụ huynh bỏ ra.
Để dẫn dụ HS, nhiều cuộc thi quốc tế có chung chiêu thức, đó là những vòng thi đầu miễn phí và hầu hết HS đều nhận được “chúc mừng” đã “xuất sắc” lọt vào vòng trong. Tuy nhiên, càng vào vòng trong thì lệ phí càng cao, lên tới hàng trăm nghìn đồng, rồi hàng triệu đồng, rồi hàng nghìn USD nếu HS đi thi quốc tế.
Không ít bố mẹ có tâm lý cho con đi thi cho biết. Tuy nhiên, khi con đoạt huy chương, họ lại móc hầu bao cho con ôn luyện và thi tiếp. Như vậy là để đạt được một tấm huy chương, số tiền họ phải bỏ ra không hề nhỏ; khi con đoạt huy chương, khoe rầm rộ trên mạng xã hội dù không biết giá trị của các tấm huy chương mang tầm quốc tế đến đâu. Không ít giáo viên cũng là “tuyên truyền viên” cho các cuộc thi, vận động HS tham gia thi, cùng với đó là mở lớp luyện thi, bán tài liệu luyện thi…
UBND TỈNH CHỈ ĐẠO CẮT GIẢM TỐI ĐA
Tại Hà Nội, tính riêng trong năm học 2016 – 2017, ở phạm vi cấp sở và bộ đã có 8 cuộc thi Olympic dành cho HS tiểu học; 19 cuộc thi Olympic dành cho HS THCS và THPT, trong đó có 8 cuộc thi Olympic về trí tuệ; 5 cuộc thi Olympic về khoa học kỹ thuật; 6 cuộc thi Olympic về văn nghệ, thể thao, mỹ thuật. Chỉ riêng môn toán, tiếng Anh có tới hàng chục cuộc thi mỗi môn dành cho các cấp học.
Thực trạng này khiến Bộ GD-ĐT đã ra văn bản yêu cầu chấn chỉnh, cắt giảm các cuộc thi, đồng thời bỏ quy định cộng điểm tuyển sinh đầu cấp với HS đoạt giải ở các cuộc thi này. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có vẻ như sau một thời gian “tạm lắng”, các cuộc thi lại đang ồ ạt tràn vào nhà trường.
Theo thống kê mới nhất của Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc, có tới 48 cuộc thi dành cho HS diễn ra năm 2023. Trong đó, có 5 cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức, 7 cuộc thi cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức; 36 cuộc thi còn lại do các bộ, sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể của T.Ư và địa phương phát động, triển khai đến HS phổ thông của Vĩnh Phúc, chiếm tỷ lệ 75% tổng số cuộc thi được tổ chức. Đó là chưa kể nhiều cuộc thi trên mạng dành cho HS tham gia với tinh thần tự nguyện.
Trước thực trạng này, Sở GD-ĐT đã phải trình UBND tỉnh Vĩnh Phúc và được lãnh đạo tỉnh này ra văn bản đồng ý với đề nghị của Sở GD-ĐT: “Cắt giảm tối đa các cuộc thi để HS có thời gian được vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí, thể thao lành mạnh, giảm căng thẳng sau những giờ học, tăng cường sự giao tiếp, gắn kết với bạn bè, gia đình, giảm áp lực trong vấn đề thi cử”. “Ngoài các cuộc thi theo chương trình giáo dục của Bộ GD-ĐT, của HĐND, UBND tỉnh quy định, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố rà soát, giảm tối đa các cuộc thi đối với HS phổ thông trên địa bàn tỉnh; chỉ tổ chức các cuộc thi theo đúng quy định”, văn bản của UBND tỉnh Vĩnh Phúc nêu.
BỎ LỠ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN
Chia sẻ với Thanh Niên, PGS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục (Viện Khoa học giáo dục VN), cho hay hiện đang có quá nhiều cuộc thi quốc tế, thi tài năng để mọi HS đều có thể tham gia, dẫn đến có những HS lớp 5 đã tham dự hơn 10 cuộc thi; hay có những gia đình dành cả vài nghìn USD để đóng lệ phí cho con tham dự các cuộc thi. Theo bà Thơ, việc dành quá nhiều thời gian học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống là điều rất đáng tiếc cho người học nói riêng và quốc gia trong tương lai nói chung.
“Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở, những người tài không vì một cuộc thi mới bộc lộ, tài năng cần được phát hiện và tạo điều kiện rèn luyện lâu dài. Điểm số không phải thước đo việc học tập, quá trình học tập mới thể hiện đúng tư chất của người học. Các cuộc thi nên là một ngày hội để HS và các cơ sở giáo dục giao lưu, học hỏi lẫn nhau, qua đó khích lệ nhau phát triển. Và vì thế, cần tìm ra các cách để những điều đó được thực thi trong thực tế giáo dục, chứ không nên vì những lợi ích khác”, bà Thơ nói.
Bộ GD-ĐT nói gì ?
Tại cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn với nhà giáo mới đây, không ít ý kiến giáo viên bày tỏ sự lo ngại về thực trạng giáo viên và HS đang chịu áp lực bởi quá nhiều cuộc thi, trong đó không ít cuộc thi hình thức, bệnh thành tích, tốn kém, vất vả cho cả thầy và trò. Các nhà giáo đề nghị Bộ trưởng xem xét giảm tải các cuộc thi không cần thiết để giáo viên tập trung nhiều hơn cho chuyên môn dạy học.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết từ năm 2017, Bộ GD-ĐT đã có văn bản quy định danh mục các cuộc thi trong nhà trường. Còn lại, có nhiều cuộc thi do các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức; lãnh đạo địa phương, lãnh đạo nhà trường cần có sự lựa chọn phù hợp, làm sao tránh tổ chức quá nhiều, chồng chéo, hình thức, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính của giáo viên, HS. Riêng với danh mục các cuộc thi của Bộ quy định tại Công văn số 5814 có giảm nữa hay không, theo Bộ trưởng “cần hết sức cân nhắc”. “Để bỏ các cuộc thi cần có phân tích hữu ích hay không. Xu hướng là tinh gọn, giảm bớt cuộc thi nếu sau phân tích thấy thực sự có ít ý nghĩa, sự cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.