Sáng 15/4, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ xuất quân đưa các văn nghệ sĩ hành hương về nguồn trong chương trình “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên”. Đây là chương trình mở đầu cho chuỗi các hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/4/2024 (07 ngày) của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024).
Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” (thơ Tố Hữu), cùng với quân và dân ta, lực lượng văn nghệ sĩ đã hợp thành một binh chủng, đóng góp tích cực trong việc khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần chiến đấu quyết chiến, quyết thắng của các chiến sĩ ta trên mặt trận Điện Biên Phủ. 70 năm sau chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đó, văn nghệ sĩ cả nước lại có một chuyến hành hương đầy ý nghĩa về mảnh đất Điện Biên lịch sử.
“Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên” được tổ chức nhằm phát huy truyền thống anh hùng của quân và dân ta, thể hiện ý thức, tình cảm, trách nhiệm và tấm lòng của thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay, thể hiện sự gắn bó, đồng hành của văn nghệ sĩ với dân tộc, với Tổ quốc, với nhân dân. Qua cuộc hành hương về với Điện Biên, các văn nghệ sĩ sẽ được khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, được tiếp thêm ngọn lửa yêu nước và tinh thần cách mạng.
Phát biểu tại Lễ xuất quân, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, đây là chuyến công tác đặc biệt, vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa mang ý nghĩa nghệ thuật. Trong trái tim của mỗi văn nghệ sĩ luôn khắc ghi trong tim mình những hình ảnh của người chiến sĩ Điện Biên, cố gắng phấn đấu sáng tác những ca khúc, vần thơ, điệu múa, bức tranh,… để đóng góp cho vùng đất lịch sử, tiếp bước truyền thống của văn học nghệ thuật Việt Nam.
Cách đây tròn 10 năm, trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng đã tổ chức một cuộc hành hương về với Điện Biên, cuộc hành hương đó đã để lại nhiều kết quả tốt đẹp, chắp cánh cho nhiều tác phẩm mới trong nhiều loại hình văn học nghệ thuật.
Chính vì vậy, trở lại với Điện Biên lần này, theo PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, đó không chỉ là nguyện vọng, là nhiệm vụ riêng của văn nghệ sĩ mà còn thể hiện tinh thần hướng về Điện Biên của nhân dân cả nước trong dịp kỷ niệm đặc biệt này.
Tôi hy vọng trong chuyến hành hương này, các văn nghệ sĩ chúng ta sẽ mang đến Điện Biên tinh thần, cảm xúc, sự tự hào, và các tác phẩm chúng ta để lại với Điện Biên sẽ là những dấu ấn đặc biệt, khó phai mờ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh.
Đoàn hành hương về nguồn trong chương trình “Qua miền Tây Bắc – Về với Điện Biên” gồm các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, nhà báo kỳ cựu, cùng các ca sĩ trẻ tự nguyện tham gia chương trình.
NSND Thế Hiển chia sẻ: Là một người nghệ sĩ từ Thành phố Hồ Chí Minh được chọn tham gia đoàn hành hương về với Điện Biên trong dịp đặc biệt này, kể từ khi nhận được tin, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và vinh dự, cùng với sự phấn khởi và hào hứng tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm để đến với Điện Biên, phải có những ca khúc viết về Điện Biên 70 năm lịch sử.
Sau Lễ xuất quân, đoàn văn nghệ sĩ đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà của Đại tướng trên phố Hoàng Diệu trước khi lên đường hành hương qua miền Tây Bắc, về với Điện Biên lịch sử.
Trong cuộc hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – về với Điện Biên”, đoàn văn nghệ sĩ sẽ đi dọc Quốc lộ 6 – con đường huyết mạch dẫn lên vùng kháng chiến Tây Bắc năm xưa. Tại mỗi tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, đoàn văn nghệ sĩ sẽ dừng chân giao lưu văn nghệ với các văn nghệ sĩ và nhân dân địa phương.
Một số hình ảnh sau buổi Lễ xuất quân hành hương về nguồn “Qua miền Tây Bắc – về với Điện Biên”: