18 tuổi bỏ học vì không đủ điều kiện tốt nghiệp
Todd Rose (1974) sinh ra ở vùng nông thôn bang Utah (Mỹ). Tuổi thơ anh không bị gò bó, nhưng vì hiếu động nên thầy cô đánh giá là học sinh hay gây rối và nghịch ngợm.
Todd được bác sĩ chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, nên quá trình học gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các môn của anh đều bị điểm F. Điều này làm ảnh hưởng thi đua của lớp, nên Todd không được thầy cô đánh giá cao, bạn bè thì cô lập. Tuy nhiên, Todd luôn quan niệm cuộc sống quan trọng hơn điểm số.
Có lần, anh bị bạn bè bắt nạt nhưng không ai bênh. Trường học là nơi tồi tệ nhất trong ký ức của Todd, vì mang đến cảm giác chán nản, sợ hãi và thậm chí tuyệt vọng. Anh may mắn vì bố mẹ luôn đồng hành và hiểu những điều bản thân làm. Mỗi lần giáo viên gọi điện, mẹ anh thường nghe phản ánh Todd điểm kém hoặc gây rối ở trường.
Khi đó bà chỉ nói: “Việc con bị điểm thấp, tôi nghĩ không phản ánh được điều gì. Nhưng tôi hy vọng con học được cách yêu bản thân hơn”. Bởi bà cho rằng, quá trình trưởng thành con cần có trải nghiệm, nên sẽ mắc sai lầm. Do đó, việc tức giận hay la mắng con là điều vô ích.
Được sự động viên của mẹ, một lần Todd thức khuya 3 đêm làm thơ để hoàn thành bài tập về nhà chủ đề sáng tác. Tuy nhiên, vì bị gắn mác học sinh kém nên giáo viên thẳng tay chấm điểm F và cho rằng: “Todd không viết được bài thơ hay như vậy, đây là sản phẩm sao chép”.
Biết tin, mẹ anh mang những bản nháp đến trường chứng minh với giáo viên bài thơ do Todd viết. Vụ việc này khiến anh nhận ra nỗ lực của bản thân được đền đáp bằng sự nghi ngờ. Dù cố gắng nhưng Tood cũng không được thầy cô tin tưởng.
Ở tuổi 18, Todd nhận được thông báo không đủ điều kiện tốt nghiệp vì điểm GPA thấp 0.9/4.0. Đồng thời, do không thể chịu được áp lực ở trường, Todd quyết định nghỉ học. Để có tiền trang trải cho cuộc sống, anh phải làm tại cửa hàng tạp hóa với mức thu nhập 4,25 USD/giờ (106.000 đồng).
Không ngăn cản việc con trai nghỉ học, lúc này mẹ anh vẫn tin rằng tiềm năng của con trai vô hạn. Hy vọng anh tìm ra con đường riêng cho bản thân. Còn bố anh tin tưởng con có thể tạo ra bước đột phá trong một lĩnh vực.
Trở thành giáo sư đại học top 1 thế giới
Với sự động viên của gia đình cùng niềm tin vào sức mạnh giáo dục trong việc thay đổi cuộc sống và hoàn cảnh, Todd lấy được bằng GED (General education development – chứng chỉ tương đương bằng trung học ở Mỹ). Sau đó, anh đăng ký vào trường cao đẳng cộng đồng điểm đầu vào thấp. Đêm đi học, ngày anh tranh thủ bán hàng thuê để có chi phí sinh hoạt.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, tốt nghiệp cao đẳng anh nhận được thông báo trúng tuyển vào Đại học Weber State (Ogden, bang Utah – Mỹ). Hết năm nhất, các môn của Todd đều đạt điểm A nên nhận được học bổng.
Mặc dù, nền tảng kiến thức không tốt nhưng Todd đam mê nghiên cứu về giáo dục. Về sau, anh còn nhận được học bổng tiến sĩ của Đại học Harvard. Tuổi thơ có thể không may mắn khi ở trường, nhưng quá trình anh trưởng thành có sự động viên và công nhận của gia đình. Điều này, góp phần giúp Todd không ngừng cố gắng.
Nói về những khó khăn của Todd, mẹ anh cho biết: “Tôi luôn tin tưởng con nên không bao giờ trách mắng. Bởi khi bị tụt lại phía sau con đã quá mệt mỏi. Lúc này, con cần biết bản thân được bố mẹ yêu thương và sẽ an toàn trong ngôi nhà của mình”.
Hiện tại, Todd là giáo sư Đại học Harvard. Nhìn lại quá trình bản thân trưởng thành, anh xúc động nói: “Nếu không có sự bao dung của bố mẹ, có lẽ tôi sẽ tiếp tục gây rắc rối trong cuộc sống. Tôi không bao giờ có ngày hôm nay”.
Xuất phát từ câu chuyện bản thân, Todd còn thành lập tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục Populace để giúp các bạn trẻ thay đổi cách học tập, làm việc và sống cuộc đời trọn vẹn. Anh luôn tin, ngay cả học sinh kém cũng có thể trở thành người giỏi. Quan niệm bắt nguồn từ sự đồng cảm của anh với những học sinh kém. Điều này, trong quá khứ từng khiến Todd tự ti vì kém hơn bạn bè.
Với anh, trẻ xứng đáng được học trong hệ thống giáo dục công cộng. “Thay vì hạn chế hay cố định trẻ trong khuôn khổ, chúng ta nên tìm hiểu và phát triển tiềm năng của chúng. Nhiều người so sánh trẻ với hoa, nhưng quên rằng các loài hoa sẽ có thời kỳ ra hoa khác nhau.
Những đứa trẻ chậm cần được thừa nhận và thấu hiểu nhiều hơn. Gia đình và nhà trường, nên kiên nhẫn, yêu thương đồng thời dừng lại sự thúc giục để chờ ‘hoa nở’. Đây là món quà ý nghĩa nhất với trẻ”, Todd chia sẻ ý nghĩa việc thành lập tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục.