Ngày 15.1, UBND TP Cần Thơ báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của HĐND TP về Trung tâm văn hóa Tây Đô.
Theo đó, ngày 17.4.2004, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 15 về chủ trương đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Nam bộ, TP Cần Thơ. Năm 2005, HĐND TP Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 33 về việc đổi tên và điều chỉnh quy mô diện tích xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Nam bộ thành Trung tâm Văn hóa Tây Đô, tổng diện tích là 172,81 ha.
UBND TP Cần Thơ đã thực hiện phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Trung tâm Văn hóa Tây Đô thuộc khu đô thị Nam Cần Thơ. Cùng với đó, thành phố thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư diện tích 43,37/116 ha.
Khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô giai đoạn 1 (44,76 ha) đã thực hiện phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Dự án cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Còn với khu tái định cư Trung tâm Văn hóa Tây Đô giai đoạn 2 (12,05 ha), UBND TP đã điều chuyển dự án sang khu đô thị mới và đã có nhà đầu tư.
Theo đánh giá của UBND TP Cần Thơ, việc triển khai thực hiện các nghị quyết chậm và chỉ đạt được kết quả rất hạn chế. Tính từ khi có Nghị quyết 15 đến nay, đã gần 20 năm nhưng vẫn chưa xây dựng, trong khi thời hạn hoàn thành là năm 2017.
Về nguyên nhân chậm trễ, UBND TP Cần Thơ cho rằng, hiện nay, vấn đề khó khăn nhất là không còn tiền để thực hiện giải phóng mặt bằng.
Diện tích ban đầu của Trung tâm Văn hóa Tây Đô là 116 ha, dự kiến giảm xuống còn 69 ha. Giai đoạn 1 thực hiện hơn 43 ha, tổng chi phí giải phóng mặt bằng gần 2.000 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường là hơn 800 tỉ đồng, chi phí hạ tầng (điện nước, đường, viễn thông…) khoảng 1.000 tỉ đồng.
Đồng thời, chi phí giai đoạn 2 cũng khoảng 2.000 tỉ đồng nữa. Như vậy, để có mặt bằng và hạ tầng của 69 ha thì cần khoảng 4.000 tỉ đồng, chưa bao gồm xây dựng công trình.
Ông Phạm Văn Hiểu – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ – nhận định, cần bãi bỏ hai nghị quyết này do đã lạc hậu. Về nội dung cụ thể, đề nghị rà lại tính pháp lý quá trình thay đổi chủ trương về Trung tâm Văn hóa Tây Đô từ năm 2004 đến nay, xem lại các dự án còn lại và diện tích tương ứng.
Bên cạnh đó, ông Hiểu lưu ý dự án nào sẽ làm thì tiếp tục đề xuất chủ trương đầu tư, nếu là dự án dùng ngân sách thì tính toán xem sẽ lấy từ nguồn nào, còn nếu kêu gọi xã hội hóa thì phải rà lại, tính toán cụ thể.
Đối với dự thảo nghị quyết mới, ông Hiểu cho hay, ngoài bãi bỏ hai nghị quyết nêu trên thì nội dung chỉ nên quy định những dự án nào đã triển khai thì tiếp tục. Cùng với đó, ông Hiểu cũng gợi ý một số nội dung để nghị quyết mới sẽ ban hành không gặp trở ngại trong quá trình thực hiện các dự án.