Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, cả nước nhập khẩu 292,836 tấn khí đốt hóa lỏng (khí gas), tương đương gần 183,44 triệu USD, giá trung bình 626,4 USD/tấn, tăng 7,26% về lượng, tăng 8,09% về kim ngạch và tăng 0,77% về giá so với tháng 5/2024.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu trên 1,56 triệu tấn khí đốt hóa lỏng, trị giá gần 1,01 tỷ USD, giá trung bình đạt 644,75 USD/tấn, tăng 35,84% về lượng và tăng 34,25% kim ngạch nhưng giảm 1,17% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Qatar hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường này đã cung cấp 321,903 tấn khí đốt hóa lỏng cho Việt Nam, tương đương gần 193,13 triệu USD, trị giá đạt 599,96 USD/tấn, tăng mạnh 250,49% về lượng, tăng 214,09% về kim ngạch so với cùng kỳ, chiếm 20,6% trong tổng lượng và chiếm 19,17% trong tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.
Tháng 6/2024, nhập khẩu từ thị trường này đạt 44,200 tấn, tương đương gần 27,16 triệu USD, giá 614,42 USD/tấn, tăng 5,48% về lượng nhưng giảm 1,8% về kim ngạch so với tháng 5/2024 và giá giảm 6,91%; trong tháng 6/2023 nước ta không nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ thị trường này.
Malaysia là thị trường lớn thứ 2, với lượng nhập khẩu 241,683 tấn, tương đương gần 157,77 triệu USD, giá nhập khẩu 652,8 USD/tấn, tăng mạnh 311,91% về lượng, tăng 312,91% về kim ngạch và tăng nhẹ 0,24% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 15,47% trong tổng lượng và chiếm 15,66% trong tổng kim ngạch.
Việt Nam đã nhập khẩu 321,903 tấn khí đốt hóa lỏng từ thị trường Qatar, tương đương gần 193,13 triệu USD, trị giá đạt 599,96 USD/tấn |
Tiếp theo là thị trường Saudi Arabia đạt 187,428 tấn, trị giá gần 125,44 triệu USD, giá 669,26 USD/tấn, giảm 47,24% về lượng, giảm 44,8% về kim ngạch nhưng tăng 4,64% về giá so với 6 tháng đầu năm 2023, chiếm 12% trong tổng lượng và chiếm 12,45% tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.
Hiện nay, LPG ở Việt Nam được sử dụng chủ yếu cho dân dụng hoặc cho ngành công nghiệp (công nghiệp xử lý thực phẩm, làm giấy, hạt nhựa, chất nổ, chất làm lạnh…), các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG hiện còn thấp như sử dụng LPG trong công nghệ hóa dầu. Điều này dẫn đến quy mô hệ thống kho cảng LPG chủ yếu là kho cảng nhỏ, năng lực nhập hàng từ các tàu có trọng tải lớn còn hạn chế.
Về sản xuất LPG trong nước: Nhà máy GPP Dinh Cố và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với sản lượng khoảng 750.000 tấn/năm, chiếm khoảng 45% nhu cầu LPG của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, thực trạng nguồn cung khí nội địa đang suy giảm (còn 7 tỷ m3 vào năm 2025), nhu cầu ngày càng tăng cao lên đến hơn 20 tỷ m3 vào năm 2030. Vì vậy, nhập khẩu khí LNG là xu hướng tất yếu để phục vụ nhu cầu của thị trường. Theo đánh giá, sau gần 20 năm khai thác (từ năm 2018), các nguồn khí trong nước sẽ suy giảm dần, trong khi nguồn khí bổ sung từ các mỏ mới tại các khu vực có nguồn khí suy giảm không nhiều.
Dự kiến, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG trong nước, cơ sở hạ tầng tồn trữ của các kho LPG phải đạt quy mô khoảng 3,5 – 4 triệu tấn/năm vào năm 2025 và khoảng 4,5 – 5 triệu tấn/năm vào năm 2035, đảm bảo đáp ứng yêu cầu dự trữ tối thiểu đạt trên 15 ngày cung cấp.
Trong tháng 7, giá gas bán lẻ trong nước vẫn giữ ổn định như mức giá của tháng 6 theo diễn biến của giá gas thế giới. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 7/2024 tại thị trường Hà Nội là 445.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.782.000 đồng/bình công nghiệp 48 kg, không thay đổi so với giá tháng 6. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần tăng, 3 lần giảm giá và 1 lần không thay đổi.
Nguồn: https://congthuong.vn/qatar-la-thi-truong-nhap-khau-khi-dot-hoa-long-lon-nhat-cua-viet-nam-335138.html