Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải giảm sở hữu tại PVcomBank về mức 15% vốn điều lệ tới cuối 2025, theo đề án tái cơ cấu vừa được Chính phủ phê duyệt.
Theo đề án cơ cấu đến 2025 vừa được Phó thủ tướng Lê Minh Khái thừa ủy quyền Thủ tướng ký, ban hành, PVN vẫn là doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn sau tái cơ cấu.
Đến 2025, tập đoàn này phải thoái toàn bộ vốn tại các lĩnh vực, doanh nghiệp không thuộc ngành kinh doanh chính và tái cơ cấu để trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng hàng đầu khu vực.
Các lĩnh vực chính của “ông lớn” dầu khí, gồm phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; các nguồn năng lượng sạch, năng lượng mới như điện gió ngoài khơi, năng lượng biển…
“PVN cơ cấu lại để mạnh mẽ hơn, nhất là tham gia xây dựng các nhà máy điện tái tạo, góp phần phát triển ngành công nghiệp điện tái tạo quốc gia. Doanh thu tăng trưởng bình quân 3-6,5% một năm, tăng thu ngân sách mỗi năm khoảng 10%”, đề án nêu.
Ngoài ra, PVN phải xây dựng đề án riêng về cơ cấu lại phần vốn góp của tập đoàn này tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), trong đó đưa ra kế hoạch, lộ trình thoái vốn. Hiện tỷ lệ vốn của PVN tại ngân hàng này là 52% và Chính phủ yêu cầu giảm xuống 15% vào 2025.
PVcomBank thành lập năm 2013 trên cơ sở hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank).
Ngân hàng này hiện có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, tổng tài sản 200.000 tỷ đồng, với mạng lưới hàng trăm phòng giao dịch trên toàn quốc. Hai cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (tỷ lệ sở hữu 52%) và Morgan Stanley International Holdings Inc (7%), còn lại trên 41,3% do các tổ chức, cá nhân khác nắm giữ.
Cũng theo đề án, đến hết năm 2025, hầu hết doanh nghiệp thành viên thuộc tập đoàn này là công ty cổ phần, mô hình tinh gọn, tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả và có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương các nước trong khu vực.
Tập đoàn cũng phát triển một số doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh chính, như thăm dò khai thác dầu khí, lọc hóa dầu… Cùng đó, sáp nhập, hợp nhất, M&A một số đơn vị để tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh khi cơ cấu lại.
Về tài chính, PVN phải xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản theo hướng tăng quản trị dòng tiền, vốn bằng tiền đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng vốn.
Chính phủ lưu ý, tập đoàn này cần thường xuyên cập nhật tình hình cân đối dòng tiền, nguồn vốn trung và dài hạn để đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời, trong đó có khoản tiền PVN phát sinh theo nghĩa vụ bảo lãnh tương ứng phần vốn góp của tập đoàn tại Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
PVN phải quản lý chặt các khoản phải thu, đưa ra giải pháp thu hồi công nợ đến hạn và xử lý các khoản nợ, gồm công nợ cung cấp dịch vụ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng, PVN ghi nhận doanh thu 643.200 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch 9 tháng, bằng 95% kế hoạch năm. Nộp ngân sách ước đạt 102.400 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 42.500 tỷ đồng, vượt 22% kế hoạch năm.