Việc USD liên tục mạnh lên làm tăng thêm áp lực chi phí tài chính với dư nợ hiện hữu và dư nợ sắp phát sinh bằng USD để đầu tư Dự án Nhơn Trạch 3&4.
Kinh doanh gặp khó hậu niêm yết
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power, mã POW) sở hữu hàng loạt dự án nhiệt điện, thủy điện quy mô trên cả nước. Vì vậy, việc Công ty niêm yết trên sàn HoSE đầu năm 2019 thu hút sự quan tâm, cũng như kỳ vọng của nhà đầu tư, vì hoạt động trong ngành của Công ty tương đối ổn định, trong khi hàng rào gia nhập ngành khó vì chi phí vốn đầu tư dự án lớn.
Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết tới nay, kết quả kinh doanh của PV Power có dấu hiệu thụt lùi khi ghi nhận lợi nhuận đạt đỉnh 2.854,89 tỷ đồng trong năm 2019, sau đó liên tục giảm và đạt mức thấp kỷ lục trong năm 2023 (chỉ đạt 1.283 tỷ đồng). Quý I/2024, PV Power ước tổng doanh thu đạt 6.279 tỷ đồng, hoàn thành 19,8% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế 51 tỷ đồng, hoàn thành 5,1% kế hoạch năm 2024, giảm khoảng 92,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Thêm nữa, PV Power cũng giống các doanh nghiệp sản xuất điện khác, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó dòng tiền dẫn tới công nợ gia tăng khá mạnh. Trong đó, phải thu ngắn hạn của công ty mua bán điện năm 2021 là 5.263,9 tỷ đồng, năm 2022 là 9.689,6 tỷ đồng và năm 2023 lên tới 12.612,2 tỷ đồng.
Riêng năm 2023, PV Power còn bất ngờ tăng trích lập dự phòng đối với công ty mua bán điện từ 62,7 tỷ đồng, lên 481,4 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thuyết minh rằng, đây là khoản mục phải thu quá hạn thanh toán hoặc khó có khả năng thu hồi.
Việc EVN đang gặp khó dòng tiền đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tiến độ thanh toán và dòng tiền của các doanh nghiệp sản xuất điện. PV Power cũng không phải là ngoại lệ khi đơn vị này còn đang đẩy mạnh đầu tư các dự án lớn, nhu cầu vốn đầu tư cao trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, các đơn vị độc lập như các công ty chứng khoán đều có nhìn nhận tích cực đối với PV Power trong năm 2024. Trong đó, Công ty Chứng khoán BSC kỳ vọng, sản lượng tiêu thụ điện tăng, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhờ các nhà máy Vũng Áng 1, Cà Mau 2, Nhơn Trạch 2 không thực hiện đại tu trong năm 2024. Điều này giúp sản lượng của PV Power dự kiến tăng trưởng từ nền thấp trong năm 2023.
Áp lực nợ vay có gốc USD
Bên cạnh việc gặp khó dòng tiền từ công ty mua bán điện của EVN, PV Power cũng chịu áp lực tỷ giá khi gần đây USD liên tục mạnh lên so với các đồng tiền khác, tạo áp lực lên dư nợ hiện tại và các khoản dư nợ sắp phát sinh.
Tại thời điểm 31/12/2023, PV Power thuyết minh có tổng dư nợ bằng USD lên tới 2.543,73 tỷ đồng. Thêm nữa, trong năm 2024, PV Power tiếp tục triển khai đầu tư Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, dự án trụ sở làm việc của Tổng công ty, nghiên cứu xúc tiến và tham gia góp vốn các dự án điện khí LNG và năng lượng tái tạo, mua sắm trang thiết bị cho phát triển cơ sở hạ tầng… Tổng nhu cầu vốn ước tính 7.222 tỷ đồng, trong đó 1.998 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu, 5.225 tỷ đồng là vốn vay và nguồn vốn khác.
Tại Báo cáo cập nhập tình hình kinh doanh trong quý I/2024, PV Power cho biết, tiến độ triển khai Gói thầu EPC Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 ước đạt 83%, chậm 6% so với kế hoạch. Đối với nhu cầu vốn vay đầu tư dự án, Công ty đã thu xếp thành công nguồn vốn vay ECA không ràng buộc xuất xứ thiết bị 200 triệu USD tại Ngân hàng SMBC và khoản vay 4.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank. Theo thiết kế ban đầu, Dự án có tổng công suất 1.624 MW, tổng vốn đầu tư 32.486,9 tỷ đồng (30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay).
Với việc cả hai dự án trong trong quá trình xây dựng, chi phí lãi vay đang được vốn hóa vào dự án và chưa phải ghi nhận. Tuy nhiên, theo kế hoạch, cuối năm 2024 sẽ hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và cuối năm 2025 hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 4.
Điều này đồng nghĩa, áp lực chi phí tài chính, chi phí khấu hao giai đoạn đầu vận hành nhà máy sẽ tăng đáng kể trong các năm tới. Các chi phí này phải được hạch toán ngay lập tức, thay vì vốn hóa như giai đoạn xây dựng nhà máy, làm tăng áp lực chi phí khi USD vẫn mạnh lên.