Tại sao mà một vùng đất đẹp đến siêu lòng như này mà đến tận giờ vẫn ít người biết tới?
Người dân sống nơi đây chủ yếu là người Mường, người Thái và người Kinh. Ngoài thiên nhiên ưu ái ra thì Pù Luông còn có một nền văn hoá rất độc đáo, giống như Tây Bắc thì có nhảy sạp, hát khặp, những căn nhà sàn đặc trưng nằm lô nhô giữa thung lũng.
Có một bản làng làm nghề thổ cẩm rất hay mà mọi người có thể tìm hiểu là làng Lặn Ngoài, hầu như các hộ dân sống ở đây đều là người Thái và đều làm nghề dệt thổ cẩm; mình còn được nghe một bà cụ trong làng hát khặp, mặc trên mình trang phục truyền thống của người Thái, với chiếc váy Thái, áo cóm bà đã hát ca khúc mà bà tự sáng tác.
Thường thì khách du lịch sẽ quan tâm đến mùa lúa ở Pù Luông, nơi đây cũng có những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, đẹp như một bức tranh. Một năm người dân sẽ trồng 2 vụ, vụ đầu sẽ ngả vàng vào tháng 5-6, vụ sau là tháng 9 tháng 10; các bạn nhớ check thật kỹ trước khi đi nếu có ý định ngắm lúa chín.
Thời điểm mình đến đây thì lúa đã gặt gần như là hết, nhưng không vì thế mà giảm đi vẻ đẹp của thiên nhiên; ngoài các dãy ruộng bậc thang ra thì các bạn có thể tham quan, khá phá một số địa điểm như: Thác Hiêu, Hang Dơi, Cọn nước ở xã Ban Công, lang thang ở Bản Đôn,..
Mình nhận thấy chất lượng dịch vụ ở Pù Luông cũng tương đối tốt, mình có trải nghiệm 2 nơi với 2 phong cách khác nhau. Đêm đầu ở Ciel De Pu Luong, một khu nghỉ nằm ẩn mình giữa thiên nhiên xanh mướt, chỉ mất vài phút là sẽ đến với Bản Đôn.
Một khu mình rất ấn tượng là Pu Luong Jungle Lodge, khu này view sẽ thoáng hơn, buổi sáng bạn có thể dậy sớm săn mây ngay tại đây mà không cần phải di chuyển đi đâu xa.