Startup công nghệ Phygital Labs, do hai cựu kỹ sư Google Huy Nguyễn và Nam Đỗ đồng sáng lập, đã chính thức ra mắt Việt Nam vào ngày 1-10, tại TPHCM. Theo ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập và điều hành Phygital Labs, giới trẻ hiện nay dành phần lớn thời gian trên không gian số, nhiều hình thái kinh tế xã hội bước vào khai thác không gian mạng, từng bước chạm vào những giá trị mới.
“Điều này không chỉ do thế giới thực đã đạt đến ngưỡng giới hạn, bão hòa, khó tạo ra được nhiều giá trị đột biến mà còn do tính sáng tạo, khát vọng khai phá của con người. Vật lý số sẽ là cánh cổng kết nối thế giới thực và thế giới số, là nơi hai thế giới hội tụ và tồn tại song song. Đây sẽ là một dòng doanh thu hoàn toàn mới, tái định hình những chuẩn mực truyền thống và kiến tạo nền kinh tế số đầy tiềm năng”, ông Huy Nguyễn nhận định.
Trong sự kiện, Phygital Labs đã giới thiệu sản phẩm lõi của công ty là Nomion – Định danh số vạn vật. Nomion là giải pháp toàn diện, tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification – Nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và Blockchain (công nghệ chuỗi khối), đảm bảo tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số.
Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội… tham dự lễ ra mắt công ty |
Từ đó có thể ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging – công nghệ quét và đo tia sáng hồng ngoại) và VR/AR (Thực tế ảo, thực tế tăng cường) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị và trở thành mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế số. Ở Việt Nam, vật lý số đã được ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực như: Thương hiệu thời trang số – Ortho Starlight; Nông sản đặc sản và OCOP – Cafe Le J’, The Ho Tieu; Bảo tàng số – Làng Đá Non Nước…
Ông Nam Đỗ, Giám đốc Công nghệ của Phygital Labs, cho rằng ở Việt Nam, vật lý số vẫn còn là khái niệm mới mẻ. Nhưng nếu áp dụng đúng cách vật lý số vào đời sống sẽ giúp nâng cao giá trị của vật phẩm trong cả thế giới số và thực, tự động hóa các quy trình và trải nghiệm người dùng, giảm thiểu công sức và chi phí lưu trữ, ghi nhận và tăng độ tin tưởng của người dùng nhờ vào tính chất minh bạch với độ xác thực cao. Ngoài lĩnh vực kinh tế số, các giải pháp về định danh vạn vật còn giúp lưu trữ, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc đến người dùng Internet khắp thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả.
Tại sự kiện, Phygital Labs cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) 3 bên gồm Hội Tin học Việt Nam, Sở TT-TT Thành phố Đà Nẵng, Phygital Labs về nội dung “Hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Phygital Labs cũng ký MOU với Trung tâm Thông tin UNESCO Việt Nam để xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá Việt”.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng chia sẻ: “Đà Nẵng đánh giá cao sự nhiệt tâm của các bạn trẻ, tác giả những giải pháp mà Phygital Labs đã đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng để có nền tảng Blockchain và đặt trong miền ứng dụng dự án số hóa Làng Đá Non Nước, các sản phẩm OCOP và tin rằng trong tương lai, bước tiếp theo sẽ tiếp tục được phát triển trong Chính phủ số và công dân số.
Phygital Labs ký MOU với Trung tâm Thông tin UNESCO Việt Nam để xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa Việt”. Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO (UNET), chia sẻ: “Chúng tôi chung sứ mệnh với Phygital Labs để giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống trong giai đoạn thế giới bước vào kỷ nguyên số, không gian số, thế giới số, đặc biệt là trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc”.
“Phygital Labs, với thế mạnh về năng lực công nghệ và con người, sẽ thiết kế giải pháp công nghệ phù hợp với các giá trị, hiện vật văn hóa do UNET đề xuất. Tôi hy vọng rằng, sự hợp tác cởi mở này sẽ sớm mang lại những thành tựu cho công cuộc bảo tồn và phát triển, quảng bá di sản, văn hóa Việt; từ đó đóng góp vào sự phát triển văn hóa, kinh tế – xã hội đất nước”, ông Nguyễn Hùng Sơn khẳng dịnh.
Thống kê của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), tính đến năm 2022, số lượng người dùng Internet trên thế giới là 5 tỷ người (chiếm 63% dân số) với thời gian online trung bình là 6 giờ 53 phút mỗi ngày. Sự gia tăng trong việc dùng smartphone cũng đóng góp vào sự phổ biến của công nghệ số.
Theo Bankmycell, tính đến năm 2022, số người dùng smartphone trên toàn cầu ít nhất là 5,32 tỷ người (chiếm 67% dân số), con số này dự kiến sẽ tăng đến 7,33 tỷ người vào năm 2025, trong đó người dùng các ứng dụng liên quan đến thực tế ảo và thực tế tăng cường hiện đã đạt đến 3,5 tỷ người.
Những con số kể trên cho thấy một sự dịch chuyển lớn của người dùng trên cả thế giới lẫn ở Việt Nam lên không gian số.
Tại toạ đàm, các đại biểu cùng chung nhận định, Phygital Labs sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy kinh tế số phát triển, từ sản phẩm văn hóa đến ứng dụng trong cơ quan nhà nước, người dân… và tinh thần triển khai công nghệ mới là đáng ghi nhận qua các ứng dụng thực tế từ đời sống.
Đây là một thị trường mang tiềm năng to lớn mà Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tiếp cận từ những ngày đầu tiên. Ước tính thị trường “thế giới số song song” (Digital Twin) sẽ đạt 35,8 tỷ USD vào năm 2025, còn thị trường của công nghệ AR, VR, kết nối thế giới thực và số sẽ đạt giá trị 266,2 tỷ USD chỉ tính trong giai đoạn 2021-2024.