Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ văn hóa có ý nghĩa vô cùng to lớn và giữ vị trí đặc biệt quan trọng. Văn hóa là động lực của sự phát triển KT-XH; ảnh hưởng đến sự trường tồn của doanh nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp có dấu ấn khai sáng của văn hóa.
Thời gian qua, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng xây dựng văn hóa tại đơn vị. Đây được xem là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa.
Vai trò to lớn của văn hóa
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa không chỉ là kết quả mà còn là yếu tố tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp. Phải đặt phát triển văn hóa ngang tầm và hài hòa với phát triển kinh tế. Làm tốt được yêu cầu này sẽ tạo được vị thế của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu đối với xã hội và hội nhập nhanh hơn với quốc tế.
Phú Yên hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Theo các doanh nghiệp, văn hóa của một doanh nghiệp không chỉ thể hiện ở trách nhiệm xã hội mà còn là trách nhiệm với chính sản phẩm mình làm ra. Doanh nghiệp cần chăm chút cho sản phẩm của mình để xây dựng thương hiệu vững mạnh. Hằng năm, Hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Yên tổ chức các hội thảo về phương pháp xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp phải tự đổi mới phương pháp quản lý, điều hành thông qua công nghệ. Chính các doanh nghiệp cũng phải cải cách hành chính, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến với Nhà nước. Khi doanh nghiệp đã xây dựng thành công văn hóa tại đơn vị mình thì đây sẽ là kim chỉ nam của mọi thành công.
Một doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa khi doanh nghiệp đó hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa tại doanh nghiệp; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thời gian qua, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp luôn được ban lãnh đạo ngân hàng chú trọng. Ban lãnh đạo ngân hàng đã ban hành “Sổ tay văn hóa Vietcombank”, giá trị cốt lõi của văn hóa Vietcombank được khái quát thành “Tin – Chuẩn – Mới – Bền – Nhân”. Đây là điểm khác biệt, niềm tự hào và là nhân tố quan trọng gắn kết, góp phần xây dựng thương hiệu Vietcombank phát triển bền vững, đạt được nhiều thành tựu như hôm nay.
Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển bền vững, Vietcombank luôn lấy mục tiêu phát triển bền vững làm phương châm hành động, quan tâm đến lợi ích dài hạn, tăng trưởng đi kèm với an toàn, hiệu quả, đặt nền móng cho bước nhảy vọt trong tương lai. 10 năm gần đây ghi nhận những dấu ấn ngoạn mục khi Vietcombank liên tục tăng trưởng quy mô ấn tượng và đạt hiệu quả cao nhất trong ngành Ngân hàng. Nhiều năm liền, ngân hàng luôn nằm trong top đầu các doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc; cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng.
Và trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng. Trong thời kỳ hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu thì cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế.
Nhân viên Vietcombank Phú Yên hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử. Ảnh: VIỆT AN |
Để thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân gắn với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc sẽ tạo cho doanh nghiệp nền tảng để phát triển bền vững, góp phần đẩy lùi tiêu cực trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là hệ giá trị của doanh nghiệp. Trên thế giới có rất nhiều doanh nghiệp thành công nhờ phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ban hành Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, làm căn cứ cho việc xét công nhận Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh. Việc tôn vinh và biểu dương các doanh nghiệp đã thực hiện tốt văn hóa kinh doanh sẽ khích lệ, động viên doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Ở Phú Yên, nhiều doanh nghiệp, trong đó có Vietcombank chi nhánh Phú Yên đã chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và đã khẳng định được bản sắc cũng như thương hiệu của mình.
Để thực hiện văn hóa doanh nghiệp tốt hơn nữa, trong thời gian tới, cấp ủy đảng, ban giám đốc các doanh nghiệp cần bám sát Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, rà soát, bổ sung quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các chuẩn mực hành vi ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động vào các quy chế, quy định của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, chất lượng của đội ngũ nhân sự. Xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp thật sự dân chủ, nhân văn, đoàn kết, đẩy lùi tình trạng bè phái, mất đoàn kết nội bộ.
Sự nêu gương của cấp ủy đảng, ban giám đốc, cán bộ chủ chốt doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp là tấm gương phản chiếu rõ nét, phản ánh chân thật nhất để cán bộ, đảng viên, người lao động noi theo một cách nghiêm túc.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần thường xuyên tổ chức các chương trình truyền thông về văn hóa doanh nghiệp thông qua các buổi họp của lãnh đạo chủ chốt, phòng ban, toàn thể nhân viên; công tác an sinh xã hội của doanh nghiệp trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, qua đó giúp mỗi cán bộ, đảng viên và người lao động ý thức rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, góp phần quảng bá hình ảnh thương hiệu đơn vị. Nghiêm túc tiếp thu, lắng nghe, cầu thị và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời đối với các phản ánh, phàn nàn của khách hàng, đối tác về phong cách, thái độ phục vụ, phát ngôn trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, đảng viên, người lao động doanh nghiệp.
Cùng với đó là cấp ủy đảng, ban giám đốc doanh nghiệp cần lãnh đạo, chỉ đạo giao lưu, học hỏi, chọn lọc, vận dụng sáng tạo những cách làm hay trong thực hiện văn hóa doanh nghiệp; có cơ chế tạo động lực, động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến về những giải pháp, cách làm hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp tại phòng, ban, đơn vị mình. Có các hình thức tuyên dương, khen thưởng kịp thời về mặt vật chất, tinh thần đối với các cá nhân, tập thể phòng, ban có thành tích xuất sắc trong triển khai và thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp, qua đó góp phần lan tỏa, đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, đơn vị trong thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, phải xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện văn hóa doanh nghiệp của các cấp ủy đảng, ban giám đốc, công đoàn, chi đoàn thanh niên trong doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hằng năm đối với các tổ chức này.
Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực để doanh nghiệp phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp luôn khẳng định vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Phú Yên nói riêng. |
PHẠM NGỌC QUÝ – HUỲNH THANH NHÃ
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/322804/xay-dung-van-hoa-doanh-nghiep–kim-chi-nam-dua-doanh-nghiep-phat-trien.html