Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phát triển du lịch cộng đồng cho người dân ở các làng nghề và doanh nghiệp có xu hướng phát triển du lịch cộng đồng, Sở VHTT&DL vừa tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về phát triển loại hình du lịch này. Lớp do ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á làm báo cáo viên.
Dịp này, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) đã khảo sát một số làng nghề, làng nông nghiệp, làng văn hóa du lịch có nhiều tiềm năng, đã và đang phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hải Quỳnh xung quanh nội dung này.
Ông Phạm Hải Quỳnh |
* Thưa ông, có thể nói Phú Yên là địa phương có nhiều tài nguyên phù hợp phát triển DLCĐ, ông đánh giá thế nào về điều này?
– Tôi đã đến Phú Yên vài lần. Lần này trở lại, tôi có dịp khảo sát trực tiếp một số làng nghề, làng văn hóa cộng đồng như: Làng rau Ngọc Lãng (phường 1, TP Tuy Hòa), làng nghề đan đát Vinh Ba và khu vực ruộng sen xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa), làng văn hóa du lịch cộng đồng Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Tôi còn được biết thêm hiện nay, Phú Yên cũng khuyến khích phát triển loại hình du lịch này.
Nhiều làng văn hóa, làng nghề được người dân, cộng đồng đầu tư phát triển một số sản phẩm DLCĐ, như: Buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), làng nghề chiếu cói An Cư (huyện Tuy An), làng nghề nước mắm Long Thủy (TP Tuy Hòa)… Có thể nói Phú Yên có nhiều tài nguyên về tự nhiên và nhân văn phù hợp với phát triển DLCĐ.
Mỗi vùng đất đều có giá trị riêng biệt, DLCĐ luôn gắn bó chặt chẽ và phát huy tốt nhất văn hóa bản địa, truyền thống của địa phương. Cùng với đó là khơi nguồn nội lực của chính cộng đồng tại chỗ, đây sẽ là những yếu tố quan trọng hàng đầu đểphát triển DLCĐ bền vững.
* Nông nghiệp, nông thôn là một trong những tài nguyên tốt, thế mạnh để phát triển DLCĐ. Ông có thể phân tích rõ hơn những thuận lợi này?
– Có nhiều văn bản luật, dưới luật, các quy định, hướng dẫn mới về phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, văn bản mới nhất và có ý nghĩa sát với thực tế là Nghị định 102/2024/NĐ-CP, ngày 30/7/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2024.
Nghị định này quy định cụ thểviệc sử dụng đất kết hợp đa mục đích, được hiểu là sử dụng một phần diện tích đất của mục đích sử dụng đất chính vào mục đích khác. Mục đích sử dụng đất chính là mục đích của thửa đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, đang sử dụng đất ổn định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Việc được sử dụng đất đa mục đích, có thể phát triển chuyên sâu về nông nghiệp, nhiều sản phẩm gắn liền với nông nghiệp, trong đó có nhiều dịch vụ DLCĐ.
Nghị định ghi rõ: Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính. Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp đểsử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất trồng lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và pháp luật về lâm nghiệp…
Phát triển DLCĐ gắn với nông nghiệp, các cá nhân, doanh nghiệp cần bám sát nghị định này. Điều này cũng cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên – môi trường, du lịch…
* Ông có thể gợi ý cụ thể hơn về mô hình phát triển DLCĐ ở các làng nghề, làng văn hóa mà ông cho là nhiều tiềm năng để phát triển?
– Làng rau Ngọc Lãng là một trong những làng nghề nông nghiệp truyền thống ven sông, lại ngay sát trung tâm TP Tuy Hòa, rất thuận lợi để chọn làm mô hình điểm phát triển DLCĐ. Chúng ta cần làm nổi bật giátrị của làng rau truyền thống này là có thể nhìn thấy hình hài của một làng DLCĐ.
Một cổng chào ngay đầu làng Ngọc Lãng với thiết kế sao cho thật đặc biệt, gắn với thiên nhiên và văn hóa nơi đây cũng đủ thu hút du khách; những nhà chòi mái lá, bắt điện sáng rực ban đêm, phát triển các dịch vụ ẩm thực, cà phê trên đồng ruộng… chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của du khách. Tiếp theo là phát huy nguồn nội lực tại địa phương, như thanh niên khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, tăng cường công tác kết nối, quảng bá để tăng sức hút điểm đến.
Làng sen xã Hòa Đồng, làng văn hóa Xí Thoại, hay làng nghề chiếu cói An Cư cũng là những cộng đồng có tiềm năng phát triển DLCĐ, có nguồn tài nguyên (tự nhiên và nhân văn) để phát triển thành những sản phẩm đặc trưng, gắn với nét văn hóa bản địa, vùng đất, tạo nên sự khác biệt…
* ATI là tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động phi lợi nhuận trong lĩnh vực phát triển DLCĐ. Ông có thể nói rõ hơn về điều này và đơn vị có sẵn sàng tiếp cận hỗ trợ cho các địa phương như Phú Yên?
– ATI của chúng tôi chuyên hỗ trợ các mô hình DLCĐ mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào DTTS. Viện cũng nghiên cứu khoa học, thực hiện các đề tài, đề án, dự án về phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch; nghiên cứu phát triển văn hóa, du lịch Việt Nam và du lịch châu Á (được Bộ KH&CN cấp chứng nhận hoạt động).
Với sứ mệnh “Phát triển vì cộng đồng”, ATI nghiên cứu và phát triển các mô hình du lịch xanh, bền vững như: Du lịch sinh thái, DLCĐ, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề, du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị của thảo dược Việt Nam, tạo sinh kế bền vững cho người dân… nhằm đem lại nguồn thu chủ động cho cộng đồng, phát triển KT-XH ở địa phương, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
ATI đã và đang hỗ trợ rất nhiều địa phương phát triển du lịch bền vững mang lại nguồn sinh kế lâu dài cho cộng đồng theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của quốc gia cũng như của ASEAN về du lịch. Cụ thể như tư vấn, đồng hành cùng tổ chức JICA xây dựng làng DLCĐ tại Quan Lạn (Quảng Ninh); cùng GREAT xây dựng làng DLCĐ Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai); cùng HELVETAS xây dựng làng DLCĐ Rum Ho (Quảng Bình), Chênh Vênh (Quảng Trị), Bản Dỗi Nam Đông, Bản A Đoàn, A Lưới (Thừa Thiên – Huế)… và rất nhiều mô hình DLCĐ ở các địa phương khác.
Vì vậy, từ nhu cầu của địa phương về phát triển DLCĐ, theo chức năng nhiệm vụ, năng lực của mình, ATI sẵn sàng kết nối, tư vấn, hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển DLCĐ. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành, tìm kiếm giải pháp để tư vấn, triển khai các dự án du lịch, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch tổ chức tour trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch đến địa phương ngay sau khi hoàn thành dự án. Quan trọng hơn, ATI có thể huy động các nguồn lực, tiết kiệm tối đa nguồn chi ngân sách trong phát triển cộng đồng, xây dựng an sinh xã hội tại địa phương.
* Xin cảm ơn ông!
ATI sẵn sàng kết nối, tư vấn, hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển DLCĐ. Chúng tôi cũng sẽ đồng hành, tìm kiếm giải pháp để tư vấn, triển khai các dự án du lịch, kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch tổ chức tour trong và ngoài nước, thu hút khách du lịch đến các địa phương ngay sau khi hoàn thành dự án… |
TRẦN QUỚI (thực hiện)
Nguồn: https://baophuyen.vn/377/322930/xay-dung-san-pham-du-lich-dac-thu-gan-voi-van-hoa-ban-dia.html