Thời gian qua, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi căn bản diện mạo các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, đẩy nhanh tiến trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Sau vụ tấn công trụ sở UBND xã ở Đắk Lắk – tỉnh giáp ranh với Phú Yên (tháng 6/2023), nhiều thế lực phản động liên tục rêu rao tuyên truyền, kích động đồng bào DTTS các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có vùng miền núi Phú Yên, nhằm gây chia rẽ, thù hằn dân tộc. Trong bối cảnh mới, hơn bao giờ hết các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng tại các huyện miền núi và vùng giáp ranh; nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho Nhân dân, nhất là bà con vùng đồng bào DTTS cùng đoàn kết xây dựng quê hương Phú Yên phát triển.
Kỳ 1: Đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh
Phú Yên có 9 xã của 3 huyện miền núi (Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh) giáp ranh với các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai và Bình Định. Đây là những địa bàn có địa hình đồi núi hiểm trở, dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh trật tự khu vực này tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Thời gian qua, các cấp, ngành chức năng, địa phương đã phối hợp bám sát cơ sở, chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết nhiều vụ việc, góp phần bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) vùng giáp ranh.
Dân vận hiệu quả
Từ khi cây cầu Suối Lớn được đưa vào sử dụng (năm 2022), người đồng bào Chăm ở làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đã thôi nơm nớp làng bị chia cắt mỗi khi mùa mưa về. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng làng Canh Giao, mặc dù làng cách trung tâm xã một ngọn đồi, nhưng muốn vào làng, phải vòng sang xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân của Phú Yên. Trước năm 2002, người dân trong làng đã tự mở con đường đất, nhưng vì có độ dốc lớn, nên đường thường xuyên bị sạt lở, ngập nước vào mùa mưa, rất nguy hiểm cho bà con vận chuyển hàng hóa, nhất là khi có người trong làng bị bệnh, cần đi cấp cứu.
Chia sẻ với nỗi vất vả của người dân làng Canh Giao, năm 2021, Huyện ủy Vân Canh làm việc với Huyện ủy Đồng Xuân để xây dựng một cây cầu vào làng, giúp 70 hộ dân với 207 nhân khẩu nơi này đi lại thuận tiện, đảm bảo vượt lũ an toàn khi mùa mưa đến; đồng thời góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng. Bí thư Đảng ủy xã Đa Lộc Phạm Thế Vụ cho hay: Nhận thấy đây là một công trình ý nghĩa nên cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể xã đã vận động đồng bào hiến 5.000m2 đất để làm cầu và đường đi. Ngày nghiệm thu và đưa vào sử dụng cầu Suối Lớn (trị giá gần 4 tỉ đồng do Ngân hàng VietinBank tài trợ), lãnh đạo 2 huyện đều tham dự. Công trình giàu tính nhân văn này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho vùng đồng bào DTTS, thắt chặt tình đoàn kết giữa vùng giáp ranh.
Các chương trình phối hợp về công tác dân tộc, tôn giáo giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định và Phú Yên; giữa Ban Dân vận Huyện ủy 3 huyện giáp ranh: Sông Hinh (Phú Yên) – M’Đrắk (Đắk Lắk) – Krông Pa (Gia Lai) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào DTTS, đồng bào có đạo của các địa phương vùng giáp ranh.
Đồng chí Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy |
Cầu Suối Lớn chỉ là một minh chứng cụ thể cho sự kết hợp giữa 2 huyện miền núi liền kề. Để thực hiện hiệu quả công tác dân vận dân tộc và tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Phú Yên và Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, huyện Đồng Xuân và Vân Canh thường xuyên trao đổi thông tin về công tác dân tộc, tôn giáo, phối hợp giải quyết hoặc tham mưu đề xuất cấp ủy giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng.
Ngoài ra, Ban Dân vận Huyện ủy 3 huyện giáp ranh: Sông Hinh (Phú Yên) – M’Đrắk (Đắk Lắk) – Krông Pa (Gia Lai) cũng đã xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2021-2025. Trưởng ban Dân vận huyện Sông Hinh Bá Huy Míc cho hay: Trên cơ sở đó, ban dân vận 3 huyện, khối dân vận các xã giáp ranh, gồm: Ea M’Đoal, Cư Prao (huyện M’Đrắk), Sông Hinh, Ea Lâm, Ea Ly (huyện Sông Hinh) và Krông Năng (huyện Krông Pa) phối hợp tham mưu, hướng dẫn công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo tại các thôn, buôn. Cán bộ vận động Nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết, đảm bảo quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn vùng giáp ranh.
Công an xã Ea Ly báo cáo với lãnh đạo Huyện ủy Sông Hinh và đảng ủy xã về công tác phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn giáp ranh. Ảnh: HÀ MY |
Phối hợp đấu tranh kịp thời
Xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) là một trong những xã trọng điểm phức tạp về ANTT bởi đây là địa bàn giáp ranh với hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk; có tuyến quốc lộ 29 và đường Đông Trường Sơn chạy qua. Từ nhiều năm qua, Công an xã Ea Ly đã xây dựng quy chế phối hợp bảo đảm ANTT tại địa bàn giáp ranh với công an các xã: Cư Prao, Ea Sô (Đắk Lắk) và thủy điện Krông H’Năng. Các đơn vị phối hợp nắm tình hình, trao đổi thông tin có liên quan đến ANTT trên địa bàn; tăng cường công tác tuần tra, kịp thời xử lý, giải quyết những vụ việc, tình huống phức tạp tại khu vực giáp ranh theo đúng pháp luật.
Trung tá Lê Quang Sâm, Trưởng Công an xã Ea Ly cho biết: Lợi dụng địa hình đồi núi hiểm trở, tháng 5/2021, một nhóm đối tượng do Dương Hồng Luyến (trú xã Ea Ly) cầm đầu đã tổ chức mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy. Công an xã đã tổ chức lực lượng nằm vùng mai phục từ 23 giờ đến 2 giờ sáng vây bắt, triệt phá nhóm đối tượng này tại cầu 1, thôn Đắk Phú, xã Cư Prao (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk), góp phần làm trong sạch địa bàn.
Cũng theo trung tá Lê Quang Sâm, từ khi có quy chế phối hợp bảo đảm ANTT tại địa bàn giáp ranh, các vụ phạm pháp hình sự, vi phạm khai thác, lấn chiếm đất rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, đánh bắt cá sai quy định trong lòng hồ thủy điện Krông H’Năng, trộm cắp tài sản… đã bị lực lượng công an kịp thời đấu tranh, triệt phá.
Được biết, ngoài xã Ea Ly, công an các xã và các huyện đều xây dựng quy chế phối hợp bảo đảm ANTT với công an cùng cấp của các tỉnh giáp ranh. Ngoài ra, từ năm 2021, các địa phương đã phối hợp xây dựng quy chế cụm an ninh các huyện, thị xã giáp ranh thuộc 3 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Phú Yên trong công tác đảm bảo ANTT. “Từng quý, các địa phương giáp ranh luân phiên đăng cai tổ chức sơ kết. Hoạt động này ngày càng có hiệu quả; tạo thế chủ động phòng ngừa, tấn công trấn áp tội phạm; thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn, mang lại bình yên cho Nhân dân”, Phó Trưởng Công an huyện Sông Hinh Võ Đình Đà cho hay.
Kỳ 2: Xây thế trận vững lòng dân
HÀ MY – DƯƠNG THỦY