Những cơn mưa mùa thu khiến cho đường về các xã miền núi huyện Sông Hinh thêm xanh mát. Những vườn cam bưởi trĩu quả, vườn sầu riêng giá trị bạc tỉ khiến mọi người phải xuýt xoa. Sau khi tham quan vườn cây ăn trái, du khách sẽ dùng bữa cơm với các món đậm chất bản địa và thưởng thức biểu diễn cồng chiêng với các tiết mục ca nhạc đậm chất núi rừng, rồi hòa mình vào nhịp xoang, cùng múa, cùng nhảy với thanh niên địa phương…
Đó thật sự là một trải nghiệm thú vị!
Khách du lịch cùng nhảy điệu aráp bên ánh lửa cùng âm thanh cồng chiêng ở buôn Lê Diêm. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Những vườn cây trái sum suê
Những người bạn đi cùng tôi thật sự bất ngờ khi đặt chân đến vùng đất phía Tây của Phú Yên mà cứ ngỡ như đang ở vùng cây ăn trái miền Tây hay miền Đông Nam Bộ. Từ TP Tuy Hòa theo Đường 5 lịch sử (nay là quốc lộ 29) hướng về huyện miền núi Sông Hinh, qua khỏi Nhà máy đường Tuy Hòa (xã Hòa Phú), là đến xã Sơn Thành Đông, rồi Sơn Thành Tây, bắt đầu tiến vào vùng đất đỏ bazan đặc trưng với các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái lâu năm xanh mướt chạy dọc hai bên đường.
Đến ngã tư Cầu đường, xe rẽ về hướng xã Đức Bình Đông, theo sự liên hệ từ trước, chúng tôi ghé vào vườn cây ăn trái tổng hợp của gia đình ông Tô Đình Kền. Ông Kền là người miền Bắc di cư vào Sông Hinh từ những năm đầu thành lập huyện. Khoảng 10 năm gần đây, sau khi nghỉ hưu, ông Kền mới tập trung làm trang trại cây ăn trái quy mô nhất ở xã này với khoảng 25ha, ở thôn Tân Lập.
Khu vườn cây ăn trái của ông Kền theo mô hình tổng hợp, phân khu. Mỗi khu là một loại cây, diện tích từ một đến vài hécta. Cách làm này tạo ra vườn cây ăn trái phong phú, khiến khách tham quan thích thú. Khu này là bưởi, chỗ kia là cam, ổi, xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, thanh long, bơ, mãng cầu…
Sau 8 năm gây dựng, 3 năm nay, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi loại cây ông Kền sưu tầm nhiều giống để thử nghiệm. Các loại cây ăn trái như bưởi, mãng cầu, ổi, chôm chôm… đã cho thu hoạch với chất lượng tốt, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, thương lái vào tận vườn thu mua. Vườn sầu riêng cũng đã bắt đầu cho trái bói.
Mải mê tham quan vườn cây, tự tay hái trái ăn thử tại vườn, thời gian trôi lúc nào chẳng hay.
Khu vườn bưởi của anh Phan Thanh Minh ở xã Đức Bình Tây lại là mô hình chuyên canh. Khu vườn rộng chừng 5ha, cách đây 6 năm anh chọn giống bưởi da xanh để trồng, đến nay đã thu hoạch mùa thứ hai. Nhờ trồng chuyên canh nên điều kiện chăm sóc và theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cây thuận lợi hơn. Trước những cơn mưa đầu mùa, anh cắt nước để tạo hoa đúng mùa cho trái vào dịp tết Nguyên đán. Anh Minh không quên để lại một số cây cho ra trái tự nhiên để khách đến vườn có thể ăn và chụp hình check-in.
Và không thể không đến khu vườn chuyên canh cây sầu riêng, một loại cây đang được mệnh danh là “vua của các loài trái cây nhiệt đới”, ở các xã Ea Bar, Sông Hinh, Ea Trol, Ea Ly… (huyện Sông Hinh). Thôn Chư Blôi (xã Ea Bar) đang trở thành địa chỉ tìm kiếm nổi bật trong mùa sầu riêng vừa qua. Dọc hai bên đường lớn và những con đường bê tông dẫn vào rẫy có những tấm biển đủ lớn để ghi địa chỉ và chỉ dẫn du khách vào vườn sầu riêng.
Sầu riêng đã và đang mang lại nguồn lợi kinh tế rất lớn cho các hộ dân ở vùng đất này. Những chủ vườn sầu riêng sau 5 năm khuya sớm chăm sóc, trăn trở với từng gốc sầu riêng nay được mùa quả ngọt. Qua từng mùa, cây sầu riêng đang mang đến đời sống ấm no cho chủ vườn bởi giá trị nó mang lại. Toàn huyện Sông Hinh hiện có gần 600ha sầu riêng, với các giống có chất lượng cao như: Ri6, Mongthong, Dona, Musang King… Theo các chủ vườn, trừ chi phí đầu tư, mỗi gốc sầu riêng mang lại giá trị từ 12-20 triệu đồng/mùa.
Du khách thích thú khi tham quan vườn cây và tự tay hái chôm chôm tươi ngon. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Trải nghiệm văn hóa cồng chiêng
Xây dựng sản phẩm trái cây đạt sản phẩm OCOP, đăng ký mã vùng trồng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch, địa phương và nhà vườn mong muốn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa cộng đồng để lan tỏa mạnh mẽ hơn thương hiệu trái cây cũng như văn hóa bản địa và Sông Hinh trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện.
Với phần đông là người đồng bào Ê Đê, từ năm 2014, ngành Văn hóa – Du lịch của tỉnh và huyện Sông Hinh đã định hình phát triển buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng) trở thành buôn văn hóa du lịch, đón khách xem biểu diễn văn hóa cồng chiêng. Trong văn hóa của người Ê Đê, cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong đời sống, không chỉ dùng để biểu diễn phục vụ đời sống văn hóa tinh thần mà còn mang những giá trị tâm linh và nghi lễ truyền thống.
Tại buôn Lê Diêm, du khách có cơ hội tham gia vào các buổi lễ hội, giao lưu văn hóa, nơi mà âm thanh cồng chiêng hòa quyện với tiếng nhạc dân tộc, tạo ra một không khí sống động và ấn tượng. Kết hợp giữa du lịch văn hóa cồng chiêng và du lịch nông nghiệp, đặc biệt là những trải nghiệm tại các vườn cây ăn trái, sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm độc đáo và ý nghĩa.
Khi màn đêm buông xuống, bên ánh lửa bập bùng, du khách và thanh niên địa phương nắm tay nhau nhảy điệu xoang, aráp vui tươi, nhịp nhàng trong âm vang cồng chiêng; nghe già làng kể khan; cùng say men rượu cần và thưởng thức những món ăn độc đáo, đặc trưng của núi rừng.
Chị Cao Nguyễn Hoài Minh (TP Hồ Chí Minh), trong một chuyến trải nghiệm ở buôn Lê Diêm, tấm tắc: “Thật khó quên tình cảm chân thành của đồng bào nơi đây. Cùng nhảy aráp trong nhịp cồng chiêng, cùng uống rượu cần bên ánh lửa, cùng thưởng thức những món ăn đặc trưng…, tất cả hòa quyện thành nỗi nhớ khó diễn tả bằng lời”.
Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh Nguyễn Như Đông cho biết, thời gian qua, huyện quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Ê Đê, xây dựng buôn Lê Diêm trở thành điểm đến văn hóa, không chỉ trình diễn, phục vụ đồng bào địa phương mà còn phục vụ du khách phương xa.
“Mô hình trang trại, vườn cây ăn trái đang thu hút khách các nơi đến tham quan. Chúng tôi mong muốn các công ty lữ hành, hiệp hội du lịch xây dựng chương trình tour kết hợp tham quan vườn cây ăn trái với trải nghiệm văn hóa cồng chiêng”, ông Đông nói.
Để phát triển du lịch một cách bền vững theo mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa cộng đồng, các cơ quan chức năng, hiệp hội du lịch, lữ hành và người dân địa phương cần có sự quan tâm đầu tư, phối hợp chặt chẽ. Việc xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp văn hóa cộng đồng ở huyện Sông Hinh cần được thực hiện một cách đồng bộ, từ việc đầu tư xây dựng, quảng bá sản phẩm đến việc tạo ra các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn.
Ông Ngô Văn Định, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Phú Yên |
TRẦN QUỚI
Nguồn: https://baophuyen.vn/377/321693/ve-song-hinh-trai-nghiem-vuon-cay-an-trai-kham-pha-van-hoa-cong-chieng.html