Đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng đồng chí Vũ Văn Thoại (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) vẫn còn nhớ như in về những ngày trước khi chấm dứt tiếng súng chiến tranh ở mặt trận Bắc Tuy An, góp phần làm nên chiến thắng 1/4/1975 giải phóng tỉnh nhà. Thời điểm đó, đồng chí Vũ Văn Thoại 26 tuổi, là Thường vụ Huyện ủy Tuy An.
Đến 5 giờ chiều 28/3/1975, ta tiến chiếm phía nam cầu Ngân Sơn. Trong ảnh: Cầu Ngân Sơn hiện nay và phía xa là dãy núi Mỹ Long – An Dân. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Chiến dịch Tây Nguyên của quân và dân ta giành thắng lợi ở Buôn Ma Thuột đã tạo nên bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh. Cú ra đòn bất ngờ, điểm trúng huyệt hiểm đã làm cho hệ thần kinh từ trung ương đến địa phương của chính quyền Sài Gòn rúng động mạnh.
Quân địch từ hy vọng đến tuyệt vọng
Đặc biệt, khi ta nắm được ý đồ “rút lui chiến lược” của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu theo đường 7 (quốc lộ 25 ngày nay), các lực lượng chủ lực của ta lập ngay trận địa phục kích, chặn đánh, khiến toàn bộ lực lượng của địch lọt vào vòng vây của ta. Và đó là “Tiếng cồng định mệnh” mà bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương dành cho chúng.
Tin chiến thắng từ Buôn Ma Thuột và chiến trường Tây Nguyên những ngày tháng 3/1975 liên tục bay về làm nức lòng Nhân dân và các LLVT Quân khu 5, trong đó có Phú Yên. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng và bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, quân và dân tỉnh ta đã làm nên Chiến thắng Đường 5 vang dội, đánh cho địch không còn manh giáp, làm cho ý đồ rút bỏ Tây Nguyên để bố trí lại lực lượng nhằm trấn giữ đồng bằng ven biển miền Trung của Nguyễn Văn Thiệu bị phá sản hoàn toàn.
Ở Tuy An, sau đợt chỉnh huấn quán triệt nghị quyết của Khu ủy V và Tỉnh ủy, Thường vụ Huyện ủy Tuy An quyết định hình thành hai ban chỉ huy chiến dịch Bắc và Nam Tuy An. Đồng chí Nguyễn Cúc, Bí thư Huyện ủy trực tiếp phụ trách cánh Nam; tôi – Vũ Văn Thoại, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách cánh Bắc mà trọng điểm là các xã An Ninh, An Thạch, An Dân và An Định lúc bấy giờ. Đây là địa bàn có liên quan đến các trục giao thông chiến lược – huyết mạch, gồm quốc lộ 1 và các cây cầu nối trục giao thông chiến lược Bắc – Nam. Hai là đường số 6 nối quốc lộ 1 từ Chí Thạnh – Tuy An xuyên suốt đến căn cứ biệt kích Mỹ ở Đồng Tre (Xuân Phước – Đồng Xuân) và trục La Hai – Xuân Lãnh – Vân Canh (Bình Định), với mật độ lực lượng của địch lớn gấp nhiều lần so với những địa bàn khác.
Chính vì thế, việc tổ chức phối hợp các lực lượng của huyện, của tỉnh, du kích các xã và phong trào Nhân dân du kích chiến tranh liên tục tấn công địch bằng nhiều phương thức, làm cho chúng căng mình ra đối phó.
Tình hình mỗi lúc một biến chuyển có lợi cho ta, điều đó đồng nghĩa với việc đẩy địch đi vào hoang mang, bị động, lúng túng. Nói như đồng chí Tố Hữu: Từ hy vọng đến thất vọng rồi tuyệt vọng. Cả lực lượng các sư đoàn chủ lực đến các đơn vị địa phương quân và nghĩa quân dân vệ không còn chút hy vọng nào để chống chọi với cuộc tiến công như vũ bão của ta.
Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Rồi Huế – Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Các sư đoàn chiến lược ngụy tan ra từng mảng, lớp bị đánh cho tan tác ở hướng tháo chạy khỏi Tây Nguyên; còn ở đồng bằng, vùng duyên hải… chúng buộc phải tháo thân ra các tàu chiến đợi sẵn để hy vọng tìm sống sót bằng đường biển, vì đường bộ đang bị chia cắt. Sư 22 bộ binh tháo chạy từ Bình Định vào gây phản ứng dây chuyền làm náo loạn toàn bộ lính địa phương của ngụy đang gồng mình bám trụ dọc các vị trí chiến lược trên quốc lộ 1.
Núi Hòn Chồng. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Trận đánh cuối cùng
Trước ngày 28/3/1975, có tin đại đội Bảo an đóng quân tại khu vực Gành Đỏ (Sông Cầu) – Tiên Châu, sau nhiều ngày tháng cầm cự sẽ “bò” ra, tổ chức thăm dò lực lượng ta ở khu vực xã An Ninh. Được tin, ta tổ chức triển khai lực lượng ở hướng chính diện đón lõng chúng từ phía Tiên Châu (thôn 2) tiến vào thôn 11 (Bình Thạnh). Chúng cho rằng, đây là hướng dễ tiếp cận, bất ngờ. Sau khi đánh chiếm Bình Thạnh, chúng sẽ chia làm hai mũi. Một mũi tấn công lên Hội Phú, còn mũi kia tiến đánh thôn 3 (Diêm Điền), thôn 4 (Xuân Phu).
Từ 3 giờ sáng 28/3/1975, lực lượng du kích xã An Ninh được trang bị vũ khí đầy đủ, hành quân bố trí chốt giữ các điểm cao là những đồi cát đầu thôn Bình Thạnh. Vị trí lợi thế này vừa bảo đảm quan sát diện rộng và nếu địch xuất hiện thì ta dễ dàng áp đảo chúng từ trên cao. Lực lượng của ta kiên trì mai phục đến hơn 8 giờ sáng, mặt trời đã lên quá cao nhưng chưa thấy bất kỳ động tĩnh gì. Ta nhận định, có lẽ chúng không triển khai như tin báo. Anh em bố trí hai đồng chí cảnh giới theo dõi tình hình, số còn lại lui vào mấy nhà dân gần đó để ăn sáng. Đang ăn, bỗng nghe các đồng chí cảnh giới chạy vào hô lớn: Địch! Địch tràn vào đông lắm!
Quá bất ngờ. Nhưng để giữ vững tinh thần chung, tôi cầm ngay khẩu M79, chạy băng lên đồi cát vừa hô thật lớn: “Xung phong… Xung phong…”, vừa bóp cò. Nhiều quả đạn M79 nổ ngay trong đội hình của địch. Cùng lúc, khẩu trung liên băng tròn do đồng chí Trần Công Hào, Chính trị viên xã đội; các khẩu AK, AR15, CacbinM2 từ đồng chí Hoàng (Xã đội trưởng) và các đồng chí khác nổ giòn, làm cho cả đội hình địch bất ngờ, lúng túng. Bọn chúng lao vào các khu mộ để tránh đạn, bắn trả và gọi phi pháo từ Chi khu Tuy An hỗ trợ, nhưng phía ta càng cấp tập nổ súng. Khoảng 10 phút sau, bọn chúng tháo thân ra khỏi khu vực nghĩa trang vì không thể trụ nổi đòn tấn công quyết liệt của ta. Một số tên gục ngay trên bãi cát. Sau khi địch tháo chạy, ta quyết định rút lui an toàn. Đây là trận đánh cuối cùng ở mặt trận Tuy An, trước khi ta hoàn toàn làm chủ mặt trận này, giải phóng huyện Tuy An.
Đến khoảng 3 giờ chiều hôm ấy, khi lực lượng ta đang có mặt ở Diêm Điền thì bà con từ Ngân Sơn – Chí Thạnh về thông tin là bọn địch phía Bình Định – Sông Cầu chạy vào, quẳng súng xuống sông Ngân Sơn. Bọn lính đóng quân tại chỗ bảo vệ cầu Ngân Sơn cũng tháo chạy hết. Ngay lập tức, kế hoạch được bàn bạc và triển khai lực lượng với phần lớn là du kích xã An Ninh tổ chức tiến công theo hướng nhà thờ Mằng Lăng, Hội Tín – An Thạch, từ đó phát triển lên áp sát quốc lộ 1 và đến 5 giờ chiều ta tiến chiếm phía nam cầu Ngân Sơn. Phối hợp giữa du kích An Thạch, An Ninh, ta tổ chức kiểm tra, lục soát kỹ các lô cốt địch khu vực đầu cầu đề phòng chúng cài mìn, cài lựu đạn trước khi rút quân. Và ta đã thu một số vũ khí chúng bỏ lại trước khi tháo chạy, trong đó có cả trung liên.
Ta nhận định, địch tháo chạy từ Quy Nhơn – Sông Cầu vào theo hướng quốc lộ 1, ắt sẽ có một số không ít tháo chạy từ căn cứ biệt kích Đồng Tre – Xuân Phước hợp quân với cánh Vân Canh – La Hai đi xuống theo hai hướng. Một là trục lộ 6 đến Chí Thạnh nhập vào quốc lộ 1; và hai là xuyên rừng từ La Hai – Xuân Sơn Bắc – Mỹ Long – An Dân để tiếp cận quốc lộ 1, cầu Ngân Sơn. Và nếu không gặp trở ngại gì, chúng sẽ nhanh chóng rút chạy vào TX Tuy Hòa.
Với nhận định trên, từ 6 giờ chiều, ta sử dụng hai khẩu trung liên và tiểu liên các loại liên tục bắn thẳng lên khu vực núi Mỹ Long – An Dân để uy hiếp địch, làm cho chúng đã hoang mang, dao động càng nhụt ý chí. Đến 21 giờ, ta bố trí lực lượng du kích chốt tại các lô cốt. Nhiệm vụ lúc này quan trọng hơn là bảo vệ cầu Ngân Sơn không cho địch manh động đánh sập cầu để chặn đường tiến quân của quân Giải phóng từ Bắc vào Nam theo chỉ đạo của chỉ huy chiến dịch.
Đúng như nhận định của ta, vào khoảng 6 giờ sáng ngày hôm sau 29/3/1975, một lực lượng lớn quân địch khoảng trên dưới 500 tên xuất hiện ở phía bắc cầu Ngân Sơn. Lực lượng này từ vùng núi Mỹ Long – An Dân men theo mé sông Cái kéo thẳng xuống quốc lộ 1, nhanh chóng vượt qua cầu Ngân Sơn và nghĩ rằng mọi việc đang thuận buồm xuôi gió… Thế nhưng…
Điều không ngờ của một thiếu tá quân lực Việt Nam cộng hòa
Trước số quân quá đông và xuất hiện bất ngờ, nhưng lực lượng ta vẫn chủ động, ngay lập tức triển khai chiếm lĩnh các điểm cao thuộc núi Hòn Chồng, cách đầu cầu Ngân Sơn chừng 400m, với mệnh lệnh thống nhất là ta không được nổ súng trước vào đội hình của chúng, nhằm tránh một cuộc đổ máu do phản ứng tự vệ và đã như thế thì chắc chắn tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát. Từ trên đồi cao, tôi cầm khẩu CacbinM2, giương nòng súng lên trời bóp cò bắn chỉ thiên để uy hiếp chúng và hô lớn đầy uy lực: “Tất cả bỏ súng xuống, giơ tay lên!” Ngay tức khắc, những tên đi đầu đồng loạt làm theo hiệu lệnh của tôi, chúng bỏ súng xuống bên lề đường và giơ hai tay lên đầu. Và cứ thế, hàng mấy trăm tên phía sau đi tới tiếp tục giao nộp vũ khí, quân trang, quân dụng mà không có bất kỳ hành động phản kháng nào. Chỉ vài chục phút sau, các loại vũ khí, quân trang, quân dụng của chúng vừa giao nộp chất cao thành từng đống.
Sau khi đầu hàng và giao nộp vũ khí, toàn bộ tàn quân được lực lượng ta đưa đến Trường tiểu học Ngân Sơn để ăn nghỉ tạm thời. Sau đó ta tổ chức cho bà con lo cơm nước cho chúng mà không hề phân biệt một đối xử nào. Riêng thiếu tá Nguyễn Văn Gia, Chi khu phó Chi khu Đồng Xuân, trực tiếp chỉ huy, đưa quân lính chạy trốn và đầu hàng được ta tách ra riêng để tiếp tục khai thác, nắm tình hình số tàn quân còn lại.
Sau đó, tôi bắt đầu nói chuyện với 500 lính ra hàng ngay tại sân trường tiểu học Ngân Sơn, nhằm ổn định tinh thần, tư tưởng, không để họ hoang mang, dao động ở thời điểm nhạy cảm này. Nhân danh chỉ huy mặt trận phía Bắc Tuy An, tôi khẳng định với họ rằng từ thời khắc này đây các anh hoàn toàn yên tâm là được sống, được hưởng mọi sự khoan hồng của cách mạng vì các anh đã tự nguyện bỏ vũ khí để về với gia đình, về với quê hương bản quán. Ngay từ bây giờ các anh yên tâm ăn, nghỉ, được phép đi lại trong phạm vi cho phép để mua những vật dụng cần thiết cho nhu cầu cá nhân.
Tiếp đó, tôi làm việc với thiếu tá Nguyễn Văn Gia trong không khí chân thành, tin cậy. Tôi hỏi từ sáng tới giờ, kể từ khi tiếp xúc với chúng tôi, anh có nhận xét như thế nào? Hỏi thật, anh có thực sự tin chúng tôi không? Và cái điều mà các anh đột nhiên giáp mặt với lực lượng vũ trang cách mạng và đầu hàng có nằm trong suy nghĩ của các anh khi bắt đầu rời khỏi Chi khu Đồng Xuân? Các anh vạch ra bao nhiêu phương án và có cả phương án đấu súng với lực lượng Quân Giải phóng hay không? Các anh có liên lạc với cấp trên để nghe thông tin chính thức diễn biến chiến sự ở Phú Yên và các tỉnh lân cận? Và trong tình trạng khẩn cấp, tại sao các anh không yêu cầu trực thăng giải cứu?
Lắng nghe từng câu hỏi của tôi, Nguyễn Văn Gia trả lời: Xin thưa anh, với tôi từ sáng đến giờ gặp được các anh tôi cứ nghĩ như mình đang trong giấc chiêm bao. Tôi không thể ngờ được rằng, cuộc đời chinh chiến của mình lại kết thúc quá có hậu. Tức là chúng tôi được sống, chắc chắn chúng tôi được sống. Và tôi tin anh em của chúng tôi trên dưới 500 người, đủ các sắc lính chạy tán loạn mấy ngày nay từ Xuân Phước, La Hai và cả Vân Canh chạy vào nữa. Họ hoàn toàn không tưởng tượng được tình hình sẽ đi đến đâu và kết thúc như thế nào… cho đến sáng nay. Chiến tranh mà! Có những điều vượt quá tầm suy nghĩ, đoán định của con người. Thật sự xin thưa anh, tôi cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc.
Dừng một tích tắc, Nguyễn Văn Gia nói tiếp: Còn câu hỏi của anh rằng, chúng tôi suy nghĩ gì từ khi gặp các anh, có lo sợ gì không, thì tôi nói thật là khi còn ở phía bên kia, lúc các cấp chỉ huy huấn thị, điều đầu tiên họ khẳng định rằng: Nếu gặp những trường hợp khẩn cấp, không có đường lùi thì con đường duy nhất là tự giải thoát mình, không để rơi vào tay các anh. Vì họ bảo rằng khi bắt được các anh, phía bên kia họ không giết các anh ngay mà sẽ giết theo kiểu để các anh chết từ từ… Tức là họ cắt hai cái nhượng của các anh. Đó là nỗi khủng khiếp! Thế từ sáng giờ, có người nào trong các anh bị chúng tôi cắt nhượng chưa? Tôi hỏi. Không có, hoàn toàn không có! Nguyễn Văn Gia, khẳng định.
Trường tiểu học Ngân Sơn hiện nay, nơi tập trung, cưu mang 500 binh lính ngụy những ngày cuối tháng 3/1975. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Nghĩa cử cao đẹp của người chiến thắng
Cũng qua nói chuyện, Nguyễn Văn Gia cho biết vẫn còn một số anh em khoảng 40-50 người do lo sợ nên họ chần chừ chưa dám đi cùng, trong khi mấy ngày qua mưa lớn, không có gì ăn nên tôi nghĩ hiện tại họ đang lâm vào bế tắc. Nghe đến đó lập tức tôi hỏi Nguyễn Văn Gia rằng, số anh em còn lại họ có máy bộ đàm để liên lạc không, thì ông ta bảo có. Từ đó tôi đề nghị ông ta: “Ngay sáng mai khoảng 7 giờ, tôi với anh và một số người có mặt ở cầu Ngân Sơn, liên lạc với lực lượng còn lại khuyên họ xuống núi trình diện với cách mạng để được khoan hồng. Và trong trường hợp này anh Gia lên tiếng là thích hợp nhất. Bởi vì anh là người chỉ huy trực tiếp của họ. Bằng hành động đúng đắn của mình anh đã tự cứu anh và cứu cả hàng trăm anh em khác. Lẽ nào anh nói họ không tin”. Bất ngờ trước ý định quá nhân đạo, nhân văn như thế, Nguyễn Văn Gia lập tức chấp nhận.
Sáng hôm sau mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Và đến gần 12 giờ trưa, có thêm hơn 30 người có mặt trình diện với cách mạng với đầy đủ vũ khí, quân trang, quân dụng được giao nộp.
Có điều qua số tàn quân này họ cho ta biết là vẫn còn khoảng 20 người không đi được vì đói lả, nhiều đêm bị ướt lạnh vì trời mưa to. Trước tình hình đó, sau khi thống nhất với đồng chí Trương Văn Hổ, Bí thư Chi bộ xã An Thạch và đồng chí Vũ Thanh Bình, Bí thư Chi bộ xã An Dân, các đồng chí nhanh chóng triển khai kế hoạch huy động khoảng 50 thanh niên trung kiên, mang theo đòn khiêng và võng lên tận vùng núi Mỹ Long, tìm kiếm trong các hốc đá, khe suối và khiêng về gần 20 binh lính tập trung tại khu vực trung tâm chợ Phú Mỹ – An Dân sau nhiều ngày vất vưởng trong rừng.
Sau đó, ta huy động bà con nấu cháo, pha sữa đổ cho từng người để cứu sống và giúp họ hồi phục sức khỏe. Tôi bàn với anh em là đưa thiếu tá Nguyễn Văn Gia từ Ngân Sơn – An Thạch sang chợ Phú Mỹ để chứng kiến tận mắt những người đã từng dưới quyền chỉ huy một thời của ông ta, họ được cứu sống như thế nào. Người sĩ quan được đào tạo chính quy ở trường Võ Bị Đà Lạt này thực sự xúc động, liên tục nói lời cảm ơn với thái độ chân thành, thán phục trước nghĩa cử này của những người cách mạng. Ông ta đi nhẹ nhàng, cúi xuống nắm tay từng người đang nằm bất động mà nước mắt ông trào ra.
Trước những đối xử hết sức nhân đạo của cách mạng, không ít gia đình có người thân tham gia các sắc lính của quân đội Sài Gòn đã mạnh dạn xin giấy giới thiệu của Mặt trận Bắc Tuy An để đi vào TX Tuy Hòa và các huyện phía Nam tìm con cháu đưa về trình diện cách mạng. Và chỉ trong một thời gian ngắn đã có hàng trăm người được gia đình đưa về trình diện cùng hàng chục những người từng tham gia chính quyền của chế độ cũ, kể cả cảnh sát cũng tự nguyện trình diện hoặc ra hàng…
Sự kiện diễn ra sau 21 năm chiến tranh trên vùng đất này lại trùng hợp một cách ngẫu nhiên nhưng rất nhiều ý nghĩa. Đó là, tại ngôi trường tiểu học Ngân Sơn – nơi chứng kiến cuộc đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm chống lại các tầng lớp Nhân dân đòi thi hành nghiêm Hiệp định Genève, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh làm cho 64 người phải chết dưới làn đạn của chính quyền Sài Gòn. 21 năm sau, cũng chính nơi này lại chứng kiến sự kiện đầy ắp tính nhân văn, nhân đạo, Nhân dân đã cưu mang cho 500 con người lầm đường lạc lối trở về với quê hương, dân tộc. |
Nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam Việt Nam, là sự kết tinh của tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quật cường của các tầng lớp nhân dân trên dưới một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Bên cạnh đó, cũng có những yếu tố tưởng chừng đơn giản, nhưng đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn này, được nhìn nhận từ những người của phía bên kia.
Một góc Ngân Sơn – Chí Thạnh hôm nay. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Chi khu phó trình diện Bí thư Huyện ủy
Sáng 31/3/1975, tôi vào Phú Tân gặp đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Cúc để báo cáo tình hình, đồng thời xin ý kiến một số công việc có liên quan. Trong đó, xin ý kiến đồng chí Bí thư Huyện ủy cho phép đưa Nguyễn Văn Gia được đến trình diện đồng chí. Đồng chí Nguyễn Cúc đồng ý với đề nghị của tôi. Thời gian tiếp khoảng 5 giờ chiều.
Trở về, tôi thông báo cho Nguyễn Văn Gia biết thông tin nói trên để tạo sự chủ động. Đúng giờ xuất phát, tôi đề nghị Nguyễn Văn Gia cầm lái chiếc Honda 67 chở tôi. Nguyễn Văn Gia không đồng ý và nói rằng: Báo với anh là loại xe này nếu xét về tay lái thuần thục thì tôi có thể khẳng định mình là tay lái số 1 của Phú Yên. Thế nhưng trong hoàn cảnh này thì mong anh thông cảm, tôi không chở anh được. Vì lỡ rủi trên đường đi gặp ổ gà hoặc bất kỳ chướng ngại vật nào, xe ngã, chỉ cần gây thương tích nhẹ thôi thì lập tức tôi sẽ không bao giờ được yên vì tôi sẽ bị quy cho cái tội là cố ý hãm hại cán bộ cách mạng. Vì thế mong anh thông cảm và anh cầm lái chở tôi là an toàn nhất.
Nghe có lý, tôi đồng ý. Khoảng 20 phút sau tôi và Nguyễn Văn Gia có mặt tại cơ quan Huyện ủy, đó là trụ sở Hành chính quận mà ta vừa mới tiếp quản. Hai bên chào hỏi và chuyện trò rất thân mật, tập trung trong những ngày vừa qua khi cách mạng dồn dập tấn công cả Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng duyên hải từ Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng trở vào. Trong đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy còn khẳng định rõ đường lối cách mạng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập. Đặc biệt khi tình thế đã đến lúc không còn hy vọng thì việc các anh quyết định đoạn tuyệt với quá khứ tránh đổ máu không cần thiết là một quyết định khôn ngoan…
Thấy cuộc nói chuyện như vậy là vừa đủ, tôi chủ động lên tiếng xin đồng chí Bí thư Huyện ủy chúng tôi ra về. Vừa bước xuống khỏi bậc tam cấp, Nguyễn Văn Gia lập tức nói với tôi theo một cách rất phấn khích: “Anh Thoại có biết không, tôi vừa nhìn thấy nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cách mạng”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại việc gì mà to tát thế, thì Nguyễn Văn Gia nói rằng: “Tôi vừa nhìn thấy ông “Quận trưởng” tự mắc võng cho mình, điều đó phía chúng tôi hoàn toàn không xảy ra, mọi việc đều do garde de corps (bảo vệ) lo hết!”. Nghe xong tôi nói ngay, đó là sự khác nhau về bản chất liên quan đến quyền làm người và ứng xứ đối với con người giữa hai chế độ chính trị. Và tôi cũng liền nghĩ trong đầu rằng, nhân vật này có cái nhìn sâu sắc đấy!
Trên đường về, Nguyễn Văn Gia luôn hết lời ca ngợi về cuộc gặp gỡ ấn tượng với ông “Quận trưởng” cách mạng, gần gũi, cởi mở, thân tình, trân trọng… Nguyễn Văn Gia cũng cho tôi biết là ngay sáng mai ông sẽ “cách mạng” cái đầu.
Xin nói thêm rằng, Nguyễn Văn Gia có gương mặt rất điển trai, mái tóc bồng bềnh rất nghệ sĩ. Trước đó, Nguyễn Văn Gia có kể cho tôi nghe là rất nhiều lần khi tỉnh trưởng Phú Yên đi thị sát căn cứ huấn luyện biệt kích Đồng Tre – Xuân Phước và Chi khu Đồng Xuân, lúc nào gặp mặt, ông tỉnh trưởng cũng yêu cầu tôi phải cắt ngắn mái tóc của mình, bởi quân lực Việt Nam cộng hòa không cho phép một sĩ quan chỉ huy có mái tóc dài như thế. Và tôi đã đáp trả với cấp trên rằng: “Tôi thà bị mất chức chứ không mất tóc!”. Vậy mà nay ông ta quyết định tự nguyện “cách mạng” cái đầu của mình chỉ sau hai ngày đến với cách mạng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Thị trấn Chí Thạnh. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng
Sau chiến thắng Đường 5, sáng ngày 1/4/1975, cùng một lúc, nhiều cánh quân của ta chiếm lĩnh tỉnh đường, cơ quan quân sự của ngụy, chiếm giữ và làm chủ các cơ quan trọng yếu của địch trong TX Tuy Hòa. Đặc biệt, lực lượng quân Giải phóng đã tiến vào phá cửa nhà lao khu chiến của chế độ Sài Gòn, giải phóng hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị chúng bắt, giam cầm, tra tấn suốt hàng chục năm trong cái “địa ngục trần gian” của chế độ tàn bạo, phản dân hại nước này. Và đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Tháp Nhạn – Một sự kiến chấn động mang tính lịch sử. Tỉnh Phú Yên hoàn toàn giải phóng.
Những ngày sau đó, nhờ bảo vệ an toàn cầu Ngân Sơn và hệ thống cầu đường dọc quốc lộ 1 mà hàng đoàn xe thuộc các binh chủng tên lửa, xe tăng, các loại pháo… rầm rập tiến vào Nam giải phóng Sài Gòn. Đi đến đâu đoàn quân Giải phóng cũng được Nhân dân chào đón đến đó và trực tiếp gửi cho bộ đội nào thức ăn, thức uống, trái cây các loại, lưu luyến chào, chúc các anh, các con, các cháu thắng lợi.
Có thể nói, không khí những ngày này dọc trục quốc lộ 1A như không khí ngày hội mừng chiến thắng với niềm tin chắc chắn rằng dân tộc ta, Nhân dân ta, lực lượng vũ trang anh hùng của chúng ta sẽ tất thắng.
Có thể khẳng định, những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài hơn 20 năm trên địa bàn các xã cánh Bắc Tuy An đã để lại những hình ảnh đặc biệt về chính sách nhân đạo, hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó chứng minh tính chính nghĩa và nhân văn của cuộc cách mạng giải phóng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sau gần nửa thế kỷ trôi qua có người còn, người mất. Nhưng sự kiện cứu người có một không hai ấy trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh chưa bao giờ phai mờ trong ký ức. Tôi nghĩ rằng trong câu chuyện này, nhân vật chính của các sự kiện chính là Nhân dân. Nhân dân mở lòng chăm lo chu đáo từ miếng ăn, thức uống cho hàng trăm con người mà mới ngày hôm qua họ còn là người của phía bên kia. Nhân dân khi mới nghe chủ trương cứu người đã nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ cần thiết như đòn khiêng, võng… sẵn sàng đợi lệnh và trực tiếp dấn thân lùng sục tìm kiếm những người đã từng “lạc lối” đang đối diện với “tử thần”, “ngàn cân treo sợi tóc” trong rừng rậm nơi cách quốc lộ 1 hàng chục cây số mà họ không hề đặt ra rủi ro hay bất trắc khó lường mà mình sẽ gặp phải… Những điều quý giá như thế chỉ có thể bắt nguồn từ truyền thống nhân văn, nhân bản của dân tộc, càng sáng ngời chân lý “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là nguồn cảm hứng bất tận cổ vũ cho các thế hệ tiếp theo tự hào vững bước tiến lên.
Có một chi tiết cũng cần nhắc đến, đó là sau hơn 15 năm, vào một buổi chiều cuối tháng 11/1991, ông Bùi Xuân Đức, một trong 500 tàn quân ngụy ngày đó mang quân hàm trung úy, được tôi giao nhiệm vụ lập danh sách, ghi tên họ, chức vụ, số quân của từng người ra trình diện cách mạng, sau khi học tập cải tạo đã sang Mỹ sinh sống, và khi về thăm lại quê hương, gia đình ở phường 1, TP Tuy Hòa, ông ta có đến tìm tôi để cảm ơn vì đã được cách mạng khoan hồng, cứu sống và đối xử vô cùng nhân đạo, nhân văn.
Giờ đây, hy vọng ở đâu đó trên đất nước này và những phương trời xa, những anh em từng là “nhân vật chính” trong câu chuyện gần như một huyền thoại ngày đó đến nay chắc nhiều người vẫn còn sống. Nếu đọc được bài báo này có thể lên tiếng để may ra kết nối làm cho cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.
Bất giác, tôi nghĩ rằng, khi con người được đối xử với tư cách là con người, nhất là trong bối cảnh ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, giữa người chiến thắng và kẻ chiến bại, tự nó có sức cảm hóa mãnh liệt từ trong tâm thức, từ trong niềm cảm phục sâu xa, làm nhân lên sức mạnh tinh thần không giới hạn mà cho dù năm tháng có qua đi, trời đất có đổi dời, thì cái giá trị mang tính nhân văn, nhân bản đó quyết không bao giờ mai một. Đó là những gì tôi muốn sẻ chia trong những ngày kỉ niệm mang tính lịch sử vô giá này. |
XUÂN HIẾU
(Ghi theo lời kể của đồng chí Vũ Văn Thoại,
nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)