Năm Mậu Thân (1908), cả tỉnh Phú Yên và khu vực Trung Kỳ rung chuyển bởi cuộc đấu tranh chống thuế của các tầng lớp nhân dân. Tham trấn Nguyễn Hữu Dực, một trong những lãnh đạo chủ chốt của phong trào chống thuế năm 1908 ở Phú Yên, để lại tấm gương về sự hy sinh vì quyền lợi của Nhân dân.
Tham gia phong trào Cần Vương
Nguyễn Hữu Dực còn có tên Nguyễn Hữu Khuê, sinh năm 1857, trong gia đình nho giáo tại làng Phú Hiệp, tổng Hòa Đa, phủ Tuy Hòa, nay là khu phố Phú Hòa, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa. Thuở thiếu thời, Nguyễn Hữu Dực được gửi ra Bình Định học. Năm 17 tuổi, ông đậu khóa sinh. Về sau vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông không thể tiếp tục việc học, trở về quê làm nông, chăm lo cha mẹ già.
Năm 1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống hịch Cần Vương kêu gọi Nhân dân cả nước giúp vua chống giặc, ông hưởng ứng phong trào, làm chức tham trấn, coi việc quân thứ tại tổng Hòa Đa. Do đó, người dân trong vùng thường gọi ông là Tham trấn Hòa Đa. Nghĩa quân do Nguyễn Hữu Dực chỉ huy đã làm cho quân Pháp và tay sai Nam triều nhiều phen khốn đốn với các trận đánh nổi tiếng ở vùng lưu vực sông Ba. Về sau, do sự chênh lệch về lực lượng, nên nghĩa quân Cần Vương rút về miền núi, một số giải tán chờ cơ hội.
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, Nguyễn Hữu Dực bị chính quyền Pháp bắt. Mãn tù, ông trở về quê, nuôi chí lớn nên thường giao thiệp với các nhà yêu nước trong tỉnh và nhân sĩ các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, chờ thời cơ tham gia vào các tổ chức cách mạng.
Thầy trò Trường tiểu học Nguyễn Hữu Dực (khu phố Phú Hòa, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa) trong ngày vui hoàn thành việc đổ bê tông sân trường. Ảnh: CTV |
Lãnh đạo và hy sinh trong phong trào chống sưu thuế
Năm 1908, phong trào cắt tóc xin sưu do các cụ Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng phát động ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định rồi bắt mối vào Phú Yên. Nguyễn Hữu Dực được giao nhiệm vụ tổ chức và lãnh đạo phong trào cắt tóc, chống sưu thuế ở Phú Yên.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Nguyễn Hữu Dực thành lập tổ chức khắp các phủ huyện trong tỉnh, kêu gọi dân chúng tham gia. Đến ngày 14/4 (âm lịch) năm 1908, cuộc biểu tình bắt đầu lan rộng trong toàn tỉnh Phú Yên. Phong trào cắt tóc, xin giảm sưu thuế ở phủ Tuy Hòa do Nguyễn Hữu Dực, Nguyễn Tấn Thảo, Lê Hanh, Trần Đôn lãnh đạo, vạch kế hoạch hưởng ứng phong trào từ các tỉnh phía Bắc lan rộng đến. Trong nhận thức của các sĩ phu Tuy Hòa lúc bấy giờ, khi mà chính quyền thực dân đã ổn định guồng máy cai trị, các phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Võ Trứ lần lượt bị đàn áp, báo hiệu ngọn cờ vũ trang chống Pháp do giai cấp phong kiến lãnh đạo thất bại, rơi vào bế tắc thì việc phát động phong trào chống Pháp trong quần chúng nhân dân bằng con đường ôn hòa, bất bạo động là phù hợp. Vì vậy, phong trào chống thuế ở Tuy Hòa và cả tỉnh Phú Yên diễn ra giữa tháng 5/1908 dưới hình thức đưa đơn, trình bày nguyện vọng một cách hòa bình, không xảy ra bạo động như các tỉnh Nam – Ngãi là phù hợp nhất. Trong bản phúc trình của Sở Các công việc chính trị thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương về “Những rối loạn ở Trung Kỳ, tháng 5/1908 đề cập tính chất ôn hòa tại các cuộc biểu tình chống thuế ở Tuy Hòa: Những cuộc biểu tình tại đây có vẻ cũng giống như những cuộc biểu tình đã diễn ra tại các nơi khác, đám đông phản kháng một cách hòa bình xung quanh phủ lỵ”.
Trước hết, các ông vận động đồng bào thuộc tam tổng phủ Tuy Hòa (tổng Hòa Đa, Hòa Lạc và Hòa Lộc) cắt tóc, ăn bận rách rưới. Đi tới đâu họ đều hô hào đàn ông cắt tóc ngắn, hưởng ứng tham gia phong trào xin sưu. Đoàn biểu tình càng lúc càng đông, kéo xuống phủ Tuy Hòa đóng tại thôn Đông Phước, xã Hòa An, huyện Phú Hòa ngày nay. Tối hôm đó, viên chánh tổng Hòa Bình tên là Hớn đi mật báo với tri phủ Tuy Hòa, rồi ra báo tòa sứ Sông Cầu. Vì vậy, khi dân chúng kéo đến phủ thì quan tri phủ đã trốn mất, cửa phủ đóng chặt.
Đoàn biểu tình dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Hữu Dực tiếp tục ra Sông Cầu để đưa yêu sách giảm sưu, thuế lên chính quyền thực dân. Khi tới Trạm Gành thuộc thôn Phú Tân, huyện Tuy An, đoàn biểu tình gặp tên lãnh binh Legot dẫn đầu đám lính tập từ Sông Cầu kéo vào để ngăn đoàn biểu tình. Bọn lính Pháp thấy dân biểu tình quá đông, bèn dàn ra bắn chỉ thiên. Nguyễn Hữu Dực liền chạy lại ôm ngang lưng viên chỉ huy Pháp, nói to: “Bẩm quan lớn, dân chúng vì nghèo đói nên đi xin sưu, chứ có làm giặc, làm ngụy gì mà bắn”. Viên chỉ huy Pháp tưởng ông lại cướp súng, bèn thúc mạnh báng súng ra sau, chẳng may trúng ngực ông, khiến ông té nhào xuống chết ngay. Liền đó, bọn lính tập được lệnh bắn xả vào đoàn biểu tình. Nhiều người trúng đạn, chết và bị thương. Đoàn biểu tình rối loạn nhưng vẫn không chùn bước. Câu ca đương thời ghi lại sự kiện này:
Kéo ra vừa đến Trạm Gành
Quan hai vươn súng bắn anh đi đầu.
Hỏi sao không tránh cho mau,
Quan hai không biết trước sau việc gì
Anh em hoảng hốt nan tri
Tâm hồn thất phách rã rời tay chân
………………………………
Thấy dân cúp tóc kéo vào
Ông Một giương súng bắn ào đám đông
Cảm thương Tham trấn mười phần
Đứng dậy bẩm lạy thiệt thân hại mình.
Sau đó, các thủ lĩnh phong trào xin sưu, chống thuế vẫn tiếp tục tập hợp dân chúng kéo ra Sông Cầu, họ khiêng luôn xác ông và những tử thi khác đi theo. Ra đến cầu Tam Giang, bị bọn Pháp ngăn cản không cho tiến vào tỉnh lỵ và thẳng tay khủng bố, cuộc biểu tình mới tan rã. Lãnh đạo phong trào và dân chúng đành mang xác ông trở lại, chôn tại đèo Dốc Găng. Ba năm sau, con cháu mới cải táng về quê nhà Phú Hiệp chôn cất.
Nguyễn Hữu Dực – người lãnh đạo phong trào chống thuế ở Phú Yên năm 1908 đã cống hiến cả cuộc đời vì quyền lợi của Nhân dân. Ông đã nêu tấm gương về sự hy sinh, chấp nhận tù đày, không khuất phục trước kẻ thù, lúc nào cũng tiên phong trong đấu tranh đòi quyền lợi cho Nhân dân. Sự hy sinh của ông khiến cho hậu thế ngày nay khâm phục. Cảm phục trước tấm gương hy sinh thân mình vì quyền lợi của Nhân dân, năm 2011, mộ của ông được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử để làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tại khu phố Phú Hòa quê hương của ông, một ngôi trường tiểu học mang tên Nguyễn Hữu Dực ra đời, nhắc nhở các thế hệ không quên công lao những bậc tiền bối đã hy sinh vì quê hương đất nước.
Năm 2011, mộ của Nguyễn Hữu Dực được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử để làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Tại khu phố Phú Hòa quê hương của ông, một ngôi trường tiểu học mang tên Nguyễn Hữu Dực ra đời, nhắc nhở các thế hệ không quên công lao những bậc tiền bối đã hy sinh vì quê hương đất nước. |
TS ĐÀO NHẬT KIM