Tình hình chiến trường phát triển khẩn trương và biến động nhanh, lệnh của cấp trên: Bến Vũng Rô chuẩn bị gấp nhận chuyến hàng thứ tư ngoài kế hoạch. Sau cuộc họp khẩn cấp của Ban chỉ huy bến do đồng chí Trần Suyền chủ trì, lãnh đạo các đơn vị vũ trang, hai xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân vận động cán bộ, chiến sĩ, dân công khẩn trương trở lại đón tàu, nhận hàng.
Chuyến tàu thứ tư do thuyền trưởng Lê Văn Thêm chỉ huy, theo kế hoạch sẽ vào bến Lộ Diêu (Bình Định), nhưng bị địch theo dõi quá chặt, lại gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên không thể cập bến như dự kiến. Cấp trên quyết định cho cập bến Vũng Rô, trong trạng thái bị động của bến.
Chuyến tàu bất ngờ
Ban chỉ huy bến Vũng Rô nhận lệnh từ Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam), yêu cầu chuẩn bị người và phương tiện khẩn cấp để đón chuyến tàu thứ tư.
Thiếu tá Ngô Văn Định, nguyên chiến sĩ đơn vị bảo vệ bến K60, kể: Bến trưởng Trần Suyền ngay lập tức triệu tập cuộc họp, huy động lực lượng và triển khai phương án đón tàu. Lực lượng này gồm du kích xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân, đơn vị K60, K64 và K83 (Phân khu Nam) hỗ trợ.
23 giờ đêm 15/2/1965, chuyến tàu Không số thứ tư cập bến Vũng Rô.
Hồi ký của Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ đơn vị K60, viết: “Chuyến tàu thứ tư, số hiệu 143 do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, Chính trị viên Lê Văn Bảng chỉ huy, vận chuyển 63 tấn vũ khí. Lực lượng bốc dỡ của bến làm việc cật lực. Bốc dỡ hàng xong đã muộn, lại thêm tời kéo neo bị hỏng, phải sửa nên càng thêm muộn, tàu không thể ra vùng biển quốc tế”.
Thiếu tá Ngô Văn Định kể tiếp: Trong tình huống bất trắc này, theo phương án, Ban chỉ huy bến và tàu quyết định đưa tàu từ Bãi Chính – nơi tập kết bốc dỡ hàng, qua Bãi Chùa gần đó – nơi đã từng giấu tàu 41 thành công trong chuyến hàng đầu tiên. Thủy thủ và cán bộ, chiến sĩ ở bến khẩn trương ngụy trang tàu bằng nhiều cành cây to mà bến đã chuẩn bị sẵn và cho tàu ép sát vào vách núi Bãi Chùa. Nhìn xa, tàu chẳng khác một mỏm núi nhô ra biển. Đại đội K60 vào vị trí bảo vệ tàu và bến.
Một ngày trôi qua thật nặng nề, hồi hộp và lo lắng. Tất cả lực lượng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ.
Các đồng chí nguyên chiến sĩ Đại đội K60 làm nhiệm vụ bảo vệ bến Vũng Rô – tàu Không số về thăm lại di tích Vũng Rô. Từ trái sang: Thượng úy Tống Trọng Điểm, trung úy Ngô Minh Thơ, đồng chí ở Cục Hậu cần – Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) và thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban liên lạc Bến tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Và sự kiện bi tráng Vũng Rô
Khoảng 10 giờ, ngày 16/2/1965, 2 trực thăng UH1B của địch làm nhiệm vụ tải thương từ chiến trường Đèo Nhông (Bình Định) vào, bay dọc theo Bãi Môn – Mũi Điện, bất ngờ viên phi công phát hiện “mỏm núi lạ” tại Bãi Chùa nhô ra khác thường liền báo về sở chỉ huy Nha Trang. Khoảng 11 giờ cùng ngày, máy bay trinh sát L19 quần đảo ở khu vực Vũng Rô, rà soát khu vực Bãi Chùa.
17 giờ ngày 16/2/1965, 2 chiếc AD6 – máy bay khu trục ném bom, pháo theo dẫn dắt của máy bay trinh sát phóng rốc-két xuống khu vực Bãi Chùa, một quả rốc-két trúng vị trí giấu tàu, lá ngụy trang bị hất tung xuống vịnh, tàu 143 bị gãy đôi chìm xuống biển. Hai tàu hải quân của địch được điều đến khu vực Hòn Nưa, lượn vòng liên tục suốt đêm.
Tàu 143 chính thức bị lộ.
Trung tá Hồ Thanh Bình, nguyên Đại đội trưởng K60 đã bước qua tuổi 96 (hiện đang sống ở xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân), sức khỏe yếu, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, nhất là khi gặp lại đồng đội, kể lại câu chuyện chiến đấu những năm tháng ác liệt nhất bảo vệ bến Vũng Rô và đón những chuyến tàu Không số. Lão cựu binh Hồ Thanh Bình nhớ lại: Tôi được tăng cường cho bến Vũng Rô theo chuyến tàu thứ ba của Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, cùng một số đồng chí quê Quảng Nam. Đại đội K60 gồm 3 trung đội và 1 tiểu đội hỏa lực biên chế đủ quân số. Trang bị vũ khí chủ yếu là tiểu liên Mã Lai và súng trường Trung Chính.
Với tầm quan trọng chiến lược của “sự kiện Vũng Rô”, Mỹ ngụy phải điều trung tướng Vĩnh Lộc – Tư lệnh Quân đoàn 2 (Quân khu 2 Quân đội Sài Gòn) trực tiếp chỉ huy mở cuộc càn quét ở Vũng Rô. Từ ngày 18-24/2/1965, địch mở đợt càn sâu vào bến bãi, huy động Trung đoàn 47 và một bộ phận của Sư đoàn 22 tăng cường, ném bom tăng viện, đổ bộ lên Bãi Bàng, Bãi Chính.
Đại đội K60 và trung đội bộ đội địa phương huyện Tuy Hòa, Trung đội K64 phân chia từng tiểu đội cùng du kích địa phương chặn mọi lối ra vào bến. Những ngày sau đó, địch tiếp tục mở rộng bàn đạp, chiến sự xảy ra ác liệt nhiều ngày. Du kích và các chiến sĩ K60 tổ chức cáng đồng chí Lê Văn Thêm, Thuyền trưởng tàu 143, bị thương nặng về hang đá trạm xá căn cứ Miền Đông.
Lực lượng hai bên hết sức chênh lệch. Thế của địch mạnh và chủ động tấn công, trong lúc lực lượng của ta mỏng, hỏa lực tầm xa không có, nên chủ yếu là phòng ngự ngăn chặn. Cuộc chiến đấu tại Bãi Xép, Bùng Binh, Hang Vàng rất ác liệt. Bộ đội K60, đơn vị nòng cốt làm nhiệm vụ bảo vệ bến cùng với lực lượng du kích Hòa Hiệp, Hòa Xuân dựa vào thế núi hiểm trở chặn đánh quyết liệt không cho địch tiến đến Hang Vàng, nơi kho chính cất giấu vũ khí. Ta dùng chất nổ hủy diệt kho và tiêu hao sinh lực địch.
“Đại đội K60, Trung đội huyện Tuy Hòa, Trung đội K64 và du kích địa phương đã chiến đấu ngoan cường để bảo vệ tàu, bảo vệ bến, bảo vệ số vũ khí đã được vận chuyển lên bờ… Trận chiến quá chênh lệch về lực lượng, khí tài, địch bắn pháo và đổ bộ càn quét. Đại đội K60 có 12 người hy sinh, trong đó có 2 người bạn thân từ nhỏ ở cùng làng là Nguyễn Văn Ba và Lê Văn Triều. Suốt đêm hôm đó, tôi khóc, ngồi canh hai người bạn để không bị cọp beo cướp xác, chờ đồng đội đến cùng đào huyệt tiễn các anh trong sự xúc động và nỗi căm thù sâu sắc…”, thiếu tá Ngô Văn Định xúc động kể lại.
Trong khi đó, LLVT giải phóng của xã, du kích thôn phối hợp với Đại đội K83 chặn đánh các mũi tiến quân của địch vào làng. Mũi tiến công vào núi Quéo ở thôn Phú Lạc vấp phải tinh thần chiến đấu quyết liệt và anh dũng của quân và dân Hòa Hiệp. Trận chiến đấu kéo dài suốt 2 ngày đêm vô cùng ác liệt, địch dội nhiều bom phá, bom cháy, bắn pháo và dùng cả hơi độc. Cuộc càn quét đã gây cho đồng bào ta nhiều đau thương mất mát, hàng trăm người chết, bị thương, phần đông là người già, phụ nữ và trẻ em; hàng trăm ngôi nhà bị cháy, sập. Ngược lại, địch cũng không thoát khỏi sự thất bại nhục nhã, hơn 30 tên đã đền tội, trong đó có cố vấn Mỹ và nhiều tên khác bị thương, 1 máy bay B-57 bị bắn rơi.
Trước sự bám đánh quyết liệt của ta, địch buộc phải rút chạy kết thúc cuộc càn quét. Số vũ khí còn lại ở các hang, gộp đá, dân công tiếp tục vận chuyển về tuyến sau.
Trung úy Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ K60, cho biết: Sau sự kiện tàu 143 bị lộ, Đại đội K60 lúc này tạm kết thúc nhiệm vụ bảo vệ bến, được phân thành 3 bộ phận. Phần lớn hạ sĩ quan, chiến sĩ bổ sung cho Trung đoàn 10 Ngô Quyền, một bộ phận cán bộ chuyển ra Sông Cầu, tuyển quân bổ sung xây dựng đơn vị mới (K60C); bộ phận còn lại vẫn đóng tại miền Đông Hòa Hiệp tiếp tục nghiên cứu bến bãi, thực hiện tiếp nhận sự chi viện từ miền Bắc theo phương thức mới đến khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975.
Sau “sự kiện Vũng Rô”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy Trung ương chỉ thị ngừng ngay việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam, rút kinh nghiệm sâu sắc từ cơ quan cấp trên đến đơn vị cơ sở để tiếp tục làm tốt hơn. Tàu Không số 143 bị lộ ở bến Vũng Rô là tổn thất nặng nề trong chiến lược vận chuyển của ta; là sự kiện bi tráng trong lịch sử của đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam. Tuy nhiên, điều đó không dập tắt được ý chí, tinh thần của quân và dân Phú Yên; cán bộ, chiến sĩ tàu Không số tiếp tục hành trình chi viện bằng phương thức mới cho chiến trường đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. |
TRẦN QUỚI – PHAN THANH
Nguồn: https://baophuyen.vn/76/322911/su-kien-vung-ro-khuc-trang-ca-bat-tu.html