Phú Yên cần huy động tổng vốn đầu tư 298.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 – 2030
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ngày 16/9/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh: Một góc TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên |
Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Theo nội dung của Kế hoạch, đối với các dự án đầu tư công, tỉnh Phú Yên tập trung triển khai thực hiện các dự án đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của Tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế tại các vùng động lực phát triển, khu vực trọng điểm phát triển của Tỉnh; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại các vùng động lực.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê, kè, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh.
Ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển
Các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công; thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các vùng động lực phát triển, khu vực trọng điểm phát triển của tỉnh.
Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện hữu và đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh. Ưu tiên phát triển và thu hút đầu tư các ngành công nghiệp động lực gắn với kinh tế biển; mở rộng và phát triển các ngành công nghiệp hiện có theo hướng sản xuất sản phẩm tinh, sản phẩm chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, có giá trị gia tăng cao; phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như: cuyện kim; lọc, hóa dầu; sản xuất năng lượng; hóa chất; sản xuất sản phẩm điện tử, công nghệ số; đầu tư kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp, Khu công nghiệp…
Phát triển mạnh mẽ dịch vụ – đô thị, logistics
Đồng thời, tỉnh phát triển mạnh mẽ dịch vụ – đô thị, logistics, dịch vụ tài chính – ngân hàng, bưu chính viễn thông có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, hoạt động khoa học và công nghệ, các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có giá trị cao; tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, sự kiện (MICE), nghỉ dưỡng, sinh thái với các dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, vui chơi, giải trí, thể thao mạo hiểm.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, sinh thái, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương theo chiều sâu, tạo giá trị gia tăng cao.
Để đảm bảo mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt từ 8,5% – 9%/năm theo quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tỉnh Phú Yên dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 298.000 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Yên tập trung thực hiện 7 giải pháp trọng tâm: 1- Thu hút đầu tư phát triển; 2- Nguồn nhân lực; 3- Phát triển khoa học và công nghệ; 4- Bảo đảm an sinh xã hội; 5- Bảo vệ môi trường; 6- Bảo đảm nguồn lực tài chính; 7- Bảo đảm quốc phòng, an ninh.