Sáng 8/8, tại TP Tuy Hòa, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam và Sở NN&PTNT Phú Yên tổ chức diễn đàn “Bàn giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm”.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT và các tỉnh, thành: Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu; đại diện các viện, trường, nhà khoa học lĩnh vực thủy sản và các địa phương ven biển hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tham dự diễn đàn.
Đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh phát biểu chào mừng tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC |
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết: Những năm qua, ngành Thủy sản Phú Yên không ngừng phát triển, có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Gần 30 năm qua, nghề nuôi tôm hùm lồng bè đã tạo sinh kế ổn định và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; thu nhập và đời sống của các gia đình chuyên nuôi tôm hùm được nâng cao; sản lượng tôm hùm nuôi hàng năm khoảng 2.000 tấn với giá trị hơn 1.500 tỉ đồng…
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cảm ơn và chào mừng các đại biểu đến tham dự diễn đàn. Đồng chí Lê Tấn Hổ hy vọng các đại biểu có nhiều chia sẻ quý báu về kinh nghiệm, công nghệ nuôi tôm hùm; đồng thời nhận diện các khó khăn, thách thức, đề xuất nhiều giải pháp và chính sách, hướng đi mới bền vững cho chuỗi giá trị tôm hùm…
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nêu giải pháp phát triển chuỗi giá trị tôm hùm. Ảnh: ANH NGỌC |
Tại diễn đàn, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã báo cáo về tổng quan tình hình nuôi và xuất khẩu tôm hùm; tình hình nhập khẩu và kiểm dịch giống tôm hùm; kết quả nuôi và xuất khẩu tôm hùm… Theo Cục Thủy sản, nghề nuôi tôm hùm phát triển tập trung tại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa (chiếm trên 95% tổng số lượng lồng nuôi, sản lượng nuôi cả nước). Tuy nhiên, công tác tổ chức sản xuất còn mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ; chưa hình thành được mối liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất. Các địa phương thiếu quy hoạch chi tiết để sắp xếp lại các vùng nuôi; dẫn đến việc quản lý, cấp phép nuôi tôm hùm bằng lồng, bè gặp khó khăn. Tôm hùm nuôi ở Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc (chiếm 90%), nên phụ thuộc chủ yếu thị trường này. Môi trường và dịch bệnh trên tôm hùm nuôi ngày càng phức tạp; chưa có thức ăn công nghiệp cho tôm hùm…
Đại diện Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc thông tin kết quả nuôi tôm hùm trong bể xi măng. Ảnh: ANH NGỌC |
Các đại biểu tham dự cũng thảo luận về nuôi tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp; công nghệ nuôi tôm hùm trong bể xi măng; nuôi tôm hùm trên biển bằng lồng HDPE; phòng ngừa bệnh sữa và bệnh đỏ thân trên tôm hùm; các điểm nghẽn về xây dựng chuỗi giá trị tôm hùm và vấn đề thị trường…
Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng nuôi tôm hùm thời gian qua và kế hoạch sản xuất trong thời gian tới. Diễn đàn cũng định hướng phát triển nuôi và xuất khẩu tôm hùm theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, có thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nhằm thực hiện thành công kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, phấn đấu đưa tôm hùm trở thành đối tượng thủy sản nuôi chủ lực vào năm 2030.
ANH NGỌC