Mô hình Vận động ngư dân mang rác vào bờ mới đi vào hoạt động khoảng 6 tháng nay, nhưng mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Mục tiêu của mô hình nhằm nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển.
Nhiều ngư dân tham gia
Từ lâu, ngư dân có thói quen chỉ mang sản vật khai thác từ biển về nhà, còn rác thải sinh hoạt, thậm chí ngư lưới cụ hư hỏng cũng vứt bỏ lại ngoài biển. Biển tạo sinh kế, biển cho nguồn hải sản dồi dào, tạo thu nhập, mang lại cuộc sống ấm no, nhưng ngư dân trả lại biển là rác thải…
Ở Phú Yên, hiện có khoảng 2.380 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác trên biển, trong đó khoảng 660 tàu hoạt động khai thác xa bờ. Bình quân mỗi năm các tàu khai thác xa bờ này thải xuống biển khoảng 2 triệu chai nhựa. Nếu ngư dân nâng cao ý thức, chung tay đưa rác vào bờ thì một lượng lớn rác thải được phân loại, tái chế.
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF – Việt Nam), mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa, tuy nhiên chỉ khoảng 10-15% được thu gom cho tái chế. Tháng 5/2024, WWF – Việt Nam phối hợp với các sở TN&MT và NN&PTNT triển khai mô hình Vận động ngư dân mang rác vào bờ. Hàng trăm tàu cá đã tham gia mô hình, với hàng nghìn lượt tàu cá ra vào, mang hàng tấn rác thải từ biển vào bờ.
Ngư dân Huỳnh Quốc Dũng, chủ tàu cá PY95393TS ở khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa) cho biết: Trước đây, đa số ngư dân có thói quen vứt rác xuống biển và nghĩ rằng biển sẽ phân hủy toàn bộ nguồn rác thải từ ngư dân. Nhưng từ khi tham gia mô hình, tôi và các thuyền viên trên tàu đều nhận thấy tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường biển.
Ngoài dụng cụ là túi lưới đựng rác do mô hình cấp phát, gia đình tôi còn trang bị thêm nhiều dụng cụ khác với mục đích thu gom toàn bộ rác thải sinh hoạt, ngư lưới cụ bị rách, hư hỏng trên tàu để đưa vào bờ xử lý. Bình quân mỗi chuyến biển, tàu cá của tôi mang vào bờ từ 20-30kg rác thải các loại, trong đó hơn một nửa là rác thải nhựa như chai nước, túi ni lông, lưới rách…
Theo ngư dân Ngô Quang Trưởng, chủ tàu cá PY92214TS ở phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), tất cả ngư dân cũng nên nhìn nhận lại trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường chung trong quá trình khai thác thủy hải sản trên biển.
“Khi tham gia khai thác trên biển, tôi thường xuyên nhắc nhở anh em thuyền viên nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thu gom, phân loại và đưa rác thải sinh hoạt vào bờ. Biển mang lại sinh kế cho ngư dân nên tất cả ngư dân cần gìn giữ môi trường biển trong sạch”, ông Trưởng cho hay.
Trước mỗi chuyến ra khơi, ngư dân mang theo một lượng lớn lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, nước ngọt lon, nhu yếu phẩm… để sử dụng dài ngày. Sau khi sử dụng, nếu rác thải không được thu gom mang vào bờ mà vứt trực tiếp xuống biển sẽ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa.
Tất cả cán bộ, nhân viên tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh xem việc tuyên truyền, vận động ngư dân mang rác từ biển vào bờ là việc làm thường xuyên, liên tục. Nhờ vậy, ý thức của ngư dân được nâng cao, tất cả các tàu cá tham gia mô hình đều thực hiện thu gom, mang rác vào bờ.
“Từ khi triển khai mô hình Vận động ngư dân mang rác vào bờ đến nay, tại 4 cảng lớn trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 3,5 tấn rác do ngư dân mang từ biển vào, trong đó khoảng 2,5 tấn rác có thể tái chế, chủ yếu là rác thải nhựa”, ông Hà Viên, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Phú Yên cho biết.
Hoạt động phân loại, kiểm toán số lượng rác thải tại cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC |
Hành động vì môi trường xanh
Phú Yên xác định, phát triển kinh tế biển là một trong những chiến lược kinh tế trọng tâm cho phát triển KT-XH của tỉnh. Tuy nhiên, song song với phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng có xu hướng gia tăng.
Các khu vực biển ven bờ trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận một khối lượng rác thải đáng kể, đặc biệt là rác thải nhựa chủ yếu từ các nguồn hoạt động du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản và từ hoạt động dân sinh trên đất liền. Nguồn rác thải này qua nhiều năm đã tích tụ một lượng lớn làm cho môi trường biển bị xâm hại, môi trường bị ô nhiễm.
Bà Trịnh Ngọc Ánh, điều phối viên WWF – Việt Nam cho biết: Hầu hết rác thải phát sinh từ hoạt động của các tàu cá gồm rác thải sinh hoạt, ngư lưới cụ hỏng… không được thu gom mà thải trực tiếp xuống biển, đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển. WWF – Việt Nam phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Phú Yên xây dựng mô hình Vận động ngư dân mang rác vào bờ nhằm giảm thải lượng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa thải vào đại dương.
Đến nay, gần 500 chủ tàu cá ở Phú Yên tham gia mô hình mang rác thải từ biển vào bờ. WWF – Việt Nam đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ khoảng 1.000 túi lưới cho các tàu cá tham gia mô hình. Ngoài ra, WWF – Việt Nam còn hỗ trợ thiết bị lưu giữ rác thải tại 4 cảng, mỗi cảng 8 chiếc xe đẩy tay chứa rác loại 660 lít.
Theo Ban Quản lý cảng cá Phú Yên, hằng năm tại 4 cảng cá do đơn vị quản lý tiếp nhận khoảng 13.500-14.500 lượt tàu cá ra vào cảng. Các hoạt động tại cảng đã phát sinh một lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt, với khối lượng khoảng 24 tấn/năm.
Ông Hà Viên thông tin: Hiện nhân lực tại các cảng cá còn thiếu nhưng Ban Quản lý cảng cá Phú Yên đã cố gắng sắp xếp, bố trí tương đối đầy đủ nhân viên để đảm bảo các nhiệm vụ, nhất là những lúc cao điểm, đồng thời dành thêm nguồn kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải từ tàu cá mang về bờ.
Đơn vị đã phân công nhân viên tiếp nhận rác thải từ các tàu cá và tiếp tục phân loại để có hướng xử lý riêng. Đối với rác tái chế, các chủ tàu có thể mang về bán phế liệu, nếu không sẽ bố trí khu tập kết xử lý theo hướng bán phế liệu. Các loại rác thải sinh hoạt còn lại sẽ được tập kết tại các thùng chứa rác và hợp đồng với các đơn vị vận chuyển đến các bãi rác để xử lý.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam của WWF – Việt Nam, mục tiêu của mô hình Vận động ngư dân mang rác vào bờ nhằm nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường, tác hại của rác thải nhựa đến môi trường tự nhiên, đặc biệt là môi trường biển cho cán bộ, công nhân viên cảng cá, ngư dân và người kinh doanh ở khu vực cảng.
Mô hình còn vận động và giám sát ngư dân mang rác vào bờ để giảm thất thoát rác thải nhựa ra đại dương, đồng thời cải thiện hệ thống thu gom tại 4 cảng cá để tăng cường khả năng quản lý chất thải rắn tại cảng cũng như đáp ứng được lượng rác phát sinh từ ngư dân mang rác vào bờ, từng bước phân loại rác tại nguồn.
Mọi người dân hãy cùng tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh, hạn chế phát thải rác thải nhựa, tiến tới nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần. Hãy cùng chung tay hành động để Phú Yên trở thành điểm đến xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường.
Giám đốc Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam Nguyễn Thị Diệu Thúy |
ANH NGỌC
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/322880/ngu-dan-tu-giac-mang-rac-vao-bo.html