Toàn tỉnh có hơn 350 sản phẩm OCOP, nhưng chỉ có 10 sản phẩm được xếp hạng 4 sao. Để có nhiều sản phẩm OCOP cũng như nâng hạng sản phẩm đã được công nhận, nhiều địa phương đang tích cực đồng hành cùng chủ thể, có cơ chế hỗ trợ để phát triển mạnh các sản phẩm 4 sao trong thời gian tới.
Bứt phá, tìm cách nâng sao
Năm 2020, khi Chương trình OCOP bắt đầu được thực hiện, trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, các địa phương trong tỉnh đã nhanh chóng tìm những sản phẩm đặc trưng để định hướng, xây dựng thành sản phẩm OCOP.
Sự ra đời của sản phẩm gắn sao OCOP như luồng gió thay đổi bộ mặt kinh tế vùng nông thôn. Từ đây, người nông dân đã tiếp cận với hình thức sản xuất chuỗi liên kết, để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, chất lượng có thể cạnh tranh với thị trường, điều mà trước đây, các sản phẩm truyền thống chưa làm được. Trước giá trị, lợi ích mà Chương trình OCOP mang lại, nhiều sản phẩm đã có những đổi mới, bứt phá.
Tại huyện Tây Hòa, sau khi các sản phẩm bột hạt sen, hạt sen sấy khô và tim sen sấy khô Hòa Đồng liên tiếp đạt chuẩn OCOP 3 sao, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng tiếp tục đầu tư xây dựng nhà xưởng mới, mở rộng vùng liên kết sản xuất, mua thêm máy móc để nâng cao sản lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện HTX đang trình hồ sơ chờ hội đồng thẩm định xét nâng hạng sản phẩm bột hạt sen Hòa Đồng lên OCOP 4 sao trong năm nay.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng cho biết: Theo quy định của bộ tiêu chí OCOP, để đạt OCOP 4 sao, sản phẩm phải sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương; có liên kết vùng nguyên liệu; có đầy đủ năng lực về sản xuất, đáp ứng thị trường; sản phẩm phải nổi trội, đặc sắc và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe. Dù có nhiều khó khăn, trở ngại nhưng HTX vẫn quyết tâm thực hiện.
Theo ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, mặc dù địa phương có nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có tiềm năng phát triển thành sản phẩm OCOP 3-4 sao, song từ năm 2023 đến nay, với những tiêu chuẩn khắt khe được quy định tại Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ thì việc phát triển sản phẩm OCOP 4 sao của địa phương gặp nhiều trở ngại.
“Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với Chương trình OCOP, Sông Cầu đang hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP 3 sao tiềm năng (nước mắm Bà Mười, rượu Quán Đế, cá ngừ cắt khúc…) hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, nâng hạng lên 4 sao. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở trên địa bàn tham gia Chương trình OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại hướng đến đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm…”, ông Dũng cho hay.
Đưa sản phẩm xuất ngoại
Sau chặng đường gần 5 năm tham gia OCOP, nhiều sản phẩm đã nhận ra giá trị mà chương trình mang lại. Minh chứng là có nhiều sản phẩm tự hoàn thiện để đạt OCOP 4 sao và mục tiêu xa hơn là 5 sao.
Công ty CP Dược thảo Thiên Phú ở huyện Sơn Hòa hiện có 9 sản phẩm đông trùng hạ thảo các loại đạt tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao. Theo ông Nguyễn Văn Đức, giám đốc công ty này, hạng sao OCOP là minh chứng về chất lượng để sản phẩm bước ra thị trường, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, công ty tiếp tục đầu tư nâng cao về chất lượng, hoàn thiện về mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm OCOP của công ty đã có mặt trên hệ thống đại lý phân phối, chuỗi cửa hàng, siêu thị trong nước và xuất khẩu.
“Sau nhiều nỗ lực, công ty đã có đơn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, Malaysia ổn định hằng tháng. Việc sản phẩm OCOP được xuất ngoại với số lượng lớn, không chỉ mang về doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu hàng hóa của tỉnh trên thị trường quốc tế”, ông Đức phấn khởi nói.
Sản phẩm cà phê Superior là một trong 13 dòng sản phẩm cà phê mang thương hiệu Hương Hương của Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hương Hương Phú ở TP Tuy Hòa đã được công nhận OCOP 4 sao. Bà Trần Thị Thu Hương, giám đốc công ty này cho hay: Với quy trình sơ chế, chế biến được kiểm soát kỹ, sản phẩm khi tham gia xuất khẩu luôn được đánh giá cao và được nhiều thị trường ưa chuộng. Công ty sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm trở thành 5 sao thương hiệu quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường nhiều nước.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc đạt chuẩn OCOP 4 sao sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế. Nhiều sản phẩm OCOP 4 sao đã được xuất khẩu ra thị trường các nước như: Trung Quốc, Nhật, Mỹ, Úc, Singapore, Ấn Độ…
“Để hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng hoàn thành các nội dung tiêu chí, hiện ngành Nông nghiệp đã và đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường đôn đốc, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện quy trình sản xuất, sản phẩm, tem, nhãn, bao bì, đặc biệt là hồ sơ pháp lý để công nhận sản phẩm 4 sao. Bên cạnh đó, ngành cũng tiếp tục rà soát, lựa chọn những sản phẩm có tiềm năng, mang đặc trưng vùng miền để đầu tư xây dựng, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP 4 sao”, bà Thủy nhấn mạnh.
Nói về số lượng, hiện sản phẩm OCOP của Phú Yên đã có khá nhiều, nhưng để đứng vững trên thị trường thì vẫn phải tiếp tục cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng; nâng hạng sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao; đồng thời chọn ra sản phẩm chủ lực để tăng quy mô sản xuất và tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP hội nhập quốc tế.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT |
NGỌC HÂN
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/323171/ky-vong-phat-trien-san-pham-ocop-4-sao.html