Con đường du lịch biển kết nối Phú Yên với Khánh Hòa, Ninh Thuận là một trong những định hướng với kỳ vọng thúc đẩy phát triển du lịch vùng.
Một góc Vũng Rô của Phú Yên thơ mộng có đủ yếu tố để phát triển con đường du lịch biển. Ảnh: Đình Phùng
Cần sản phẩm du lịch vùng
Ông Đào Mỹ – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ, ngành du lịch Phú Yên 2024 có sự tăng trưởng nổi bật với tỉ lệ khách đến tăng hơn 24%, riêng khách quốc tế tăng 52%. Đây là kết quả của một trong những nỗ lực liên kết du lịch vùng được UBND tỉnh đề ra.
Vấn đề hợp tác phát triển du lịch giữa Phú Yên với các tỉnh được đặt ra thời gian qua trên nhiều khía cạnh nhưng trọng tâm là khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch trong vùng, khu vực để tạo sức mạnh tổng hợp. Việc phát triển đơn lẻ các địa phương sẽ mang bản sắc riêng nhưng để bền vững, ngành du lịch cần sự kết nối tạo những sản phẩm.
Du lịch Hòn Nưa, Phú Yên thời gian qua thu hút sự quan tâm của nhiều du khách. Ảnh: Nhân Thuần
Theo ông Mỹ, việc hợp tác phát triển du lịch được Phú Yên triển khai từ năm 2022 đến nay. Đã có các chương trình gặp gỡ, trao đổi tìm hiểu về sản phẩm du lịch của nhau. Tuy nhiên một sự hợp tác rõ ràng bằng sản phẩm thì vẫn còn hạn chế.
Cần tận dụng lợi thế sẵn có của 3 tỉnh là tiềm năng về biển, có du lịch sinh thái núi rừng nhưng mỗi nơi có nét riêng. Từ đó, xâu chuỗi những nét riêng lại để tạo ra sản phẩm du lịch mới thu hút khách đến ở lại và trở lại vùng Nam Trung Bộ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng, “nghiên cứu xây dựng tuyến đường du lịch biển nối Vũng Rô (Phú Yên) – Vân Phong (Khánh Hòa) – Vĩnh Hy (Ninh Thuận), khách có điều kiện chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên vùng biển Nam Trung bộ từ góc độ ở ngoài biển vào.
Ngoài đường biển, hiện nay Phú Yên đang làm việc với một số đơn vị lữ hành để xây dựng tuyến du lịch đường sắt từ Ninh Thuận đến Phú Yên hoặc ngược lại. Khách đi trên những chuyến tàu này về phía địa phương sẽ hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách để các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác hiệu quả”.
Nỗ lực để đưa du lịch Phú Yên vươn xa
Phú Yên có bờ biển dài 189km, với những điểm đến được ghi dấu trên bản đồ du lịch cả nước như Vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, Hòn Yến, bãi Xép… Lợi thế hút khách đến với Phú Yên là điểm đến còn hoang sơ, chưa bị tác động nhiều bởi sự phát triển đô thị. Ẩm thực Phú Yên được nhiều du khách đánh giá cao về chất lượng, giá rẻ.
Năm 2021, Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 09 về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Du lịch tàu hỏa qua cung đường Đèo Cả nối Phú Yên – Khánh Hòa đẹp mê mẩn. Ảnh: Minh Đức
Để làm được điều này, năm 2024, Phú Yên đã đồng loạt triển khai các giải pháp về quy hoạch định hướng phát triển các địa phương có nhiều lợi thế du lịch như TP. Tuy Hòa, Thị xã Sông Cầu… Toàn tỉnh hiện có 52 dự án du lịch và thương mại dịch vụ.
Cùng với thúc đẩy nội lực, năm 2024, ngành du lịch Phú Yên đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá, tăng liên kết, hợp tác với các địa phương phát triển sản phẩm du lịch. Nổi bật như hợp tác phát triển du lịch với Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…
Đến thời điểm này theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao, năm 2024, lượng khách du lịch đến Phú Yên ước đạt 4 triệu lượt, đạt 117,6% kế hoạch năm, tăng 25% so với năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 30.000 lượt, đạt 150% so với kế hoạch năm, tăng 51,9% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.000 tỉ đồng, tăng 62,7% so với năm 2023 và tăng gấp 4,1 lần so với trước dịch COVID-19.
Phương Linh
Nguồn: https://laodong.vn/du-lich/tin-tuc/ky-vong-mo-duong-du-lich-bien-vung-ro-van-phong-vinh-hy-1435263.html