Kỳ cuối: Để sản phẩm vùng đồng bào miền núi tiếp tục vươn xa
Để sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi tiêu thụ mạnh mẽ, ổn định trên thị trường đòi hỏi những nỗ lực không chỉ của người dân mà phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương. Những giải pháp như hướng dẫn, hỗ trợ, xúc tiến, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm… được tập trung triển khai để các sản phẩm tiếp tục phát triển rộng khắp.
Sản phẩm của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt OCOP 3, 4 sao được bày bán tại Siêu thị V’Mart (TP Tuy Hòa). Ảnh: KHANG ANH |
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế cao; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Tìm cách “nâng cấp” sản phẩm
Có thể thấy, sản phẩm đặc trưng của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh có những nét riêng, độc đáo mà các địa phương khác không có. Các sản phẩm này đang đi theo xu hướng tiêu dùng chung là sản xuất truyền thống, sạch, chăm lo sức khỏe nên có nhiều khả năng để phát triển. Tuy nhiên do công tác quảng bá của các gia đình, chủ cơ sở chưa được chú trọng nên nhiều sản phẩm chưa được phổ biến rộng rãi, chưa tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Xuân, người dân các xã trên địa bàn huyện chỉ đơn thuần tạo ra sản phẩm, chưa biết nhiều đến công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chưa biết cách làm thương hiệu, bao bì mang tính cạnh tranh. Hội đã vận động người dân tham gia một số chương trình kết nối, trưng bày, giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng. “Do chưa tiếp cận nhiều với thị trường nên đa số người dân chưa biết cách “nâng cấp” sản phẩm. Mong muốn của địa phương cũng như các hộ gia đình, là được các cấp, ngành hỗ trợ đầu tư, quảng bá, tiêu thụ để phát triển sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm địa phương, nhất là sản phẩm của đồng bào DTTS”, bà Dung cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Tại Phú Yên, các xã đặc biệt khó khăn tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân. Ở 3 địa phương này, các loại cây trồng như sắn, mía đã có các nhà máy trên địa bàn thu mua, tiêu thụ. Ngoài ra, thực hiện theo chương trình phát triển nông nghiệp của tỉnh, các huyện tập trung khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn trái. Qua khảo sát, những loại cây ăn trái như cam, bưởi, sầu riêng, mắc ca, vải… được người dân trồng nhiều, có thể hình thành vùng sản xuất với quy mô lớn, hình thành mô hình liên kết giữa nông dân với hộ kinh doanh để tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hiệu quả. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chế biến, sản xuất khác như bò một nắng, gà ủ muối, hạt mắc ca sấy, sản phẩm dệt thổ cẩm… cũng có nhiều triển vọng phát triển. Tuy nhiên, điểm hạn chế của một số sản phẩm là chưa xây dựng được nhãn hàng, chưa hình thành sản phẩm hàng hóa đạt các chỉ tiêu theo quy định… Sản phẩm mang tính cạnh tranh chưa cao.
Chung tay thúc đẩy tiêu thụ
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 là chương trình được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, với một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi một cách toàn diện. Chương trình mang tính chất tổng thể, dài hạn 10 năm và là chương trình mới, đặc thù dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, ưu tiên tập trung đầu tư cho đồng bào DTTS và miền núi đặc biệt khó khăn. Chương trình được chia làm 2 giai đoạn (2021-2025, 2025-2030) với 10 dự án và 14 tiểu dự án; trên địa bàn tỉnh thực hiện 12 tiểu dự án.
Tại huyện Đồng Xuân, từ đầu năm đến nay, địa phương này tập trung triển khai các tiểu dự án, trong đó có công tác hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi từ nguồn vốn năm 2022, 2023. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của UBND huyện về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023; trong đó chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết 20/NQ-HĐND của HĐND huyện về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023; hỗ trợ các hộ dân sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đặc biệt là công tác phát triển, tiêu thụ sản phẩm địa phương.
Cùng với địa phương, các cấp, ngành trong tỉnh cũng nỗ lực hỗ trợ người dân đưa sản phẩm ra thị trường. Ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức, phối hợp tổ chức nhiều phiên chợ, chương trình trưng bày, kết nối, quảng bá sản phẩm các địa phương, trong đó có sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các chương trình sẽ mở ra hướng đi mới cho sản phẩm, giúp sản phẩm tiếp cận với khách hàng, đối tác. Chủ các cơ sở có thể thu thập, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ việc sản xuất, chế biến, đến nắm bắt nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, cách tiếp cận thị trường, xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cho sản phẩm nông nghiệp một cách an toàn, bền vững.
Trưng bày tại các siêu thị, điểm bán là một trong những cách làm hiệu quả để sản phẩm, hàng hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi đến nhanh, gần hơn với người tiêu dùng. Tại Siêu thị V’Mart (TP Tuy Hòa) có rất nhiều sản phẩm của các huyện miền núi được đánh giá cao về chất lượng, có chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh được trưng bày. Còn theo Trần Thị Bích Hoang, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa, hệ thống các siêu thị Co.opmart, Co.op Food trên địa bàn đã xây dựng khu trưng bày riêng biệt cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh, trong đó có sản phẩm khu vực miền núi. “Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm, kết nối với địa phương miền núi để tìm hiểu thêm về sản phẩm của các hộ gia đình và sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi đưa sản phẩm vào siêu thị, đồng thời hỗ trợ quảng bá sản phẩm của người đồng bào trên hệ thống siêu thị cả nước”, bà Hoang cho hay.
KHANG ANH