Mô hình Trường học không rác thải được triển khai thí điểm tại Phú Yên từ năm 2019 đến nay với hàng chục nghìn giáo viên, học sinh tham gia. Mô hình đã đạt được những kết quả nền móng nhất định trong việc phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa trong trường học.
Rác tái chế được phân loại, tập kết vào các thùng chứa rác tại Trường mầm non thị trấn Phú Hòa (huyện Phú Hòa). Ảnh: ANH NGỌC |
Sở GD&ĐT đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình Trường học không rác thải – phân loại, giảm thiểu rác thải, túi ni lông, đồ nhựa khó phân hủy dùng một lần.
Hiệu quả bước đầu
Thời gian qua, ngành Giáo dục Phú Yên chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Năm 2019, mô hình Trường học không rác thải được triển khai thí điểm tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.
Từ đó đến nay, nhà trường tiếp tục duy trì mô hình này nhằm tăng cường các hoạt động phân loại và tái chế rác thải, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Việc thu gom tập trung các loại rác thải và xử lý bảo đảm hợp vệ sinh đã góp phần nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh trong việc bảo vệ môi trường, giảm đáng kể tình trạng vứt rác bừa bãi.
Thầy Lê Hồng Duy, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho hay, giảm rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa trong cộng đồng là xu hướng tất yếu và là quá trình lâu dài, xuyên suốt. Hơn ai hết, học sinh là những công dân tương lai của đất nước; nếu nhận thức sâu sắc về tác hại của rác thải nhựa đến môi trường sống, các em sẽ dần hình thành được thói quen không sử dụng đồ dùng bằng nhựa một lần.
“Hiệu quả mang lại của việc thực hành quy định giảm rác nhựa dùng một lần trong trường học không chỉ đơn thuần là giáo dục bảo vệ môi trường sống, xây dựng cảnh quan sư phạm xanh – sạch – đẹp mà còn hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường như giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm…, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh”, thầy Lê Hồng Duy nói.
Năm 2022, Trường tiểu học số 2 thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) triển khai mô hình Trường học không rác thải. Mặc dù chỉ trong thời gian ngắn, nhưng kết quả mang lại rất tích cực. Đến nay, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nhà trường và cả phụ huynh đều nhận thức rõ về tác hại và cùng hành động hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần nhằm hạn chế phát thải chất thải nhựa ra môi trường. Qua hướng dẫn, học sinh đã thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại nguồn, rác thải bỏ đúng nơi quy định gồm rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế.
Thầy Nguyễn Thái Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 thị trấn Củng Sơn thông tin: Riêng rác tái chế, nhà trường đã xây dựng mô hình Ngôi nhà kế hoạch nhỏ có 3 ngăn, ngăn chứa giấy vụn, ngăn chứa vỏ lon và ngăn để vỏ chai nhựa.
Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, nhà trường tổ chức cho giáo viên và học sinh kiểm toán rác; với rác thải tái chế, trường sẽ bán phế liệu gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn. Nhờ vậy, phong trào Trường học không rác thải, Lớp học không rác của nhà trường được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh hưởng ứng mạnh mẽ.
Tiếp tục nhân rộng
Mô hình Trường học không rác thải được triển khai thí điểm tại Phú Yên từ năm 2019, đến năm 2022 đã có 13 trường học với hơn 11.410 học sinh, cùng khoảng 740 giáo viên, nhân viên tham gia. Đến nay, mô hình đã nhân rộng đến 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu hành động giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy đến cuối năm 2025 ở Phú Yên. Đồ họa: ANH NGỌC |
Bà Nguyễn Bảo Hân, điều phối viên dự án của Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đánh giá: Mô hình không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là rác nhựa dùng một lần mà còn đẩy mạnh các hoạt động phân loại rác, xử lý rác thải trong trường học trên địa bàn tỉnh. Đến nay, mô hình Trường học không rác thải đã tạo sự lan tỏa, thu hút sự tham gia đông đảo của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, phụ huynh học sinh.
Mô hình Trường học không rác thải trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nền móng nhất định trong việc triển khai phân loại rác, thực hiện mô hình ủ rác hữu cơ tại trường học và các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Việc triển khai mô hình đã thúc đẩy thay đổi hành vi sử dụng nhựa dùng một lần tại các trường học, giúp các trường học ngày càng xanh hơn, sạch hơn, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, mô hình này còn gắn kết với việc thi đua thực hiện bộ tiêu chí Trường học, lớp học không rác – xanh – sạch – đẹp – an toàn. Không dừng lại ở các kết quả đã có, ngành Giáo dục Phú Yên đặt mục tiêu và quyết tâm cao trong công tác thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần trong trường học. Đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình Trường học không rác thải đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Theo bà Võ Thị Minh Duyên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đặt ra trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường tại các trường học trong thời gian đến. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030, trong đó mục tiêu cụ thể đến hết năm 2025, 100% trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình Trường học không rác thải – phân loại, giảm thiểu rác thải, túi ni lông, đồ nhựa khó phân hủy dùng một lần.
“Sở GD&ĐT đề nghị các trường học trên địa bàn tiếp tục cam kết triển khai mô hình Trường học không rác thải, đưa nội dung đánh giá thực hiện mô hình phân loại, giảm thiểu rác thải vào đánh giá, xét thi đua trong trường học. Sở GD&ĐT mong muốn các tổ chức bảo vệ môi trường và các sở, ngành tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường”, bà Võ Thị Minh Duyên nói.
Năm học 2023-2024, trên địa bàn tỉnh có 359 trường học (128 trường mầm non, 95 trường tiểu học, 103 trường THCS, 33 trường THPT), với khoảng 196.685 học sinh. Theo kết quả khảo sát, mỗi ngày một người thải ra môi trường khoảng 0,155kg rác, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các cơ sở giáo dục ở Phú Yên gần 30,5 tấn/ngày, trong đó đồ nhựa dùng một lần chiếm phần lớn.
Điều phối viên dự án của GreenHub Nguyễn Bảo Hân |
ANH NGỌC
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/324234/huong-den-100-truong-hoc-xanh-sach-dep.html