Dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm tháp A, K, H ở Mỹ Sơn được khởi công từ năm 2017 theo Bản ghi nhớ ngày 28.10.2014 giữa Chính phủ VN và Chính phủ Ấn Độ về việc “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hoá thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn”.
Sau 6 năm triển khai (từ 2017 – 2022), các chuyên gia Ấn Độ đã phối hợp với cán bộ kỹ thuật VN, Ban Quản lý (BQL) di sản văn hoá thế giới tiến hành khai quật, trùng tu lần lượt 3 nhóm tháp H, K, A, trả lại dáng vẻ ban đầu như khi người Pháp phát hiện. Đây là nhóm kiến trúc bị tàn phá nặng nề do thời gian và chiến tranh.
Đài thờ sa thạch với Linga – Yoni liền khối được đặt tại khu tháp A1 |
Trong quá trình phát lộ trùng tu đã phát hiện gần 740 hiện vật các loại có giá trị, trong đó có những hiện vật độc đáo của nền điêu khắc Champa, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu lịch sử văn hoá Chăm. Đặc biệt, trong quá trình bóc tách lớp đất bị vùi lấp trong lòng tháp A10, các chuyên gia đã phát hiện một đài thờ sa thạch với Linga – Yoni liền khối còn nguyên vẹn. Đây là bộ Linga – Yoni liền khối lớn nhất của nền điêu khắc Champa được tìm thấy đến nay và đã được công nhận bảo vật quốc gia.
Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết sau thời gian dài bảo tồn, tôn tạo, tháp A, K, H đã hoàn thành và bàn giao trong sáng 20.12. Việc thực hiện dự án luôn được các bên triển khai thận trọng. Đầu tiên chọn các nhóm tháp có quy mô nhỏ, khối kiến trúc đơn giản như nhóm tháp K, rồi đến các nhóm tháp có quy mô vừa như nhóm H và cuối cùng là nhóm tháp A có quy mô lớn, phức tạp. Đặc biệt, phương pháp trùng tu tuân thủ nguyên tắc về bảo tồn di tích, trùng tu khảo cổ học, đề cao bảo tồn yếu tố gốc, tái định vị gia cố, gia cường là chính… Vật liệu can thiệp vào trùng tu có độ tương thích cao, vận dụng tối đa vật liệu cũ như gạch, đá; riêng gạch mới đưa vào trùng tu đã được kiểm định chặt chẽ.
Ông Subhash Prasad Gupta, Phó đại sứ Ấn Độ tại VN, khẳng định: “Hơn 200 khu đền tháp Chăm nằm rải rác khắp đất nước VN là một câu chuyện sinh động, thể hiện sự kết nối văn minh giữa hai dân tộc VN và Ấn Độ. Đặc biệt, khu đền tháp Mỹ Sơn là sự thể hiện tốt nhất về mối liên kết cho nền văn hóa, văn minh của hai dân tộc chúng ta”.
Ông Subhash Prasad Gupta cũng cho biết, cuộc họp cấp cao giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng VN đã xác định Ấn Độ sẽ giúp VN thực hiện thêm 3 dự án nữa, đó là trùng tu, tôn tạo khu tháp F, di tích Phật viện Đồng Dương (H.Thăng Bình, Quảng Nam) và tháp Nhạn ở Phú Yên.
Ông Trần Văn Tân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay quá trình thực hiện dự án diễn ra trong thời gian dài, gặp không ít trở ngại, nhất là ảnh hưởng của 2 năm đại dịch Covid -19. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của các bên tham gia dự án, sự đồng lòng, nỗ lực của đội ngũ chuyên gia và cán bộ kỹ thuật, sau 6 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành, đảm bảo đúng các nguyên tắc về bảo tồn di tích và được đánh giá cao.
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoi-sinh-nhieu-nhom-thap-co-o-my-son-1851533865.htm