Quan hệ thành viên trong HTX là quan hệ đối nhân không nặng về đối vốn. Đây là điểm khác biệt rõ nét nhất của HTX, nòng cốt của thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác. Điều này được luật hóa trong nguyên tắc hoạt động của HTX.
Kế thừa Luật HTX năm 2012, Luật HTX (sửa đổi) nhấn mạnh, thành viên chính thức của HTX, liên hiệp HTX được tham gia vào quản lý và hoạt động của đơn vị một cách dân chủ, bình đẳng, không phụ thuộc vào phần vốn góp. Thành viên chính thức góp vốn khi gia nhập được cùng kiểm soát vốn, quỹ và tài sản của HTX, liên hiệp HTX.
Cùng với đó, việc phân chia thu nhập cũng không hoàn toàn căn cứ theo tỉ lệ góp vốn mà ưu tiên theo mức độ sử dụng dịch vụ, sản phẩm hoặc mức độ đóng góp sức lao động, tức là ưu tiên những thành viên trực tiếp tham gia quản lý, lao động tại HTX. Sự ưu tiên này thể hiện ở tỉ lệ phân chia thu nhập khi chiếm tới 51% thu nhập từ giao dịch nội bộ.
Trên thực tế, có ý kiến cho rằng như vậy sẽ không khuyến khích được thành viên góp nhiều vốn, vì giữa thành viên góp 1 triệu đồng và góp 100 triệu đồng, lá phiếu hay ý kiến của họ ngang nhau trong biểu quyết các vấn đề phát triển HTX. Trong khi ở loại hình doanh nghiệp, cổ đông nào góp vốn nhiều thì có quyền quyết định cao hơn.
Nhưng kinh tế tập thể là vậy, bản chất của HTX là thành viên hợp tác trên tinh thần tương trợ lẫn nhau. Yếu tố tương trợ ở đây trước hết là tương trợ về vốn, để những cá nhân ít vốn vẫn có thể tham gia và khi tham gia, họ được tự do bày tỏ quan điểm, thể hiện năng lực mà không bị ràng buộc bởi đồng vốn.
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Bản chất trọng đối nhân của kinh tế tập thể được khẳng định tại Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Điều này một lần nữa khẳng định rõ hơn tính cộng đồng của mô hình kinh tế này, hoạt động vì lợi ích thành viên. Đây được coi là phương thức khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là cơ sở để hợp tác trở thành văn hóa…
MINH DUYÊN