Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngành Lâm nghiệp Phú Yên đã nỗ lực hoàn thành những mục tiêu quan trọng, tạo đà hướng đến các nhiệm vụ tiếp theo trong thời gian tới. Đáng chú ý là ngành Lâm nghiệp đã hoàn thành việc giao rừng cho các đơn vị, làm tốt công tác quản lý và phát triển rừng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT vừa kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh một số nội dung của dự án trồng rừng ngập mặn đầm Ô Loan.
Hoàn thành việc giao rừng
Thực hiện Quyết định 544/QĐ-UBND ngày 11/4/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2025, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh công bố và quyết định giao rừng cho 7 ban quản lý rừng phòng hộ/đặc dụng và 2 đơn vị vũ trang, gồm: Bộ CHQS tỉnh và Cơ sở giáo dục bắt buộc A1 (Bộ Công an), với tổng diện tích hơn 99.980ha (rừng tự nhiên 85.730ha; rừng trồng có trữ lượng gần 9.734ha; rừng trồng chưa có trữ lượng hơn 4.516ha).
Hiện nay, diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê, gồm rừng tự nhiên thuộc UBND xã quản lý gần 25.011ha; rừng tự nhiên hiện có trên diện tích đất giao theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP cho hộ gia đình, cá nhân gần 11.785ha.
“Giao rừng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những công cụ quản lý rừng hiệu quả; giữ vai trò định hướng cho ngành Lâm nghiệp từng bước ổn định, khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển và hội nhập theo hướng phân quyền quản lý; gắn trách nhiệm của chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Vì vậy, các đơn vị được giao rừng cần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ; xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để quản lý, sử dụng, phát triển bền vững diện tích rừng. Bên cạnh đó, UBND các huyện/thị xã/thành phố quan tâm, phối hợp với các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết.
Cũng theo Sở NN&PTNT, đơn vị sẽ phối hợp với Sở TN&MT hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, kiểm tra đánh giá hiện trạng, thủ tục giao rừng theo quy định. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương, hộ gia đình, cá nhân quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên; sớm tổ chức kiểm tra, rà soát diện tích rừng tự nhiên do hộ gia đình, cá nhân và UBND xã quản lý để xây dựng kế hoạch, đo đạc, đánh giá hiện trạng rừng, lập bản đồ giao rừng, cho thuê rừng, nhất là diện tích thu hồi đất lâm nghiệp từ các ban quản lý rừng phòng hộ đặc dụng giao trả về địa phương quản lý để làm cơ sở giao rừng gắn liền với giao đất theo quy định.
Trồng rừng ngập mặn tại khu vực đầm Ô Loan. Ảnh: NHẬT HUY |
Kiến nghị điều chỉnh dự án trồng rừng ngập mặn
Tại hội nghị sơ kết công tác lâm nghiệp và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2023 do Sở NN&PTNT chủ trì mới đây, cơ quan chức năng xác định tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về lâm nghiệp, trong đó đáng chú ý là việc điều chỉnh dự án Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan (huyện Tuy An).
Đây là dự án có tổng diện tích thực hiện 50ha, thời gian từ năm 2020-2025, với tổng mức đầu tư hơn 18 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt, báo cáo nghiên cứu khả thi. Nội dung điều chỉnh dự án là thay đổi thời gian thực hiện cho phù hợp với quy trình kỹ thuật trồng rừng ngập mặn và thời gian phân kỳ đầu tư của dự án (từ năm 2020-2025 điều chỉnh thành từ năm 2020-2028).
Theo lý giải của Sở NN&PTNT, đặc thù của trồng rừng thuộc công trình nông nghiệp khác với các công trình xây dựng, vì sau khi trồng rừng thì còn có giai đoạn trồng dặm và chăm sóc rừng trồng. Theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng ngập mặn của Bộ NN&PTNT, các loài cây trồng rừng ngập mặn: trang, sú, mắm đen, vẹt, bần chua, dà vôi, dừa nước, đước vòi và tra bồ đề có thời gian trồng, trồng dặm, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng là 4-6 năm. Trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đòi hỏi thời gian thực hiện gói thầu trồng rừng bao gồm cả trồng rừng, trồng dặm và chăm sóc rừng trồng, do đó việc điều chỉnh thời gian kéo dài tại thời điểm này là phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị liên quan và ý kiến tiếp thu giải trình, Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh một số nội dung của dự án Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan. Điều này giúp việc triển khai thời gian trồng rừng, trồng dặm và chăm sóc rừng trồng theo quy trình kỹ thuật trồng rừng ngập mặn được ban hành”.
Để khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn đầm Ô Loan, Phú Yên đã phê duyệt dự án Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan, với tổng diện tích 50ha. Trong đó, xã An Hòa Hải 42,8ha, xã An Ninh Đông 5,7ha và xã An Hiệp 1,5ha. Theo các chuyên gia về nông nghiệp, dự án mang đến nhiều giá trị tích cực về môi trường, cảnh quan. Khi cây phát triển thành rừng, rừng ngập mặn đầm Ô Loan sẽ cung cấp môi trường sống cho các loài thủy hải sản trú ngụ và sinh sản, qua đó giúp gia tăng, phục hồi đa dạng sinh học, bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm. |
NHẬT HUY