Từ năm 2017-2024, các HTX ở Phú Yên tham gia các dự án trồng rừng bền vững với Phần Lan thông qua kênh của Liên minh HTX Việt Nam. Trong hành trình ấy, các HTX và thành viên học được nhiều kinh nghiệm từ các chuyên gia về quy trình quản lý sản xuất lâm nghiệp. Đây là tiền đề hỗ trợ các HTX hình thành chuỗi giá trị trên gỗ rừng trồng trong tương lai.
Chặng đường đã qua
Tháng 1/2017, Dự án VIE6566 – Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam được khởi động, với sự tài trợ của Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (FFD).
Đến tháng 6/2018, giai đoạn 1 Dự án VIE6566 kết thúc, 2 HTX của Phú Yên là HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) hoàn thành 5 hợp phần gồm: nâng cao năng lực, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chứng chỉ rừng, phát triển kinh doanh lâm nghiệp, quản lý và giám sát dự án. Từ năm 2018-3/2019, Dự án VIE6566 bước vào giai đoạn 2, Phú Yên có thêm HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú (huyện Tây Hòa) tham gia.
Mục đích chính của giai đoạn này là hướng tới chứng chỉ rừng PEFC. Tuy nhiên, năm 2020, khi ký hợp đồng với các công ty đánh giá (được FFD ủy quyền) gặp khó về kinh phí từ các nhà tài trợ. Liên minh HTX 3 tỉnh là Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi và Phú Yên thống nhất ưu tiên cho các HTX ở tỉnh Thừa Thiên – Huế được cấp chứng chỉ PEFC.
Liên minh HTX 2 tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên tiếp tục triển khai Dự án VIE8701 – Hướng tới phục hồi nền lâm nghiệp quy mô nhỏ tại Việt Nam để tiếp tục mục tiêu đạt chứng chỉ rừng theo nhóm cho các HTX và thành viên. Liên minh HTX tỉnh Phú Yên tham gia Dự án VIE8701 từ tháng 3/2023-12/2024. Hiện 134 hộ chủ rừng với 267 lô rừng trên tổng diện tích 667,13ha đã được cấp chứng chỉ rừng FSC.
Ông Lê Thanh Lam, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: Tham gia 2 dự án, Phú Yên được FFD hỗ trợ hơn 4,6 tỉ đồng mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất rừng như xe tải, dụng cụ bảo hộ phòng chống cháy rừng…
Các HTX được hướng dẫn quy trình lâm sinh như kỹ thuật ươm cây giống, xây dựng vườn ươm, cách sử dụng trang thiết bị để khai thác, vận chuyển gỗ và cảnh báo cứu hộ rừng khi xảy ra cháy, bảo vệ sinh thái môi trường rừng…
Đặc biệt lần đầu tiên ở tỉnh, các HTX đạt được chứng chỉ rừng. 7 năm đồng hành cùng dự án, giúp HTX và thành viên thay đổi nhận thức chuyển từ trồng rừng manh mún, nhỏ lẻ sang trồng rừng bền vững theo chuỗi giá trị.
“Đối với Liên minh HTX tỉnh, việc trực tiếp tham gia Dự án VIE8701 với vai trò là Ban Quản lý phát triển chứng chỉ rừng FSC, giúp đơn vị nhận thấy giá trị của chứng chỉ rừng quốc tế, bởi tính nghiêm ngặt trong quá trình xây dựng chứng chỉ. Cụ thể, rừng được cấp chứng chỉ phải trải qua quá trình điều tra xác định trữ lượng, đánh giá tác động xã hội, tác động môi trường, đánh giá rủi ro, khả năng đa dạng sinh học và lâm sản ngoài gỗ hay giá trị bảo tồn… Việc xác nhận kết quả điều tra, đánh giá cũng do tổ chức quốc tế trực tiếp thực hiện” ông Lam nói thêm.
Từng bước thay đổi nhận thức
Theo ông Võ Văn Dị, HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phú, trồng rừng bền vững chính là quá trình xây dựng chuỗi giá trị lâm nghiệp. Từ hình thành vườn ươm tạo cây giống đến cách trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, khai thác an toàn, cuối cùng là tiêu thụ trên thị trường hiệu quả. Chứng chỉ rừng là sự xác nhận cho quá trình ấy đạt chuẩn theo yêu cầu.
Thời gian trước, HTX và thành viên HTX trồng rừng theo kiểu tận thu, ít đầu tư khiến chất lượng gỗ không đạt lại dễ gây cháy rừng. Những năm qua, HTX hiểu hơn giá trị của rừng, biết cách triển khai các khâu trong chuỗi giá trị. Hiện diện tích rừng trồng của HTX và thành viên đã có chứng chỉ FSC, HTX hy vọng sản phẩm gỗ sẽ có cơ hội được xúc tiến thương mại để tiếp cận với thị trường lớn hơn, tăng khả năng tiêu thụ.
Còn bà Nguyễn Thị Mai, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây chia sẻ: Tôi có 2ha trồng keo. Diện tích nhỏ khó có cơ hội sở hữu chứng chỉ rừng và tôi chỉ có thể bán gỗ cho thương lái. Nhờ tham gia dự án cùng HTX, rừng của tôi đã có chứng chỉ.
Theo Liên minh HTX tỉnh, cho tới hiện tại các HTX mới chỉ thành công với các sản phẩm nông nghiệp thông qua xây dựng thương hiệu, đưa nông sản ra thị trường; còn sản xuất lâm nghiệp chưa được khơi thông. Trồng rừng bền vững có chứng chỉ sẽ là cánh cửa đầu tiên mở ra cơ hội phát triển cho các HTX hoạt động ở lĩnh vực lâm nghiệp.
Theo Liên minh HTX tỉnh, FFD là một trong ít tổ chức quốc tế lớn hợp tác với Liên minh HTX tỉnh trong khoảng 10 năm qua. Sự hợp tác này không chỉ mang lại nguồn vốn giúp các HTX có thêm trang thiết bị phục vụ sản xuất mà còn tạo cơ hội cho thành viên và HTX tiếp cận quy trình sản xuất nông lâm nghiệp hiện đại, bền vững. Từ đây củng cố khả năng cạnh tranh, tiếp cận gần hơn với làm lâm nghiệp hàng hóa. |
MINH DUYÊN
Nguồn: https://baophuyen.vn/82/324212/hanh-trinh-trong-rung-ben-vung-tai-cac-hop-tac-xa.html